|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Báo Ukarine kể chuyện khởi nghiệp kiếm 150 triệu USD của Phạm Nhật Vượng

17:08 | 14/02/2017
Chia sẻ
Tờ báo địa phương của vùng Kharkov, Ukraine vừa đăng một bài phỏng vấn với Thị trưởng của vùng là ông Michael Pilipchuk kể về thuở tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng còn lập nghiệp tại đây. 
bao ukarine ke chuyen khoi nghiep kiem 150 trieu usd cua pham nhat vuong

Mở đầu bài viết, tờ báo cho biết Kharkiv là nơi đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng như một người đoạt giải Nobel, một nhà thiết kế, một nhà khoa học lớn, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, cả nhà vô địch Olympics. Nhưng với tỷ phú, thì không phải là chuyện hay gặp. Và một cái tên nước ngoài trong số đó là Phạm Nhật Vượng, một tỷ phú người Việt Nam.

Tờ Kharkov News giới thiệu Phạm Nhật Vượng là tỷ phú nổi tiếng được vinh danh trên tạp chí Forbes, hiện điều hành một trong 5 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tập đoàn của ông đầu tư vào những lĩnh vực như khách sạn hạng sang, resort sang trọng, các tổ hợp bất động sản nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, bệnh viện, trường học...

Theo Forbes, khối tài sản của tỷ phú đôla đầu tiên đến từ Việt Nam hiện vượt con số 2 tỷ USD. Tên của ông mang nghĩa "thịnh vượng" trong tiếng Việt. Và tất cả bắt đầu từ một thời kỳ khó khăn tại Ukraine vào những năm 90 của thế kỷ trước.

"Việc đó xảy ra như thế nào", tờ báo bắt đầu cuộc trò chuyện với ông Michael Pilipchuk, thị trưởng của vùng Kharkov hồi những năm 1996 đến 2002 bằng một câu hỏi.

- Thưa ông Mikhail, Phạm Nhật Vượng, vị doanh nhân trẻ này có phải là người đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng "Mivina" ngày nào?

- Đúng là ông ấy. Vào đầu những năm 1990, ông cùng vợ đến Moscow, khi đó tôi vẫn còn học tại Học viện Địa lý. Khi đó, tại thành phố của chúng ta đã có một cộng đồng lớn của người Việt Nam. Hàng trăm người Việt làm việc trong các nhà máy, làm những công việc liên quan đến máy móc, máy xây dựng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Kharkov cũng ở lại đây. Vào những năm đó, cũng như hàng nghìn người khác ở Kharkov, họ mất việc làm, cuộc sống khó khăn. Nhiều người cố gắng kiếm sống ở các khu chợ gần ga metro hay tạo lập doanh nghiệp tư nhân. Vào thời điểm đó, ông Vượng đến vùng này với vài nghìn đôla Mỹ mượn từ bạn bè. Ông và vợ mở một nhà hàng, nơi có đồ ăn rất ngon và giá cả vừa phải.

- Có phải đó là nhà hàng Thăng Long hiện nay?

- Không phải, nhà hàng Thăng long và siêu thị kế bên được mở ra sau này.

- Có phải khu nhà ở trên nền diện tích của nhà máy động cơ máy kéo cũ có phải là do ông ấy xây dựng?

- Đúng thế. Không chỉ riêng ông ấy. Khi đó, nhà máy bị phá sản, đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế tài chính. Vào thời đó, những kệ hàng trong siêu thị trống không, người ta phải mua nhiều loại sản phẩm bằng tem phiếu. Ông Phạm Nhật Vượng đã cùng với các cộng sự cho ra mắt một loại sản phẩm mỳ ăn nhanh. Công ty tuyển dụng 30 nhân công.

Loại mỳ lạ mắt này được gọi tên là 'Mivina", và nó nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thị trường thực phẩm ở Kharkov, rồi sau đó lan ra toàn Ukraine. Không chỉ ở đây, công ty còn mở rộng chi nhánh ra nhiều thành phố khác trên khắp đất nước. Với đặc điểm giá rẻ, chất lượng tốt, sử dụng các nguyên liệu trong nước, loại mì này còn được xuất khẩu đi hơn 30 quốc gia như Estonia, Lithuania, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel ...

Rồi công ty dần mở rộng, nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm mới là mỳ khoai tây ăn liền, rồi thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói, tất cả đều là công ty con của Tập đoàn "Technocom".

Ông Phạm Nhật Vượng đã nhìn thấy tiềm năng phát triển và đề nghị thành phố hỗ trợ. Từ đó, những nhà máy bỏ không được chuyển đổi thành cửa hàng. Tập đoàn Technocom cung cấp việc làm cho 3.000 người, không chỉ cho họ mức lương ổn định mà còn quan tâm đến đời sống giải trí với một trung tâm thể dục, một khu nghỉ dưỡng.

- Thành phố cũng được hưởng lợi từ những doanh nghiệp này chứ?

- Tất nhiên. Tập đoàn này là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào chương trình đặc biệt về đầu tư tại Kharkov, luật đầu tư có hiệu lực vào năm 2000. Chương trình đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Ngoài ra, công ty cũng trả thuế đầy đủ, tài trợ cho nhiều hoạt động của thành phố về chăm sóc sức khỏe, môi trường, văn hóa và các chương trình xã hội khác. Phạm Nhật Vượng đã thực sự hòa mình vào cuộc sống thường ngày nơi đây.

Vào năm 1998, chúng tôi huy động các doanh nghiệp và tổ chức cùng xây một tòa nhà mới để làm trại trẻ mồ côi. Ông Vượng đã đảm nhận phần xây dựng hệ thống sưởi ấm và nước nóng cho bể bơi. Lũ trẻ cũng có một bể cá lớn với nhiều loại cá lạ nhập khẩu từ Việt Nam. Ông biến rạp chiếu phim bỏ không thành trung tâm văn hóa, một nhà trẻ bỏ hoang thành khách sạn ấm cúng. Vào đầu những năm 2000, ông bán cơ ngơi doanh nghiệp của mình tại đây và trở về Việt Nam.

- Theo Forbes, sau khi kiếm được 150 triệu USD ở Ukairne, ông trở về Việt Nam đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn đầu tiên. Hiện nay, nghe nói họ đã có 7 khách sạn. Vị tỷ phú này muốn biến hai thành phố Hà Nội và TP HCM thành những trung tâm kinh tế như Hong Kong hay Sinagpore. Ông có nghĩ rằng ông ấy cũng sẽ nhớ đến ngôi nhà thứ hai của mình ở Kharkov, và sẽ về đây đầu tư cho thành phố của chúng ta?

- Có thể. Tôi biết rằng ông Vượng vẫn là con người của đầy những ý tưởng và dự án như trước đây. Được biết ông ấy vẫn yêu thích môn bóng đá. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ lại cùng nhau chơi bóng trong cùng một đội ở Kharkov này.

Vân Vũ