|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Hà Nội chậm di dời trụ sở bộ ngành là do liên quan nhiều bộ

15:57 | 04/06/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tình hình di dời trụ sở bộ ngành chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Hiện mới có bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức... đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ Giáo dục và Bộ Lao động chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời...

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay (ngày 4/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; việc quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa); quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội…

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Hà Nội chậm di dời trụ sở bộ ngành là do liên quan nhiều bộ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Xây dựng Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề di dời trụ sở bộ ngành tại Hà Nội bị chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc này liên quan tới nhiều cơ quan, nhiều bộ.

Theo ông Hà, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.

Tuy nhiên tình hình hiện nay chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Hiện mới có bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức... đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ Giáo dục và Bộ Lao động chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời.

Sau câu trả lời của Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với các Bộ để đánh giá vì sao việc di dời trụ sở bộ ngành chậm và giải pháp như thế nào.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bình Định về việc chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh về đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình condotel, trách nhiệm và hướng giải quyết của Bộ Xây dựng như thế nào, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, villa resort…

"Quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở", Bộ trưởng Xây dựng khẳng định.

Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, trả lời chất vấn của cử tri, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa ra một số các giải pháp. Thứ nhất là phải sửa đổi bổ sung thể chế, cần có quy định cụ thể và linh hoạt hơn để tăng chiều cao, dân số các dự án cải tạo chung cư cũ sao cho phù hợp.

Ông Hà cũng nhìn nhận, vấn đề vướng mắc lớn nhất trong việc cải tạo chung cư cũ hiện nay đó là đang không bảo đảm được sự hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. "Doanh nghiệp bị hạn chế theo quy hoạch về chiều cao và diện tích dự án, không đảm bảo mục tiêu về lợi ích nên không tham gia", ông Hà nói. 

Theo ông Hà, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội và TP HCM để xây dựng một số chính sách đặc thù trong việc cải tạo chung cư cũ, ví dụ như cải tạo thêm các khu vực xung quanh để tạo thành mô hình đô thị mới, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. 

"Các địa phương cũng cần phối hợp, đưa ra những đề xuất đặc thù với từng địa bàn", ông Hà đề nghị.

Khánh Hà