Bộ trưởng Bộ Công Thương 'mổ xẻ' 5 siêu dự án tiêu tan 30.000 tỷ
|
Tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh giải trình trước các ý kiến của đại biểu cho rằng 5 "siêu dự án" hoạt động thiếu hiệu quả gây ra thiệt hại kinh tế lên đến 30.000 tỷ trong khi cách xử lý vẫn như "bắn chỉ thiên".
Vị Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác cũng còn tiềm ẩn nguy cơ và tồn đọng các vướng mắc. Nếu không tháo gỡ kịp thời thì sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn đầu từ nguồn lực của Nhà nước và xã hội, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Về 5 dự án được điểm danh, Bộ trưởng cho biết, những dự án như Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ và các dự án về ethanol sinh học đều diễn ra một thời gian dài so với quá trình đầu tư của dự án đã được phê duyệt.
Bộ Công Thương đang phối hợp cùng với các bộ ngành tổng hợp, rà soát, đánh giá, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này và có báo cáo cụ thể với Chính phủ.
Thời gian vừa qua, một số dự án có sự tham gia của các Bộ quản lý chủ quản cũng như các cơ quan liên quan, các cơ quan chức năng. Chính phủ đã tiến hành thanh tra dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án ethanol, nay đã đến giai đoạn kết luận. Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua sẽ có hướng chỉ đạo tiếp theo, Bộ trưởng nêu rõ.
Các dự án Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương đang tiến hành thanh tra. Bộ trưởng khẳng định sắp có kết quả. Khi đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng về biện pháp xử lý dứt điểm và báo cáo đầy đủ với Quốc hội.
Cần làm rõ trách nhiệm
Ngoài ra, còn một số vấn đề mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra qua thực trạng của 5 dự án. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, phải rạch ròi và làm rõ hơn nữa trong công tác quản lý các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, không chỉ đầu tư công mà còn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước.
Đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong cách phát triển thị trường. Bộ trưởng gợi ý, cần xác định rõ những lĩnh vực thế mạnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận cơ hội của thị trường, phát triển sản xuất cũng như cung ứng hàng hóa.
5 dự án "bết bát" này cũng bộc lộ những khuyết điểm và lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, cả về khung pháp lý lẫn thể chế. Một lần nữa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị làm rõ trách nhiệm giữa các Bộ quản lý, cơ quan chủ quản về quản lý hiệu quả nguồn vốn cũng như quy trình đầu tư.
Ông cũng nhấn mạnh cần xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật Nhà nước từ khâu chiến lược, quy hoạch cho đến chủ trương đầu tư.
"Thậm chí không loại trừ những hành động cố ý trong vi phạm pháp luật về quản lý và điều hành hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Đại biểu yêu cầu tính toán xử lý
Bài trình bày của Bộ Công thương nhận được nhiều "hoan nghênh" của đại biểu. Ông Trương Trọng Nghĩa đoan TP HCM bày tỏ đồng tình với việc công bố các dự án vừa rồi thua lỗ, kém hiệu quả và đắp chiếu và đề nghị sớm lập danh mục những dự án mà Bộ trưởng Tuấn Anh nói "còn nhiều".
Ông lý giải, "chỉ cần mỗi một ngày qua lỗ vài ba tỷ, mỗi một năm lỗ năm, bảy chục tỷ chứ không đến 1.000 tỷ như một số nhà máy đã nêu, cộng lại đã là con số hết sức to lớn". Những vùng sâu, vùng xa hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo đang rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy.
Đại biểu Phùng Văn Hùng tiếp tục đặt câu hỏi, liệu Bộ trưởng đã tính toán phương án để xử lý những dự án bị đắp chiếu này chưa?
Cùng trong buổi tranh luận, đại biểu Huỳnh Thành Chung, Bình Phước lại đưa ra góp ý nên sớm đưa nhà máy ethanol hoạt động trở lại. Bởi theo kinh nghiệm nghiên cứu về nhiên liệu sinh học, ông Chung cho biết, nếu pha trộn ethanol với xăng chỉ 5% thôi sẽ giảm được khí phát thải về ô nhiễm môi trường trên 20%.
Vì vậy, dự án chỉ tác động kinh tế mà phải xem về việc tác động xã hội cũng giống như vấn đề môi trường của quốc gia của chúng ta hiện nay. Sở dĩ dự án kém hiệu quả do thời điểm này giá xăng dầu giảm dẫn đến chi phí vận hành, kinh doanh dự án không hiệu quả.
Do đó, đại biểu đề nghị nên vận hành lại dự án để tránh lãng phí tài sản đã đầu tư. Nếu không chỉ có cách nào khác là đập bỏ hoặc hủy bỏ nó đi.
Nhiệm vụ của Bộ Công Thương đối với các dự án "bết bát": Đánh giá đầy đủ thực trạng hiện nay của dự án. Đánh giá quá trình điều hành thực hiện các dự án đầu tư này, vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của các chủ đầu tư. Xác định rõ những biện pháp, giải pháp để giải quyết thực hiện các dự án theo nguyên tắc bảo vệ, giữ gìn lợi ích của Nhà nước cũng như hiệu quả đồng vốn của Nhà nước. Đưa ra phương án giải quyết triệt để, để đảm bảo không làm thất thoát vốn của Nhà nước, phù hợp với những nguyên tắc của kinh tế thị trường và hiệu quả, mục tiêu đầu tư của dự án. Xác định làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân, đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý. |