|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ảnh hưởng ngày càng lớn của MCredit tại MBBank

12:19 | 08/02/2020
Chia sẻ
MCredit đang ngày càng đóng góp lớn vào tăng trưởng cho vay hợp nhất của MBBank. Bên cạnh đó, công ty tài chính này cũng tác động mạnh tới NIM và trích lập dự phòng của toàn ngân hàng.
Ảnh hưởng ngày càng lớn của MCredit tại MBBank - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: MCredit)

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh năm 2019 của MBBank với nhận định tăng trưởng cho vay của ngân hàng chủ yếu là nhờ đẩy mạnh cho vay mua nhà và cho vay tiêu dùng.

Theo VDSC, cơ cấu cho vay hợp nhất năm 2019 của MBBank tiếp tục chuyển sang cho vay bán lẻ với mức tăng trưởng cho vay bán lẻ lên đến 32,8% so với cùng kì, gần gấp đôi so với mức tăng trưởng 16,6% của tổng danh mục cho vay. Tính đến cuối năm 2019, tỉ trọng cho vay bán lẻ chiếm 40,5% (tăng 2,7 điểm % so với cùng kì).

Trong các khoản vay bán lẻ, cho vay mua nhà chiếm khoảng 50% còn lại là vay mua ô tô, kinh doanh hộ gia đình và cho vay tiêu dùng.

Mặc dù cơ cấu cho vay dịch chuyển sang bán lẻ nhưng tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng mẹ không thay đổi so với năm 2018, do lãi suất huy động và trả lãi giấy tờ có giá bình quân tăng lên làm triệt tiêu phần cải thiện trong lợi tức tài sản.

Trong khi đó, NIM hợp nhất lại tăng đáng kể từ 4,6% trong năm 2018 lên 4,9%, cho thấy mảng tài chính tiêu dùng đang có vai trò dẫn dắt tăng trưởng của thu nhập lãi ròng.

VDSC cho rằng điều này là nhờ dư nợ cho vay tại MCredit tăng trưởng khá mạnh tới 57%, giúp đẩy tăng trưởng cho vay khách hàng hợp nhất lên 16,6% so với mức 14,5% của riêng ngân hàng mẹ.

Theo MBBank, MCredit đang duy trì lãi suất cho vay trung bình ở mức khoảng 40% - 45%/năm, cho ra biên lãi ròng trên 20%.

Khoản vay tiền mặt chiếm tỉ trọng hơn 70% trong danh mục cho vay của MCredit. Với việc Thông tư 18/2019 có hiệu lực, MCredit đặt ra kế hoạch tái cơ cấu danh mục cho vay. Trong đó, để giảm dần tỉ trọng cho vay tiền mặt, các khoản cho vay mua xe máy và điện thoại điện máy dự kiến sẽ được đẩy mạnh, cùng với việc ra mắt thẻ tín dụng dự kiến vào tháng 3/2020.

Trên cơ sở này, VDSC dự báo tăng trưởng cho vay và thu nhập lãi của MCredit sẽ chậm lại, trong khi chi phí hoạt động nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn khi công ty tập trung mở rộng mạng lưới điểm bán và cho vay có mục đích.

Mặt khác, trong năm 2019, dự phòng hợp nhất của MBBank tăng trưởng khá mạnh tới 61% so với cùng kì so với mức tăng 20% tại ngân hàng mẹ.

VDSC cho rằng việc chi phí dự phòng hợp nhất tăng mạnh chủ yếu là do MCredit, khi dư nợ tài chính tiêu dùng đang chiếm tỉ trọng 3,9% tổng cho vay và tỉ lệ nợ xấu đang ở mức xấp xỉ 7%.

Quốc Thụy