Các liên doanh 'gà đẻ trứng vàng', đóng góp nghìn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm cho doanh nghiệp Việt
Giống như việc sở hữu một con gà biết đẻ trứng vàng như trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine, nhiều doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu có gốc gác là công ty Nhà nước) có được các liên doanh hiệu quả với Tập đoàn nước ngoài, để từ đó thu lợi đều mỗi năm mà không tốn quá nhiều công sức.
Liên doanh ô tô, xe máy hốt "trứng vàng" qua nhiều năm
VEAM hưởng lợi không nhỏ từ các nhà sản xuất ô tô như Toyota, Honda và Ford
Nổi tiếng nhất trong nhóm này phải kể đến Tổng công ty Máy động lực Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã: VEA). Sở hữu ba liên doanh, liên kết siêu lợi nhuận và đều là các thương hiệu sản xuất ô tô, xe máy nổi tiếng thế giới: 30% Honda Việt Nam, 20% Toyota Việt Nam và 25% Ford Việt Nam.
Thành công của các liên doanh này tác động trực tiếp đến kết quả lợi nhuận hàng năm, nếu như không muốn nói là đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận của VEAM qua các năm. Nhiều năm trở lại đây, VEAM thường xuyên gặp phải tình trạng lợi nhuận sau thuế còn cao hơn cả doanh thu, tiền mặt dồi dào đem gửi ngân hàng, cũng bởi dòng tiền cổ tức từ Honda, Toyota và Ford.
Đơn cử năm 2018, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh chính của VEAM đạt 7.070 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 603 tỉ đồng nhưng nhận tới 6.852 tỉ đồng tiền lãi trong liên doanh liên kết. Đó là còn chưa kể 416 tỉ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi do tiền mặt quá nhiều. VEAM báo lãi ròng 7.047 tỉ đồng trong năm, cao nhất trong lịch sử.
BM tổng hợp
Nếu đã là cổ đông của VEAM trong một vài năm trở lại đây, có lẽ nhà đầu tư sẽ không cần phải hối hận. Cổ tức mỗi năm chia tỷ lệ 35% - 40%, cổ phiếu VEA tăng 20% kể từ khi giao dịch trên thị trường UPCoM tháng 6 năm ngoái và hiện đang ở mức cao nhất lịch sử gần 60.000 đồng/cp.
Chưa hết, kết quả kinh doanh của ba liên doanh siêu lợi nhuận Honda, Toyota và Ford nửa đầu năm nay hết sức ấn tượng sau tác động của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Theo số liệu từ VAMA, doanh số bán hàng của cặp đôi Toyota và Lexus tương ứng tăng 44% và 937% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số Honda tăng 47%, doanh số của Ford tăng 61%. Nhưng con số biết nói phản ánh việc năm 2019 có lẽ sẽ tiếp tục là một năm thành công của các liên doanh và là một năm bội thu của VEAM.
Một liên doanh ô tô – xe máy cũng rất thành công là "cái bắt tay" giữa Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), hãng xe Nhật Bản – Yamaha và Công ty Công nghiệp Hong Leong (Malaysia). Vinafor sở hữu 30% liên doanh với hai công ty này, và đây là một trong những nhà sản xuất xe máy thành công nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, Vinafor còn có các liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy trong đó có một liên doanh với Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và JK Paper của Ấn Độ.
Tổng hợp cho thấy, năm 2018 lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết đóng góp về cho Vinafor đạt 762 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lợi nhuận của công ty này. Năm trước đó, Vinafor thậm chí thu hơn 1.000 tỉ đồng từ các "gà đẻ trứng vàng".
BM tổng hợp
Không giống như ô tô, thị trường xe máy tại Việt Nam đang trong giai đoạn bão hòa với tỷ lệ sở hữu sở hữu cá nhân phương tiện này đạt 1/3 dân số, đứng thứ ba thế giới (số liệu từ Honda). Theo Chứng khoán Bản Việt, tăng trưởng doanh số bán xe máy tại Việt Nam chỉ ở mức 2% trong 10 năm qua, và dự kiến tốc độ tăng trưởng giảm sút xuống còn từ 1% - 2% cho đến năm 2022, thậm chí còn có thể đi ngang.
