|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Cách tránh nợ nần khi kinh tế khó khăn

09:06 | 02/11/2020
Chia sẻ
Với tình hình kinh tế khó khăn thì các khoản nợ dường như là điều khó tránh khỏi đối với nhiều người nhưng vẫn có những phương pháp tránh nợ nần dựa trên quản lí tài chính thông minh.

Các cách tránh nợ nần chủ yếu liên quan đến việc thực hiện các bước đi chủ động, hướng tới quản lí tiền bạc và thời gian hợp lí để hạn chế nợ và giảm bớt lo lắng về tài chính. Với tình hình kinh tế không mấy khả quan thì chỉ khi bạn nghiêm túc quản lí tài chính, bạn mới có thể ngăn chặn nguy cơ vướng phải các khoản nợ chồng chất, theo trang Nairametrics.

1. Để tránh nợ nần, hãy đặt giới hạn chi tiêu

Mỗi người trong chúng ta đều sẽ rất dễ lâm vào tình trạng nợ nần nếu thói quen chi tiêu không kiểm soát và mua sắm quá tay. Việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh đã thúc đẩy thương mại điện tử cũng như mua sắm trực tuyến phổ biến hơn rất nhiều. 

Điều này nghĩa là quá trình đặt mua hàng nhanh hơn và thuận tiện hơn cũng sẽ khiến chi tiêu tốn kém hơn. Do đó, bạn nên chủ động đặt giới hạn chi tiêu sẽ giúp bạn kiểm soát nguồn tiền của mình tốt hơn, nhắc nhở bạn về khả năng chi trả trong phạm vi thu nhập.

2. Đánh giá khách quan thu nhập và chi phí

Nắm chắc về việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, cần chi tiêu những khoản cố định nào và còn lại bao nhiêu, nên đầu tư hay tiết kiệm vào đâu là một mẹo thông minh khác để tránh nợ nần. 

Bản thân bạn cần phải tỉnh táo khi đánh giá khách quan thu nhập và chi phí để từ đó  tiêu tiền khôn ngoan hơn bằng cách phân tích thu nhập và nhu cầu, sau đó chuẩn bị một chiến lược chi tiêu phù hợp để trang trải cho cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên phải luôn rõ ràng về bản chất, nhu cầu của các khoản chi phí để không bội chi.

3. Biết hài lòng với những gì hiện có

Cách tránh nợ nần khi kinh tế khó khăn - Ảnh 1.

Biết hài lòng với thu nhập và cuộc sống hiện có cũng giúp bạn tránh xa nợ nần.

Bên cạnh đó, nếu bạn muốn hạn chế nợ nần thì bạn cũng đồng thời phải biết hài lòng với những gì hiện có. Bạn hãy thử quên đi tham vọng mua sắm chi tiêu xa xỉ và tuyệt đối tránh đi vay tiền về để mua đồ, đồng thời bạn có thể vui vẻ chấp nhận rằng mình hoàn toàn có thể sống thoái mái với thu nhập hiện có. 

Cân bằng giữa thực tế và khao khát ngoài tầm tay, cảm thấy bình tĩnh với tình hình tài chính sẽ dẫn đến việc kiểm soát hiệu quả hơn.

4. Học các kiến thức tài chính

Quản lý tiền bạc và tránh nợ nần là một kĩ năng quan trọng cần được rèn giũa theo thời gian tùy theo tình trạng tài chính cá nhân của mỗi người. Tuy vậy, dù thế nào thì bạn cũng cần phải có kiến thức về tài chính, tốt nhất là qua việc đọc sách, tham gia các khóa học hoặc hỏi ý kiến của bạn bè, người thân giỏi về tài chính cũng như quản lí tiền bạc.

5. Thực tế với chi tiêu của bản thân

Hầu hết mọi người đều muốn mua sắm rất nhiều thứ. Sự phát triển của sản xuất và xu hướng kinh tế tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, thay đổi liên tục khiến chúng ta sản sinh tâm lí tưởng rằng mình cần mua những gì mới nhất, thịnh hành nhất. Nhiều người đã vượt quá khả năng chi trả của mình chỉ để sở hữu những món đồ mới, dẫn đến những khoản nợ nần không thể tưởng tượng được. 

Để tránh mắc phải nợ nần, bạn cần thực tế với chi tiêu của mình. Phân tích những thứ thiết yếu bạn cần và kiểm tra xem bạn có cần cắt giảm ngân sách của mình để đi đúng hướng hay không.

6. Kiếm thêm thu nhập

Giả sử bạn đã cắt giảm chi tiêu nhưng vẫn không thoát khỏi việc phải vay nợ thì bạn hãy nỗ lực kiếm nhiều tiền hơn để đáp ứng nhu cầu của mình. Thu nhập bổ sung có thể đáp ứng nhiều nhu cầu tài chính hơn. Chủ động tìm việc làm thêm, cộng tác viên hoặc kinh doanh, bán hàng trực tuyến đều sẽ hữu ích trong trường hợp này.

7. Có kế hoạch tiết kiệm

Một trong những cách để hạn chế khả năng lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất là dự phòng cho những khoản phát sinh ngoài dự kiến. Bạn hãy phân bổ thu nhập của mình hợp lí để trang trải cho kế hoạch tiết kiệm dài hạn.

Hạn chế các khoản nợ đòi hỏi rất nhiều kỉ luật, tự giác vì nó liên quan đến nhận thức và tự ép bản thân thay đổi các thói quen xấu. Tốt nhất bạn hãy thường xuyên trau dồi thói quen chi tiêu có chủ đích và có kế hoạch, cũng như cải thiện khả năng kiếm tiền.

Thu Phương