|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bốn công ty đa cấp tự nộp ‘giấy báo tử’

16:14 | 15/12/2016
Chia sẻ
Hiện tại, cả nước chỉ còn 39 công ty đa cấp hoạt động, giảm đáng kể so với con số 67 doanh nghiệp vào năm 2015. Bên cạnh những doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, một số công ty lại chủ động xin ngừng hoạt động.

4 công ty tự nộp “giấy báo tử”

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội vừa thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) của Công ty TNHH Qivana Quốc tế. Công ty có trụ sở chính tại Hà Nội, giấy đăng ký tổ chức BHĐC được cấp vào tháng 5/2012.

Theo Sở Công Thương, mới đây doanh nghiệp đã nộp cho Sở thông báo chấm dứt hoạt động BHĐC và đơn đề nghị giải tỏa tiền ký quỹ.

Đây là đơn vị thứ tư tự nộp thông báo chấm dứt hoạt động BHĐC. Trước đó, 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Everrichs Global, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu, thương mại Vi Na Linh và Công ty TNHH Thương mại Tiến Thịnh Phát cũng hành động tương tự.

Everrichs Global là công ty đa cấp kinh doanh thực phẩm chức năng được cấp giấy chứng nhận BHĐC tháng 10/2013. Đến tháng 6/2015, doanh nghiệp nộp đơn xin Sở Công Thương Hà Nội chấm dứt hoạt động BHĐC, nhưng mãi đến tháng 4/2016 Sở mới chấp thuận đề nghị này và giải tỏa tiền ký quỹ của công ty.

Báo chí đưa tin, dù đóng cửa tại Hà Nội nhưng Everrichs Global vẫn hoạt động chui tại TP HCM. Doanh nghiệp đã lập nhiều công ty con như công ty Phúc An Khang, công ty Everrichs Khát Vọng Việt, công ty TNHH MTV TM…

Sau khi kêu gọi người tham gia mua sản phẩm với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng, công ty bị nhiều người tố cáo là lừa đảo dưới hình thức BHĐC. Ngày 18/5/2016, Bộ Công Thương chính thức xử phạt Everrichs Global cùng 13 công ty khác do hoạt động chui và mắc nhiều sai phạm.

Trường hợp bất ngờ thông báo tạm ngừng sau 9 năm hoạt động và 1 năm kinh doanh đa cấp là Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu, thương mại Vi Na Linh. Công ty có trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM.

Mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận BHĐC từ tháng 3/2015 nhưng doanh nghiệp đã thông báo ngừng mọi hoạt động liên quan đến đa cấp kể từ ngày 10/3/2016.

Cuối năm nay, Công ty TNHH Thương mại Tiến thịnh Phát nộp đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh xin chấm dứt hoạt động BHĐC từ ngày 26/9/2016. Công ty kinh doanh 29 ngành như xây dựng nhà các loại, hoàn thiện công trình xây dựng, bán buôn ô tô, xe máy, thực phẩm, vi tính, vận tải đường bộ…

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC của doanh nghiệp được cấp vào tháng 2/2015, cấp sửa đổi bổ sung lần thứ nhất hồi tháng 5/2015 và có hiệu lực đến năm 2020.

Trong khi hàng loạt công ty đa cấp khác bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC thì 4 công ty này lại “tự nguyện” xin ngừng bán hàng và đều không nói rõ lý do.

Bộ Công Thương “siết” hoạt động BHĐC

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội thông tin, hiện có 16 doanh nghiệp đa cấp dù giấy phép hết hạn đã 2 năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện xong thủ tục chấm dứt hoạt động BHĐC và đề nghị giải tỏa tiền ký quỹ.

Hàng loạt cái tên có thể chỉ đích danh như: Công ty TNHH UFUN Việt Nam; Công ty TNHH World Nets Việt Nam; Công ty TNHH JM Ocean Avenue; Công ty Cổ phần đầu tư LVI Quốc tế…

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, số người tham gia BHĐC khoảng 500.000 người, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015. Các doanh nghiệp đa cấp đã nộp thuế với tổng số tiền khoảng hơn 452 tỷ đồng. Hàng hóa trong kinh doanh đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và đồ gia dụng.

Cục Quản lý cạnh tranh phản ánh, hoạt động BHĐC hiện nay có nhiều biến tướng, gây hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia và toàn xã hội. Vì vậy, Bộ Công Thương đã thắt chặt quản lý trong lĩnh vực này.

Từ tháng 6/2015 – 11/2016, Bộ đã điều tra 65 vụ việc đối với các công ty BHĐC, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt hơn 11 tỷ đồng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện và xử lý 18 doanh nghiệp BHĐC nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo quy định với số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Linh Lê