Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc truy tìm Trịnh Xuân Thanh
|
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22/9, Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời về giả thiết ông Trịnh Xuân Thanh – người vừa bị khởi tố và phát lệnh truy nã trong nước và quốc tế - có thể bị bắt giữ ở một quốc gia chưa kí hiệp ước dẫn độ tội phạm với Việt Nam thì việc xử lý tiếp theo sẽ được thực hiện như thế nào.
Ông Lê Hải Bình cho biết ông sẽ chuyển câu hỏi đến các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam đang phối hợp với nhau và phối hợp với các cơ quan liên quan quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc này.
Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC) tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự và phát lệnh truy nã quốc tế với nghi can này.
Trước đó ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Trịnh Xuân Thanh đứng đầu và chịu trách nhiệm.
Cùng trong vụ án PVC, 4 lãnh đạo khác của Tổng công ty này gồm: ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng) đã bị bắt, khởi tố cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 8/9, Ban Bí thư kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Thanh.Trước đó, ông này đã bị hủy tư cách Đại biểu Quốc hội vì những lùm xùm xung quanh.
Hơn một tháng qua, ông Thanh xin nghỉ phép ra nước ngoài để trị bệnh nhưng quá thời hạn quy định vẫn chưa thấy trở lại nhiệm sở. Các liên lạc với ông đều bị gián đoạn.
|