|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba bộ và 6 địa phương đề nghị trả lại hơn 8.500 tỉ đồng vốn ODA

11:49 | 26/09/2019
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, số vốn ODA còn lại chưa giao tính đến nay là 14.346,292 tỉ đồng. Đáng chú ý có 3 Bộ và 6 địa phương đề nghị giảm kế hoạch, trả lại vốn khá lớn (8.517,909 tỉ đồng).

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra hôm nay (26/9), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một "điểm mờ" trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế Việt Nam.

btdung

Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: "Vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một "điểm mờ" trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế Việt Nam". Ảnh: Báo Đầu tư.

Theo Bộ KH-ĐT, tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỉ đồng. Trước 31/12/2018, Bộ KH-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỉ đồng, bằng 85,5% dự toán.

"Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong năm 2019, Bộ KH-ĐT đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỉ đồng, bằng 92,16% dự toán.

Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Dũng, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...

Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ còn lại chưa giao là 4.265,681 tỉ đồng, đây là số vốn đã được giao dự toán nhưng do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và một số địa phương không phân bổ hết được cho các dự án do dự án chưa đủ thủ tục, do tính toán lại khả năng giải ngân đạt thấp và đề nghị giảm kế hoạch.

Vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại chưa giao là 15.071,901 tỉ đồng, mặc dù đã được giao dự toán nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thiện danh mục dự án đủ thủ tục, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Trong đó, lớn nhất là 7.040 tỉ đồng của Bộ Quốc phòng được Chính phủ cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đến 31/10/2019. Đứng thứ hai là 2.860 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do đề xuất chưa phù hợp với đối tượng đầu tư công theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó là 1.952,859 tỉ đồng của các địa phương dự kiến bố trí cho dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.

Vốn vay nước ngoài (ODA) còn lại chưa giao là 14.346,292 tỉ đồng, bên cạnh việc các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục, nhất là thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định, đáng chú ý số vốn do 3 Bộ và 6 địa phương đề nghị giảm kế hoạch, trả lại vốn là khá lớn (8.517,909 tỉ đồng).

Số vốn ODA dự kiến thu hồi là 10.078,626 tỉ đồng. Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, trong trường hợp một số dự án ODA quy mô lớn kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư (như các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, TP HCM), có thể báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển số vốn dự kiến thu hồi này cho các dự án đó.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, trong 9 tháng đầu năm 2019, có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 70% như Bộ Quốc phòng, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định...

"Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung; có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Người đứng đầu Bộ KH-ĐT lý giải tỉ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chủ yếu là do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện.

Bên cạnh đó, các dự án trái phiếu Chính phủ quy mô lớn như Dự án đường Cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.

Khánh Hà