Bí thư Nhân đề nghị công bố hết dịch COVID-19 ở Việt Nam
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội trên nghị trường sáng 15/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân xin thêm thời gian và dành hơn 10 phút nói về tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam và những giải pháp cần thực hiện để khôi phục nền kinh tế.
Đề cập đến giải pháp, Bí thư TP HCM cho biết có 9 nhóm song do thời gian phát biểu hạn chế, các giải pháp này sẽ được gửi tới tận tay các đại biểu Quốc hội.
Lập lộ trình mở cửa với 17 nước đối tác quan trọng
Vấn đề được ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh là với kết quả chống dịch ở Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước với ba tiêu chí và Việt Nam đã đảm bảo cả ba tiêu chí này.
Một là tỉ lệ người nhiễm trên một triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); hai là tỉ lệ người đang điều trị không quá một người trên một triệu dân (thực tế chỉ có 0,2 người); và thứ ba là không có người chết.
“Chúng ta cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy ba sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế”, Bí thư TP HCM nhấn mạnh.
Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch.
Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là hơn 330 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.
Về việc Việt Nam cần làm, ông Nhân phân tích chúng ta có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 nước có quan hệ đối tác quan trọng nhất. “17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận hai bên”, Bí thư TP HCM đề nghị.
Theo ông, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên một triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Australia… Vì vậy, Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này.
7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì ta phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay.
Một dự báo “không tốt lắm”, song theo Bí thư TP HCM, chúng ta cần quan tâm, đó là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50%. Ông cho rằng cần tính tới các dự báo này để có điều chỉnh phù hợp.
4 bài học chống dịch
Điểm lại diễn biến dịch COVID-19, ông Nhân cho biết ngày 1/1 có người nhiễm đầu tiên chết ở Trung Quốc. Ngày 25/1 có 1.000 người nhiễm ở Trung Quốc và ngày 28/1 có 100 người chết. Lúc đó thế giới chưa biết đặt tên virus là gì.
Đến ngày 1/2, Trung Quốc có 12.000 người nhiễm, 1.000 người chết. WHO công bố virus corona là nguy cơ dịch toàn cầu nhưng khuyến cáo chưa phải hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Đến tháng ba, các nước EU, Singapore vẫn tranh luận có cần đeo khẩu trang hay không. Họ cho rằng chưa cần đeo.
Ngày 11/3, WHO công bố dịch toàn cầu, lúc đó có 117 nước có ca nhiễm với 118.000 người nhiễm, 4.240 người chết, bình quân 1 nước có 1.000 người nhiễm vào thời điểm dịch toàn cầu và có 37 người chết.
Thời điểm này, Tổng thống Mỹ cũng coi dịch không phải là vấn đề quan trọng với Mỹ.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong ba tháng đầu năm 2020, thế giới trải qua giai đoạn “1 chưa” và “3 không”, đó là chưa biết virus corona là gì; không cần đeo khẩu trang, không cần hạn chế đi lại giữa các nước, không cần hạn chế đi lại, tiếp xúc, đóng trường học trong mỗi quốc gia.
Kết quả dịch bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 2, tháng 3; EU vào các tháng 3 - 5, Bắc Mỹ trong tháng 5 - 6...
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, sau 6 tháng dịch toàn cầu, có thể rút ra 4 giải pháp quan trọng.
Đó là phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay sát trùng và phải thực hiện cách ly triệt để.
Nhiều giai đoạn của dịch cũng được ông Nhân chỉ ra. Giai đoạn 1 là lây nhiễm tăng chậm, 30 ngày mới có 100 người nhiễm và các quốc gia không sợ.
Giai đoạn 2 từ 100 ca đến 1.000 ca cần 10 ngày lây nhiễm, nhiều quốc gia bắt đầu sợ. Từ 1.000 đến 32.000 người nhiễm chỉ cần trong 15 - 30 ngày, các quốc gia sợ. Khi đó hệ thống y tế gặp khó khăn, nhiều nơi rối loạn.
Cũng theo ông Nhân, hiện nay thế giới có 4 nhóm nước trong trạng thái nhiễm và có dịch. Thứ nhất là các nước ở giai đoạn 2 tăng tốc lây nhiễm và như Mỹ, Nga, Brazil, Ấn Độ... và chưa chuyển giai đoạn.
Nhóm 2 là các nước ở giai đoạn 3, tức có ca nhiễm tăng cao đạt đỉnh và giảm dần như Đức, Pháp, Ý... nhưng chưa an toàn.
Nhóm 3 là các nước đạt an toàn, bình quân dưới 10 người nhiễm trên 1 triệu dân như Lào, Campuchia.
Nhóm 4 là những nước chưa bao giờ đạt ngưỡng 1.000 ca nhiễm/1 triệu dân, tức an toàn từ đầu như Việt Nam, Myanmar.
Làn sóng thứ hai dịch COVID-19 vẫn lơ lửng trên đầu nhiều nước
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y) tranh luận với Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân về đề xuất mở cửa dần dần với các nước, công bố hết dịch theo ba tiêu chí.
Ông Hiếu cho rằng cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng thứ 2 vẫn lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có nước ta, ví dụ, bên cạnh chúng ta là Trung Quốc. Cùng với đó, các nhà đầu tư vẫn lo lắng Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
Chính vì vậy, theo ông Hiếu, ta cần tiến hành biện pháp để khẳng định nguy cơ ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào khoa học, có ngành y tham vấn.
Ví dụ cần làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn ở Việt Nam hay quy trình nhập cảnh khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo quy định kiểm dịch, phối hợp với các nước làm xét nghiệm kháng thể cho khách muốn nhập cảnh để không mang dịch vào Việt Nam.
Cuối cùng, ông Hiếu nhắc đến vai trò của hệ thống y tế công cộng. Đây là hệ thống đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch vừa qua, nhưng đang có nguy cơ suy yếu nếu không được đầu tư. Ví dụ trong chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư y tế chỉ chiếm 3% trong tổng số 270.000 tỉ. Ông nhấn mạnh nâng cao chất lượng nhân viên y tế là nhu cầu cấp bách, cần có chiến lược đầu tư cho y tế để khi đối mặt với dịch bệnh thì Việt Nam mới có thể có điểm sáng trên bản đồ thế giới.