|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bộ Tài chính: Vẫn còn tình trạng tranh giành, ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm

12:07 | 29/01/2021
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, thị trường bảo vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức. Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm.
an_le_ve_nghia_vu_cung_cap_thong_tin_benh_ly_trong_hop_dong_BHNT_0711084636.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Taichinhplus).

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đang dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam.

Tại tờ trình, Bộ Tài chính cho biết một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự, dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm.

Đồng thời, thị trường bảo hiểm cũng có những bất cập, thể hiện là chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao như vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức... Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường, bảo đảm các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm...

Theo Bộ Tài chính các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Về một số nội dung chính được sửa đổi, luật sẽ bổ sung nguyên tắc doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của mình đối với bên mua bảo hiểm; các bên tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải trung thực tuyệt đối, được tự nguyện thỏa thuận, công khai, minh bạch.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, dự kiến bổ sung toàn bộ quy định về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.

Ngoài ra, sẽ bổ sung toàn bộ các quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm. Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí.

Về quy định chung của hợp đồng bảo hiểm, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại hợp đồng bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm... 

Đồng thời, bổ sung các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2000 - 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm…

Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1 triệu lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng.

Hiện nay, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn, 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn, 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không…

Lê Huy