|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bình Định tha thiết muốn cảng Quy Nhơn là cảng của Nhà nước

15:05 | 21/01/2018
Chia sẻ
Đó là nội dung được bàn luận nhiều nhất tại cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định sáng 20-1.
binh dinh tha thiet muon cang quy nhon la cang cua nha nuoc

Cảng Quy Nhơn - Ảnh: GIA VŨ

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thanh Tùng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - xin được "mạnh dạn nói thẳng" với Thủ tướng và đoàn công tác về vấn đề cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

Cảng của tư nhân, tỉnh không biết quy hoạch sao

Theo đó, cảng Quy Nhơn gắn với truyền thống kháng chiến của cả Quân khu 5, là niềm tự hào và là vị thế của Bình Định; là cửa ngõ ra biển quốc tế của Tây Nguyên, vùng hạ Lào, đông bắc Thái Lan; có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng không chỉ cho Bình Định, các tỉnh lân cận mà cả Tây Nguyên, hạ Lào.

"Một cảng có vị thế như vậy nhưng vừa rồi tiến hành cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, thật ra là bán để thành cảng tư nhân, cán bộ và nhân dân Bình Định rất buồn. Bây giờ tỉnh rất lúng túng, không biết quy hoạch phát triển ra sao, trách nhiệm như thế nào.

Tôi thay mặt cho cán bộ, nhân dân Bình Định, tha thiết đề nghị Thủ tướng và trung ương xem xét để cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước. Được như vậy thì cán bộ và nhân dân Bình Định đời đời biết ơn" - ông Tùng bày tỏ.

Được mời phát biểu, ông Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng - nói: "Kiến nghị của bí thư Tỉnh ủy Bình Định về cảng Quy Nhơn là bức xúc của tỉnh, còn tôi là cực kỳ bức xúc. Khi chúng tôi làm Bộ luật hàng hải có quy định về chính quyền cảng, nhưng đổi lại tên gọi là cơ quan quản lý về cảng của Nhà nước.

Cho nên, tôi đề nghị vận dụng Bộ luật hàng hải, thiết lập đặc biệt ở đây một cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cảng khi mở rộng thành cụm cảng Quy Nhơn".

"Thưa Thủ tướng, Quy Nhơn mà không còn cảng là mất hoàn toàn lợi thế phát triển. Vấn đề ở đây không chỉ là kinh tế mà còn là an ninh quốc phòng, chiến lược quốc gia và tầm nhìn dài hạn" - ông nói.

Có vấn đề trong quá trình thoái vốn

Khẳng định cảng Quy Nhơn hiện nay là thương hiệu cực tốt, là cảng biển dẫn đầu miền Trung, ông Lê Đình Thọ - thứ trưởng Bộ GTVT - nói rằng bộ xác định đây là cảng biển đầu mối số 1.

Ông Thọ cho biết chủ trương cổ phần hóa cảng biển Quy Nhơn là của Đảng và Chính phủ. Vì xác định cảng Quy Nhơn có vị trí chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, nên khi cổ phần hóa bộ quyết định không cho đưa lên sàn giao dịch, không cho đối tác nước ngoài tham gia.

Ông đánh giá hiện nay việc tổ chức kinh doanh dịch vụ cảng biển Quy Nhơn đang có vấn đề, kho bãi, bốc xếp, tổ chức của cảng Quy Nhơn đều yếu.

"Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra, sau khi có kết luận thì Thủ tướng sẽ có chỉ đạo xử lý, các bộ ngành trung ương và địa phương sẽ thực hiện" - ông Thọ nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - nói: "Cảng có hạ tầng rất hiện đại, chiều dài 825m nhưng có 6 cầu cầu cảng, kho bãi, kho chứa cực kỳ nhiều. Sau này thanh tra sẽ báo cáo Thủ tướng, nhưng mong các bộ ngành cũng hết sức quan tâm trong việc này như ý kiến của bí thư Tỉnh ủy Bình Định.

Thực ra quá trình thoái vốn dứt khoát là có vấn đề, giá trị tài sản rất lớn như thế nhưng khi thu lại cho nhà nước thì rất thấp".

Thủ tướng: "Tôi rất lắng nghe"

binh dinh tha thiet muon cang quy nhon la cang cua nha nuoc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định sáng 20-1 - Ảnh: DUY THANH

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bình Định cần có chương trình khai thác dịch vụ cảng, logistics, trước hết là phải phát triển có hiệu quả cảng Quy Nhơn.

"Tỉnh phải xác định địa điểm xây dựng cảng có công suất lớn, đa năng. Nhà nước sẽ cân nhắc, xem xét về vấn đề cảng Quy Nhơn sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận và sẽ có phương thức quản lý tốt hơn để tạo điều kiện cho Bình Định vì cảng Quy Nhơn là tâm thế, tình cảm rất lớn lao của người Bình Định.

Tôi rất lắng nghe ý kiến của đồng chí bí thư Tỉnh ủy, của đồng chí Trần Du Lịch và ý kiến một số đồng chí khác ở đây về vấn đề này" - Thủ tướng nói.

Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn

* Ngày 4-2-2013: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) giai đoạn 2012-2015, trong đó nêu Công ty TNHH một thành viên Cảng Quy Nhơn thực hiện cổ phần hóa Nhà nước phải nắm giữ 75% vốn điều lệ.

* Từ giữa tháng 3-2013: Việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn được tiến hành. Công ty CP Cảng Quy Nhơn có vốn điều lệ hơn 404 tỉ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%, nhà đầu tư chiến lược chiếm 12,45%, cổ đông đại chúng chiếm 7,54%, còn lại là cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên và công đoàn công ty.

* Ngày 27-5-2013: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản đồng ý cho cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo phương thức: Vinalines nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

* Năm 2014: Vinalines thoái thêm một phần cổ phiếu nhà nước nắm giữ cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội), để tỉ lệ cổ phiếu nhà nước giảm từ 75% xuống còn 49%, còn tỉ lệ của Công ty Hợp Thành nâng lên mức 37,23% vốn điều lệ.

* Ngày 8-9-2014: Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản đồng ý cho bán hết phần vốn của Vinalines tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước.

* Ngày 8-9-2015: Vinalines báo cáo đã thoái toàn bộ số cổ phần Nhà nước đang nắm giữ tại cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành, doanh nghiệp này tăng tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại cảng trên lên 86,23% vốn điều lệ.

* Ngày 11-4-2017: Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn

Duy Thanh