|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bỏ quy định về đặt máy chủ ở Việt Nam

18:07 | 11/01/2018
Chia sẻ
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã lược bỏ quy định doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam”.
bo quy dinh ve dat may chu o viet nam Buộc đặt máy chủ tại Việt Nam để thu thuế Facebook, Agoda...?
bo quy dinh ve dat may chu o viet nam VCCI: Yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ tại Việt Nam là 'trái cam kết quốc tế'

Chiều 10/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng – dự án Luật thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều tranh cãi thời gian qua.

bo quy dinh ve dat may chu o viet nam
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình về dự án Luật An ninh mạng. - Ảnh: CAND

Theo Báo cáo kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn của dự án Luật An ninh mạng do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày, tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến quản lý về an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam (Khoản 4, Điều 27).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội cho biết, theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet xuyên quốc gia vào Việt Nam vi phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền chống Nhà nước, kích động chống đối, phá hoại an ninh, gây rối trật tự công cộng... thì bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết.

Tuy nhiên, qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” và chỉnh lý theo hướng “lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản, Khoản 4, Điều 27”.

Tuy nhiên, đây là nội dung nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội… Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến nhất trí phải xác lập hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đồng thời, đề nghị quy định rõ tiêu chí và các loại hệ thống thông tin. Có ý kiến đề nghị bổ sung hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung, chỉnh lý tiêu chí tại Khoản 1, Điều 9 và các loại hệ thống thông tin tại Khoản 2, Điều 9 cho rõ hơn; căn cứ tiêu chí tại Khoản 1 và lĩnh vực có hệ thống thông tin tại Khoản 2, Điều 9 giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cho linh hoạt.

Cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo lý giải thêm về các phương án. Đơn cử, có cần thiết phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam? Nếu không đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam thì liệu có kiểm soát được thông tin xấu, độc phát tán trên lãnh thổ Việt Nam không và kiểm soát như thế nào?

Về vấn đề này, báo Công an nhân dân dẫn lời Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an - đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, hiện dư luận trong nước cũng như quốc tế quan tâm nhiều đến việc tại sao phải đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng bản chất của việc này không phải là máy chủ, mà dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng khác tạo ra trong quá trình sử dụng ở Việt Nam thì phải để ở Việt Nam. Đây là tài sản của Việt Nam, tài nguyên của Việt Nam, do chúng ta tạo ra, liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì chúng ta phải được quản lý.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ với Bộ Công an về việc phải có quy định các nhà mạng phải lưu trữ thông tin một thời gian nhất định để khi có những vụ việc vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra có thể trích xuất dữ liệu đó để xử lý. Hiện không lưu trữ nên không còn lưu vết để xử lý nữa. Việc đặt máy chủ do chưa trở thành tiền lệ trên thế giới nên còn tranh cãi giữa một số nước, nhưng nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn có thể có cách quy định cho phù hợp.

Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trong dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh xâm phạm quyền con người và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, về quy định quản lý về an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam cần tiếp tục xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định này cần mang tính khả thi cao, tránh gây bất cập khi áp dụng trong thực tiễn.

Thành Đạt

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.