|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bloomberg: Hãng bia Việt sụt giảm doanh số vì qui định mới về cấm người uống rượu bia lái xe

14:44 | 21/01/2020
Chia sẻ
Các công ty bia cho rằng biện pháp mới quá khắc nghiệt và các hãng phải giảm giá để kích cầu trước dịp Tết Nguyên đán.
Doanh số các hãng bia Việt đi lùi vì luật rượu bia mới - Ảnh 1.

Doanh số các hãng bia Việt đi lùi vì luật rượu bia mới. Nguồn: ShutterStock.

Lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2004, từ đó thu hút nhiều thương hiệu bia toàn cầu từ Heineken NV đến AB InBev.

Tuy nhiên, Bloomberg mới đây dẫn số liệu của truyền thông trong nước cho biết doanh số bia rượu ở Việt Nam đã giảm ít nhất 25% kể từ khi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới có hiệu lực vào ngày 1/1/2020.

Bloomberg dẫn thông tin từ các quan chức y tế cho biết lượng tiêu thụ thức uống có cồn của Việt Nam đang gây ra tác hại đến sức khỏe. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có 79.000 người tử vong liên quan đến thức uống có cồn.

Theo bà Lê Thị Thu, một giám đốc chương trình của Tổ chức HealthBridge Foundation of Canada tại Việt Nam cho biết, hơn 80% người uống rượu bia tại Việt Nam là nam giới và việc lạm dụng thức uống có cồn đang làm gia tăng tác hại đến xã hội, bao gồm tai nạn giao thông, bạo lực và mất trật tự xã hội.

Số liệu của WHO cũng cho thấy, các tác động tiêu cực từ việc lạm dụng rượu bia tương đương 1,3-3,3% GDP của Việt Nam.

Hãng tin này nhận định, "Luật rượu bia mới cứng rắn hơn đang kìm hãm một trong những thị trường bia tăng trưởng nhanh nhất thế giới".

Các công ty bia cũng cho rằng biện pháp mới quá khắc nghiệt và họ phải giảm giá để kích cầu trước dịp Tết Nguyên đán.

Để ứng phó với luật mới, các nhà hàng có bán bia đang đưa ra dịch vụ đưa đón về tận nhà hoặc về văn phòng miễn phí và giảm giá đối với khách quen. Bên cạnh đó, nhiều người đã lên mạng mua thuốc giải rượu bia để tránh bị nộp phạt.

Việc Việt Nam kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn của người lái xe diễn ra khá bất ngờ với nhiều người nghiện rượu bia. Trước đó, luật cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ làm việc vẫn thường bị ngó lơ.

Theo qui định về rượu bia mới, những người lái xe máy có thể bị phạt tới 8 triệu đồng, gấp đôi mức cao nhất trước đây và có thể bị đình chỉ giấy phép lái xe trong hai năm, tăng từ mức 5 tháng trước đó.

Những người lái xe hơi hoặc xe tải có nồng độ cồn vượt mức qui định có thể bị phạt tới 40 triệu đồng và bị đình chỉ giấy phép lái xe.

Luật này cũng yêu cầu các loại quảng cáo thức uống có cồn phải bao gồm những lời cảnh báo về sức khỏe và yêu cầu các cửa hàng phải đăng thông báo cấm bán thức uống có cồn cho những người dưới 18 tuổi.

Qui định mới quá hà khắc?

Ông Lương Xuân Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết, Hiệp hội ủng hộ luật nghiêm khắc hơn để khuyến khích người uống rượu bia có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng các mức phạt mới quá cao.

"Chúng tôi hiểu qui định này cần thiết để giúp mọi người trở nên trách nghiệm hơn khi uống rượu bia. Nhưng qui định này vẫn còn quá nhiều tranh cãi", Bloomberg dẫn lại lời của ông Lương Xuân Dũng.

Theo Euromonitor International, tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng mở rộng và dân số trẻ đã góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng 284% về tiêu thụ bia trong giai đoạn 2004-2018. Đây cũng là một lí do đằng sau việc Thai Beverage bỏ 4,8 tỉ USD để thâu tóm Sabeco hồi cuối năm 2017.

Trong khi lượng tiêu thụ bia tại Mỹ giảm 4% thì lượng tiêu thụ bia trên đầu người của Việt Nam tăng 30% lên 43 lít trong giai đoạn 2013-2018. Mặt khác, việc uống rượu bia ở Việt Nam gắn liền với việc làm ăn, xem thể thao và ăn mừng ngày lễ.

"Người dân đã quen với việc uống rượu bia mọi lúc, bất cứ ở đâu và bất kì khi nào họ muốn", ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết.

Theo ông Vũ Tú Thành, "hình ảnh của Việt Nam sẽ được cải thiện, không chỉ trong mắt người nước ngoài mà cả người dân trong nước" nếu luật này được triển khai nghiêm túc, lực lượng cảnh sát không nể nang, dung túng.

Một người lính 60 tuổi đã nghỉ hưu chia sẻ: "Tôi là một người lính. Tôi luôn tuân thủ qui định. Nhưng luật này quá khó cho tôi và những người bạn".

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP "qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt".

Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị triển khai thực hiện ngay.

Theo dữ liệu từ Cục CSGT, sau hai tuần Nghị định 100 có hiệu lực, CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lí 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông và phạt tiền gần 50 tỉ đồng.

Đối với vi phạm nồng độ cồn, CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lí 6.279 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 21 tỉ đồng.

Nguyên Ngọc