Ai mua, ai bán cổ phiếu ngân hàng?
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa thông báo trên trang web sẽ bán đấu giá công khai theo lô 2,4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng hải vào cuối tháng 10-2016 với giá khởi điểm 11.700 đồng/cổ phiếu.
Giá này cao hơn giá chào mua chào bán cổ phiếu của Hàng hải và nhiều tổ chức tín dụng trên thị trường OTC, đồng thời cao hơn thị giá của những ngân hàng cổ phần niêm yết (như Eximbank 10.300 đồng/cổ phiếu; Sacombank 9.320 đồng/cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Quốc dân 5.800 đồng/cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội 4.600 đồng/cổ phiếu, giá ngày 30-9-3016).
Không biết bao nhiêu nhà đầu tư sẽ đăng ký mua ở mức giá tối thiểu nói trên khi mà năm ngoái lợi nhuận sau thuế của Hàng hải chỉ đạt 116 tỉ đồng và không chia cổ tức cho cổ đông.
Cuộc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước khỏi ngân hàng vẫn đang tiếp tục. Thời điểm thoái càng trễ, khả năng bán được càng khó và giá bán càng thấp. Nỗi ám ảnh nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro cao, lợi nhuận teo tóp, không chia cổ tức đã vài năm... khiến các nhà đầu tư “làm ngơ” với cổ phiếu ngân hàng.
Đấy là những gì thị trường nhìn thấy, nghe thấy. Còn chuyển động thật sự đang diễn ra phía sau các cuộc chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng nhằm thay đổi quyền kiểm soát của cổ đông lớn lại không èo uột như vậy.
Một nguồn tin đáng tin cậy trong giới tài chính cho biết giữa tháng 9 vừa qua, một số tổ chức tín dụng cổ phần với hệ thống mạng lưới rộng, có trụ sở ở phía Nam mà thời điểm đại hội cổ đông 2016 đã trễ gần năm tháng so với quy định pháp luật, vừa trình đề án tái cơ cấu lần thứ hai trong năm nay lên cơ quan quản lý.
Những khoản tiền hàng ngàn tỉ đồng thanh toán chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng là vô cùng lớn và rõ ràng tỷ lệ chuyển nhượng ở đây không thể thấp hơn 5-10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cho dù các hợp đồng chuyển nhượng được tách ra, chia nhỏ cho nhiều cá nhân, tổ chức đứng tên để tránh việc công bố thông tin cổ đông lớn theo luật định, nhưng tựu trung câu hỏi vẫn là nguồn tiền nào, từ đâu ra để mua, bán cổ phiếu? Một nhóm nhà đầu tư dù nguồn lực tài chính dồi dào đến đâu, cũng khó xoay xở để có trong tay một lúc hàng ngàn tỉ đồng tiền mặt như thế.
Với các vụ chuyển nhượng cổ phần trị giá hàng ngàn tỉ đồng, khả năng lớn nguồn tiền xuất phát từ chính các ngân hàng. Không phải ngẫu nhiên, tham gia vào các thương vụ này hầu hết là các công ty kinh doanh bất động sản. Lối đi quen thuộc thường là đưa một dự án, hoặc một cụm dự án địa ốc nào đó làm tài sản đảm bảo ở ngân hàng để vay tiền. Tiền đó liệu có chảy vào dự án bất động sản, tính sau. Trước mắt nó được sử dụng để sang nhượng cổ phần ngân hàng. Đây là cách mà các ông chủ ngân hàng né tránh, lách luật để giải quyết đòi hỏi của cơ quan quản lý về sở hữu chéo.
Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng đã “rửa tay gác kiếm” chỉ ra một thực tế: trên báo cáo tài chính, kể cả được kiểm toán, của một số ngân hàng cổ phần niêm yết, việc thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông lớn thường không được nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính. Phải rất chú ý xem xét báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp sáu tháng hoặc cả năm của ngân hàng thì mới phát hiện ra các cổ đông lớn thay đổi tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ ra sao.
Tuy nhiên báo cáo quản trị doanh nghiệp chủ yếu được các công ty đại chúng, trong đó có cả ngân hàng chưa niêm yết, gửi về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và được SSC công bố trên trang web của mình. Công ty đại chúng hiện nay có hàng ngàn, tìm được báo cáo quản trị doanh nghiệp của một ngân hàng nào đó phải tra hàng tiếng đồng hồ cũng chưa chắc thấy.
Thêm nữa với những ngân hàng chưa niêm yết, báo cáo tài chính quí hay năm mà những nhà đầu tư nhẫn nại tìm kiếm trên trang web của SSC, hoặc trên trang web của chính các ngân hàng, rất cụt ngủn. Cụt ngủn đến mức nhà đầu tư chỉ có thể có được 5-7 trang đầu tiên của báo cáo tài chính về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu, kết quả hoạt động kinh doanh và thế là hết. Phần thuyết minh báo cáo tài chính không được đưa lên mạng. Sự thiếu minh bạch thông tin như vậy đã khiến không ít các nhà đầu tư không dám chi tiền mua cổ phiếu ngân hàng.
Theo Hải Lý