|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cải thiện CAR: Bài toán khó của hệ thống ngân hàng Việt Nam

17:14 | 10/10/2016
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố Dự thảo lần thứ 4 Quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm mục tiêu đưa việc quản trị rủi ro cũng như an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế, cụ thể là Basel II. Biết là hay, là tốt, nhưng việc áp dụng là điều thị trường dự báo “không trải hoa hồng”…
 4433

“Chiếu”theo Thông tư mới, CAR của các ngân hàng rất mỏng

Ông Võ Quốc Khánh, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính ngân hàng, EY Việt Nam cho biết, trước đây quy định về tỷ lệ an toàn vốn mới chỉ tính đến rủi ro tín dụng, còn rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động là chưa có. Do vậy, dự thảo Thông tư yêu cầu các ngân hàng thương mại sử dụng một phần vốn tự có để phòng ngừa rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trong đó, rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường; còn rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ không đầy đủ hoặc có sai sót, do con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yêu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng.

“Do vậy, khi Thông tư có hiệu lực, tác động lớn nhất là làm hệ số CAR của ngân hàng giảm xuống vì tính thêm 2 rủi ro trong việc đảm bảo an toàn vốn. Mặc dù rủi ro thị trường không lớn vì trạng thái danh mục kinh doanh của các ngân hàng thường không quá lớn, nhưng rủi ro hoạt động tính thêm trên cơ sở thu nhập hoạt động là phần ảnh hưởng tương đối đến hệ số CAR. Nếu tính thêm 2 phần rủi ro này, tôi ước tính sẽ chiếm trung bình khoảng 1,5-2% hệ số CAR, nghĩa là với những ngân hàng có tỷ lệ CAR hiện tại 10% sẽ giảm còn khoảng 8%”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng cho biết thêm, cấu phần tín dụng cũng sẽ theo hướng chặt chẽ hơn, tính đến đặc thù rủi ro của từng sản phẩm vay và khách hàng vay. Điều này sẽ khiến mức vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng cao hơn. Đây cũng là yếu tố khiến hệ số CAR trong ngân hàng giảm đi và những ngân hàng có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án cải thiện để đảm bảo an toàn hoạt động.

Một lãnh đạo VietinBank cho biết, Ngân hàng đang tiến tới thực hiện tính toán vốn theo Basel II, đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng an toàn, bền vững. Song để đáp ứng tỷ lệ CAR theo quy định của Basel II thì nhu cầu tăng vốn của VietinBank là rất cấp thiết. Tuy nhiên, hiện tại dư địa tăng vốn của VietinBank là tương đối hạn chế do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã chạm ngưỡng tối thiểu (64,46%) theo quy định của Chính phủ.

Tăng vốn đảm bảo CAR: đâu là giải pháp hữu hiệu nhất?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế, Trưởng nhóm tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cần tăng vốn để đảm bảo CAR hiện nay, mặc dù tỷ lệ an toàn vốn phụ thuộc vào từng ngân hàng. Trong khi đó, các con số cho thấy những ngân hàng có vốn nhà nước có mức vốn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần và đây là một quan ngại bởi nếu mức vốn thấp hơn, độ rủi ro cao hơn và sẽ có ảnh hưởng tới tài sản.

Ông Alwaleed nêu quan điểm, thông thường các ngân hàng có nguồn vốn mạnh sẽ có sức chịu đựng tốt hơn trước tình trạng hỗn loạn của thị trường. Ở Việt Nam, nhiều ngân hàng có nguồn vốn mỏng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cố gắng tăng cường nguồn vốn cho những ngân hàng này. Một số phương án có thể lựa chọn như: thứ nhất, ép buộc các ngân hàng sáp nhập để có số lượng ngân hàng ít hơn trong hệ thống tài chính-ngân hàng; thứ hai, đảm bảo các cổ đông đóng góp, tăng cường nguồn vốn tốt hơn trong ngân hàng; thứ ba, nếu Việt Nam có một thị trường tài chính mạnh thì các ngân hàng có thể phát hành trái phiếu trên thị trường, đây chính là nguồn vốn ở tầng thứ hai.

Đồng quan điểm về việc tăng vốn nhưng ông Khánh quan ngại, tăng vốn không phải là giải pháp đơn giản, nhất là trong điều kiện hiện tại, có được khối lượng tiền mặt lớn không phải dễ dàng kể cả từ các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đến các ngân hàng thương mại cổ phần. Tiền thật để tăng vốn khó khăn, chỉ có thể dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn. Tuy nhiên, làm sao để có lợi nhuận đủ sức tăng vốn theo yêu cầu trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu là điều rất khó khăn với nhiều ngân hàng, bên cạnh đó là sức ép từ cổ đông trong việc chia cổ tức.

Còn giải pháp nào khác…

Ông Khánh cho biết, cách tính CAR mới ra sẽ giúp các ngân hàng nhìn lại mức tăng trưởng tín dụng như thế nào phù hợp hơn với sức mạnh vốn; để đảm bảo mức lợi nhuận, ngân hàng sẽ “nhìn” sang mảng dịch vụ nhiều hơn nữa. Tất nhiên, điều này có ảnh hưởng đến vốn vì liên quan đến rủi ro hoạt động thì khi tăng lợi nhuận từ các hoạt động khác đương nhiên bị tính vốn liên quan đến rủi ro hoạt động, nhưng thường sẽ vẫn ít hơn phần rủi ro tín dụng từ việc tăng trưởng tín dụng.

Câu chuyện tiếp theo, ông Khánh gợi ý, đó là trong danh mục tín dụng phải nhìn xem đâu là những tài sản sẽ có hệ số quy đổi cao như cho vay bất động sản, cho vay doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao (sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, thiếu minh bạch…) sẽ phải được cân nhắc đến hiệu quả có tương xứng với mức vốn hay không? Tóm lại, một là, cơ cấu lại mức độ tăng trưởng; hai là, cơ cấu lại danh mục tín dụng phù hợp, hiệu quả nhất xét trên khía cạnh mức độ tài sản có, rủi ro quy đổi và mức vốn tương ứng phải tương xứng với lợi nhuận của khoản vay đó đem lại. Ngoài ra, các cam kết cấp tín dụng (không hủy ngang) sẽ có hệ số chuyển đổi cao hơn đòi hỏi các ngân hàng thận trọng trong việc cấp các cam kết cho vay không hủy ngang.

“Quá trình triển khai Thông tư cần có lộ trình phù hợp và từ phía NHNN cũng đã tính đến việc thực hiện như thế nào là hợp lý với bước khởi đầu là triển khai bài “kiểm tra” trước cho các ngân hàng dựa trên Dự thảo nhằm biết được mức độ đáp ứng của các ngân hàng”, ông Khánh nói.

Thông tin trên thị trường đánh giá, NHNN - với vai trò là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm an toàn hệ thống, việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn là cần thiết nhưng vẫn cần tính đến mức độ thực hiện được của các ngân hàng thương mại. Dự kiến, Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2017 đối với Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, ACB, VIB, VPBank, Maritime Bank, Sacombank và từ ngày 1/1/2019 đối với tất cả ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Nhuệ Mẫn