Năm 2018, doanh số bán hàng của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đạt gần 3,39 triệu chiếc, tăng 3,5% so với năm 2017. Tuy nhiên trong quý I/2019, doanh số bán hàng toàn thị trường bất ngờ giảm hơn 6,1%.
Thị trường ô tô xe máy thành công kéo theo lợi ích dành cho các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, hàng phụ trợ. CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí (PV Machino – Mã: PVM) là doanh nghiệp sở hữu các liên doanh như thế.
PV Machino nắm trong tay 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% của Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% Công ty TNHH Phụ tùng Xe máy, Ô tô SHOWA Việt Nam. Đây đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng cung cấp cho Honda, Yamaha...
Báo cáo tài chính của PV Machino tiết lộ, năm 2018 các liên doanh chia cho công ty này hơn 80 tỉ đồng lợi nhuận, hai năm trước đó lần lượt là gần 84 tỉ đồng và 100 tỉ đồng.
BM tổng hợp
Trái ngược với hiệu quả hoạt động của các liên doanh, liên kết; các công ty sở hữu các liên doanh này kinh doanh không thực sự ấn tượng, biên lợi nhuận gộp thấp qua nhiều năm, riêng chỉ có Vinafor là đạt trên 22%.
BM tổng hợp
Những khách sạn nằm trên "đất vàng"
Sở hữu những vị trí đắc địa tại Thủ đô Hà Nội, khách sạn Melia (44B Lý Thường Kiệt) và khách sạn Daewoo (360 Kim Mã) đều là các khách sạn 5 sao, có lợi nhuận khá ấn tượng trong lĩnh vực bất động sản khách sạn.
Một đặc điểm chung của hai khách sạn này là đều là sản phẩm liên doanh giữa một doanh nghiệp trong nước có "đất vàng" và đối tác nước ngoài có vốn và kinh nghiệm quản trị điều hành; nếu như Melia là liên doanh của CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) và SAS Trading Ltd (công ty con của TTC Land, thuộc TTC Group của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi) thì Daewoo là hợp tác của Công ty TNHH Hanel và Tập đoàn Daewoo E&C từ những ngày đầu. HEM nắm trong tay 35% khách sạn Melia còn Hanel sở hữu 30% liên doanh khách hạn Daewoo.
Và cũng chính bởi yếu tố "đất vàng" kể trên, các liên doanh khách sạn ăn nên làm ra, là địa điểm thu hút các hội nghị được tổ chức và du khách trong, ngoài nước đến tá túc.
Theo thống kê của chúng tôi, liên doanh sở hữu khách sạn Melia Hà Nội hàng năm chia từ 40 – 60 tỉ đồng cổ tức cho HEM, đóng góp phần lớn vào lợi nhuận sau thuế của công ty này. Năm 2018, số tiền mà HEM thu được từ khách sạn Melia trên 40 tỉ đồng.
BM tổng hợp
Số liệu về khách sạn Daewoo ít xuất hiện hơn trên truyền thông, nhưng năm 2017, khách sạn này cũng chi hơn 22 tỉ đồng tiền cổ tức cho Hanel, đơn vị sáng lập.
Trong khi cơ cấu sở hữu của Melia không hề thay đổi từ những ngày đầu thành lập, thì tại Daewoo, việc ai là ông chủ của khách sạn này từng tốn không ít giấy mực của báo giới.
Năm 2011, Tập đoàn Lotte ngỏ ý muốn mua lại 70% khách sạn Daewoo mới mức giá 111 triệu USD; Hanel sau đó bằng ưu tiên mua trong thỏa thuận liên doanh đã vượt mặt Lotte để mua cổ phần với giá rẻ hơn đáng kể.
Để rồi cuối cùng Hanel chuyển nhượng toàn bộ phần vốn nói trên cho nhóm CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Hợp Thành 1 (đơn vị mua lại CTCP Cảng Quy Nhơn từ Vinalines).
Theo tìm hiểu của người viết, tháng 5 vừa qua, người đại điện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT của CTCP Daeha (chủ sở hữu tổ hợp khách sạn Daewoo) được đổi từ ông Nguyễn Công Thanh sang bà Võ Ngọc Xuân.
Bà Võ Ngọc Xuân chính là đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư Hợp Thành 1, ngoài ra đáng chú ý còn là chủ sở hữu của CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C), đơn vị từng sở hữu tòa nhà Saigon One Tower sau đó phải gán nợ cho VAMC...