Bộ Công Thương đề xuất không cần giấy uỷ quyền chính hãng để phân phối ô tô
Ô tô đã đắt còn lo gánh thêm thuế | |
Bộ Công Thương thừa nhận thất bại công nghiệp ô tô |
Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ không cần giấy uỷ quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam như quy định từng gây tranh cãi tại Thông tư 20 trước đây.
Cũng tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra các điều kiện nhập khẩu ô tô như có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu. Có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu.
Dự thảo Nghị định quy định rõ về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô. Theo đó, chỉ có các doanh nghiệp mới được tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Các chủ thể kinh doanh khác không phải là doanh nghiệp không được tiến hành hoạt động này. Quy định này nhằm bảo đảm các điều kiện đầu tư kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được thực thi một cách hiệu quả và lâu dài, phù hợp với quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô sẽ không cần giấy uỷ quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam. Ảnh: Cafeauto. |
Quy định điều kiện về cơ sở vật chất tại dự thảo Nghị định nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra đối với xe xuất xưởng thông qua việc buộc doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử xe ô tô quy định tại Nghị định; bảo đảm trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường thông qua quy định doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng theo quy định tại Nghị định.
Quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng doanh nghiệp nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi ô tô nhập khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trước mắt, doanh nghiệp nhập khẩu có thể lựa chọn một trong ba hình thức (i) sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; (ii) thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm; hoặc (iii) cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu.
Để duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng, dự thảo Nghị định quy định tới thời điểm 1/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định.