|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Y tế đã 'hết sức trách nhiệm' trong vụ VN Pharma ra sao?

08:50 | 23/09/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng khẳng định Bộ Y tế đã quyết liệt chủ động phát hiện, phối hợp chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn không để một viên thuốc H-Capita nào được lưu thông ra thị trường...
avatar_1569200969222

Liên quan đến vụ buôn bán thuốc giả ở VN Pharma, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đ.N.T

Báo cáo Thủ tướng về trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để Công ty VN Pharma nhập khẩu, lưu hành thuốc chữa ung thư giả, Bộ Y tế từng cho rằng đã rất “quyết liệt”, “hết sức có trách nhiệm” để ngăn chặn thuốc giả lưu hành ra thị trường... Thực tế có như Bộ Y tế báo cáo?

Đổ lỗi “lọt lưới” do hồ sơ giả tinh vi

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thời điểm năm 2017, sau khi xảy ra những “lùm xùm” liên quan đến vụ VN Pharma, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lúc đó đã có Văn bản số 949 ngày 29.8.2017 báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. 

Trong báo cáo này, Bộ trưởng khẳng định Bộ Y tế đã quyết liệt chủ động phát hiện, phối hợp chặt chẽ, hết sức trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn không để một viên thuốc H-Capita nào được lưu thông ra thị trường và quyết liệt, nhanh chóng chuyển toàn bộ hồ sơ, thông tin cho cơ quan chức năng điều tra.

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22 về đăng ký thuốc nhưng nội dung chưa đầy đủ, dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời

Kết luận của Thanh tra Chính phủ


Báo cáo này cũng cho biết việc thẩm định, cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục đúng quy chế hoạt động của tổ thẩm định với 10 chuyên gia từ Trường ĐH Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, Cục Quản lý dược. Việc để “lọt lưới” các giấy tờ giả là do các tài liệu này đã được làm giả một cách tinh vi nên các chuyên gia về dược không thể phát hiện bằng... mắt thường.

Mặc dù là báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ nhưng hầu như không có cá nhân cụ thể nào được nhắc tên. 

Trong báo cáo này, Bộ trưởng Y tế bày tỏ tán thành việc “quá trình điều tra rất chi tiết, chặt chẽ, cơ quan điều tra đã không truy cứu hình sự các công chức Bộ Y tế vì các cán bộ này chính là người nghi ngờ, bằng nhiều cuộc họp, trao đổi thông tin đã phát hiện ra bất hợp lý trong giải trình, chủ động đề nghị chuyển hồ sơ của Công ty cổ phần VN Pharma sang cơ quan điều tra. Trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án, các công chức này đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu, ý kiến chuyên môn phục vụ điều tra để đưa vụ gian lận về xuất xứ hàng hóa, làm giả hồ sơ ra ánh sáng”.

Về xử lý trách nhiệm, Bộ Y tế cho biết đã xử lý hành chính những người có liên quan bằng cách thực hiện việc luân chuyển lãnh đạo, chuyên viên phụ trách, thay thế và bổ sung các chuyên gia thẩm định; Hội đồng thi đua, khen thưởng của Cục Quản lý dược đã đề nghị lãnh đạo Bộ cắt tất cả các danh hiệu thi đua tập thể, cá nhân có liên quan đối với Phòng Quản lý kinh doanh dược.

Trong buổi công bố kết luận thanh tra việc nhập khẩu, lưu hành thuốc ung thư giả liên quan đến Công ty cổ phần VN Pharma (Công ty VN Pharma) tại Bộ Y tế mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng Bộ Y tế có trách nhiệm rất lớn với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra vụ việc này. TTCP yêu cầu Bộ Y tế phải khẩn trương, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Lo cơ cấu tổ chức hơn sức khỏe nhân dân?

Trong khi đó, tại kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty VN Pharma, TTCP khẳng định thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua, ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại VN.

Theo TTCP, việc để xảy ra những sai phạm liên quan đến vụ VN Pharma là do lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược đã thiếu trách nhiệm khi ban hành các chính sách, văn bản hướng dẫn có nhiều sơ hở, thiếu sót hoặc bất cập nhưng chậm sửa đổi, khắc phục. Cụ thể, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22 về đăng ký thuốc nhưng nội dung chưa đầy đủ, dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.

Thanh tra cũng cho rằng, Bộ Y tế có thiếu sót khi chưa quy định trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc phải có giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp nước ngoài tại VN theo điều 5, Quyết định 151 của Thủ tướng. 

Trong 3 năm (2012 -2014), Bộ Y tế đã cấp giấy phép nhập khẩu 607 thuốc nước ngoài mà không yêu cầu nộp giấy này, trong đó có 3 thuốc H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500 mg (là 3 loại thuốc giả nguồn gốc xuất xứ của Công ty VN Pharma). Sơ hở của Bộ Y tế cũng dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu khi giấy phép hoạt động của công ty có liên quan đã hết hạn từ trước đó hơn 2 tháng.

Kết luận của TTCP và tìm hiểu của Thanh Niên cho thấy, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22 về đăng ký thuốc có hiệu lực từ 24.5.2010, nhưng 3 năm sau đó, ngày 11.4.2013, bộ này mới ban hành quyết định thành lập Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc; đến 14.11.2014 mới ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc. 

Giải thích về sự chậm trễ này, Bộ Y tế cho biết có nguyên nhân giai đoạn này đang phải sắp xếp lại... cơ cấu tổ chức. Được biết, trong giai đoạn này có tới 10.000 bộ hồ sơ xin cấp đăng ký lưu hành thuốc bị tồn đọng.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án, gồm: buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xảy ra tại Công ty VN Pharma, theo quy định tại điều 157 bộ luật Hình sự (BLHS) 2015; và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan, theo quy định tại điều 360 BLHS 2015.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty VN Pharma, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 12 bị cáo ở khung cao nhất, từ 20 năm tù đến chung thân. Đến nay, TTCP đã chuyển kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng để tiếp tục làm rõ, xử lý.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Sơn - Duy Tính