|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bloomberg: Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo của Trump

16:42 | 13/02/2017
Chia sẻ
Bloomberg cho rằng sau Mexico, Donald Trump sẽ nhắm đến một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
bloomberg viet nam co the la muc tieu tiep theo cua trump

Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam cho đến nay vẫn nằm ngoài sự soi mói của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về thương mại, nhưng có thể đó là vì chưa đến lúc. Đây đều là những nước mà hiện nay Mỹ đang bị thâm hụt về thương mại, ở một số nước còn thâm hụt lớn.

Trước và sau khi nhậm chức, Trump đã gây nhiều quan ngại về một kỷ nguyên bảo hộ mới, thông qua hành động rút nước Mỹ khỏi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương, chỉ trích chính sách thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay đề xuất áp thuế nặng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các nước.

Bloomberg nhận định đối tượng dễ bị tấn công nhất là các nước mà Mỹ đang bị thâm hụt thương mại. Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia của Trump, cùng ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross hồi năm ngoái đã viết một báo cáo cho rằng thâm hụt thương mại lớn chính là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng trưởng chậm chạp.

"Hầu hết mọi nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á đều thặng dư thương mại từ rất nhiều đến nhiều khủng khiếp với nước Mỹ", Deborah Elms, giám đốc trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore nói với Bloomberg.

"Thâm hụt thương mại là một rắc rối. Người ta có thể thấy một Donald Trump giận giữ hoặc một dòng Tweet bất cứ lúc nào. Đã có nước nào thức tỉnh trước vấn đề này chưa. Có lẽ là chưa", người này nói.

bloomberg viet nam co the la muc tieu tiep theo cua trump
Các đối tác thương mại chính của Mỹ tại châu Á, sắp xếp từ thặng dư thương mại nhất đến thâm hụt nhất.

Bloomberg đã tổng hợp các đối tác thương mại chính của Trung Quốc tại châu Á, sắp xếp từ thứ tự từ lớn nhất đến nhỏ nhất về thặng dư thương mại với Mỹ:

Trung Quốc

Trump từng liên tục đe dọa Trung Quốc khi còn trong chiến dịch tranh cử như áp thuế thật nặng với hàng hóa Made in China, đến việc liệt Trung Quốc vào dạng thao túng tiền tệ. Tuy vậy, đã vài tháng trôi qua và vị tân Tổng thống chưa thực hiện bất cứ hành động nào. Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo Trump rằng chiến tranh thương mại có thể làm thiệt hại cho cả hai phía.

Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho đến nay là nhà lãnh đạo châu Á nhiệt tình nhất trong việc thiết lập mối quan hệ với Trump. Ông đã hai lần đến Mỹ để gặp tân Tổng thống kể từ khi Trump nhậm chức. Hôm cuối tuần, ông Abe còn cùng Trump chơi một trận golf ở Florida.

Điều khiến Trump phật lòng là cho đến nay các nhà sản xuất xe hơi Mỹ vẫn chưa tiếp cận được vào thị trường Nhật Bản. Còn ông Abe nói rằng đó là vì các hãng xe Mỹ vẫn chưa đủ cố gắng.

Việt Nam

Việt Nam từng kỳ vọng nhiều vào TPP để thiết lập mối quan hệ thương mại chính thức với Mỹ.

Hiện nay, thặng dư thương mại với Mỹ tương đương 15% nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu nhờ kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như đồ dệt may, nội thất, đồ dùng phòng ngủ. Kim ngạch xuất khẩu tới Mỹ của Việt Nam tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010, do nhiều nhà máy ở Trung Quốc chuyển dịch đến đây để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.

Hàn Quốc

Trump từng gọi Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc (hay còn gọi là Korus) là "kẻ giết chết việc làm".

Hiện nay, hơn 80% thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ là nhờ ngành xe hơi.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Thương mại của Hàn Quốc, ông Joo Hyung-hwan cho biết sẽ tìm cách giải thích về lợi ích của Hiệp định Korus với chính quyền Trump.

Ấn Độ

Kể từ khi xuất hiện Diễn dàn chính sách Thương mại năm 2005, thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ tăng vọt, từ 29 tỷ USD lên 65 tỷ USD năm 2015.

Thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ có được nhờ xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin, hàng dệt may và đá quý.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có vẻ ấm áp. Ông Modi là nhà lãnh đạo thứ 5 Trump gọi điện sau lễ nhậm chức. Cho đến nay, vấn đề thương mại vẫn chưa xuất hiện trong các chủ đề nói chuyện của họ.

Malaysia

Các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do giữa Malaysia và Mỹ được bắt đầu từ năm 2005 nhưng bị hoãn lại vào năm 2009 sau khi Malaysia phản đối sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho Israel ở dải Gaza. Sau đó, Malaysia tham gia vào vòng đàm phán TPP.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Thương mại của Malaysia Mustapa Mohamed nói rằng nước này hiện tập trung vào thương mại với 10 thành viên của ASEAN.

Thái Lan

Đàm phán FTA với Mỹ bắt đầu từ năm 2004 và hoãn lại năm 2006 trước một cuộc đảo chính ở Thái Lan. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái Lan chủ yếu sản phẩm cao su, hàng máy móc điện tử.

Indosnesia

Thặng dư thương mại của Indonesia chủ yếu nhờ việc xuất khẩu hàng may mặc, cao su và giày dép. Chiều ngược lại, Mỹ xuất khẩu máy bay, đậu tương và máy móc.

Hai nước có lần gặp nhau gần nhất vào tháng 4/2016 để bàn bạc các vấn đề thương mại, bao gồm việc giúp Indonesia nâng cao bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đề xuất hợp tác các lĩnh vực như đánh bắt hải sản trái phép.

Philippines

Philippines là nước có thể bị ảnh hưởng nếu "thuế biên giới" của Trump thành hiện thực, do kim ngạch xuất khẩu của nước này phụ thuộc lớn vào hàng điện tử, hàng tiêu dùng, những mặt hàng không khó tìm ở Mỹ. Gần đây, Tổng thống Rodrigo Duterte đã dành thời gian ưu tiên cho các chuyến công cán quanh châu Á để thúc đẩy thương mại, tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có chuyến thăm đến Trung Quốc.

Singapore

Singapore chịu thâm hụt lớn trong thương mại với Mỹ vì vị thế trung tâm tài chính châu Á của mình, với việc nhiều ngân hàng lớn, hãng tư vấn, các hãng luật và kế toán của Mỹ bán dịch vụ tại đây.

Ngoài ra, hãng hàng không Singapore Airlines mới đây lên kế hoạch đặt hàng lô máy bay thân rộng từ nhà sản xuất Boeing của Mỹ với trị giá 13,8 tỷ USD, tương đương với một phần tư kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 của hai nước.

Hong Kong

Hong Kong đang đặt mục tiêu để đạt được một thỏa thuận thương mại với ASEAN với các cuộc đàm phán bắt đầu từ hồi năm ngoái. Cũng là một trung tâm tài chính, Hong Kong là nơi có thâm hụt thương mại lớn nhất châu Á đối với Mỹ. Doanh số các dịch vụ mà các công ty Mỹ thu được khi hoạt động tại đây ở mức 33,8 tỷ USD vào năm 2013.

Vân Vũ