|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ACBS: Chính sách của Trung Quốc sẽ tác động đến lạm phát của Việt Nam mạnh hơn các vấn đề toàn cầu khác

16:04 | 17/06/2022
Chia sẻ
Thương mại bị hạn chế và chi phí logistics cao do sự chậm trễ có thể thách thức mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay của Việt Nam.

Trong báo cáo triển vọng thị trường tháng 6, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định về tác động của chính sách Zero-COVID của Trung Quốc với kinh tế Việt Nam.

Về lạm phát, công ty này cho rằng những biện pháp phong toả nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ tác động đến lạm phát của Việt Nam mạnh hơn các vấn đề toàn cầu khác do sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp và người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ với Việt Nam mà còn với các nước khác.

Hiện Trung Quốc là trung tâm sản xuất của thế giới và chiếm 12,6% thương mại toàn cầu. Mặc dù một số công ty đã áp dụng chiến lược Trung Quốc +1, nhiều nhà sản xuất từ Việt Nam, cả FDI và các công ty trong nước vẫn nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm tiêu dùng từ Trung Quốc. Thương mại bị hạn chế và chi phí logistics cao do sự chậm trễ có thể thách thức mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm nay của Việt Nam.

Về thương mại, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ và là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việc phong tỏa ở nhiều thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải, thành phố đóng góp vào GDP lớn thứ 2 của Trung Quốc (với mức đóng góp khoảng 3,5%) và đợt bùng phát virus gần đây ở Bắc Kinh (đóng góp khoảng 5,5% vào GDP), sẽ gây ra nhiều hậu quả và ảnh hưởng đến các đối tác trong đó có Việt Nam.

 

Thương mại với Trung Quốc đang đối diện với nhiều khó khăn do tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc và thiếu nguyên liệu nhập khẩu do nhiều nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động vì các hạn chế của COVID-19. Hơn nữa, việc Trung Quốc đình chỉ thương mại tại nhiều cửa khẩu của Việt Nam gây ra tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu này, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện tại, một trong những vấn đề lớn của các nhà sản xuất Việt Nam là thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Gần đây, Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu từ các nước khác như Hàn Quốc, ASEAN, Australia… để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sẽ vẫn không thể phủ nhận trong ngắn hạn đến trung hạn.

 

Với thương mại điện tử, các khách hàng và nhà cung cấp thương mại điện tử địa phương của Việt Nam đã phải vật lộn để nhận được các đơn đặt hàng từ Trung Quốc khi Trung Quốc phong tỏa các thành phố và hạn chế các cửa khẩu. Một số công ty hậu cần chuyển từ vận tải đường bộ sang đường biển do các cửa khẩu hạn chế xe tải qua lại.

Mặt khác, việc phong tỏa tại Trung Quốc có thể mang lại cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam do các nhà nhập khẩu các thị trường khác phải tìm nguồn cung khác để thay thế thị trường Trung Quốc.

Nhận định về ảnh hưởng tới FDI, báo cáo cho biết tình hình hiện tại có thể đẩy nhanh xu hướng Trung Quốc + 1 do môi trường kinh doanh khó khăn ở Trung Quốc. Cho đến nay, các nhà chức trách của Trung Quốc vẫn kiên định chính sách Zero-COVID khi phần còn lại của thế giới đang chuyển sang chiến lược sống chung với virus, làm ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động của các công ty.

Trong 20 năm qua, các công ty phương Tây đã đầu tư vào Trung Quốc nhờ chi phí sản xuất thấp và thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn. Chi phí đang ngày càng tăng do lương cao hơn kết hợp với các biện pháp hạn chế vi rút. Mặc dù việc tiếp tục chính sách Zero-COVID có thể không dẫn đến một lượng lớn các nhà sản xuất rời Trung Quốc hoặc thiết lập các địa điểm thay thế, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến các công ty đã xem xét các động thái để đẩy nhanh các quyết định của họ.

Gần đây, nhiều nhà máy bị tạm dừng hoạt động như Foxconn Interconnect Technology tạm dừng 2 nhà máy; tập đoàn phụ tùng ô tô khổng lồ của Đức Bosch tạm dừng sản xuất tại Thượng Hải và Changchun; Pegatron, nhà lắp ráp iPhone của Apple Inc., tạm dừng hoạt động tại Thượng Hải và Côn Sơn. Những sự gián đoạn này có thể dẫn đến sự gián đoạn hơn nữa chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các tác động bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Với những bất lợi này, nhiều công ty nước ngoài sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc chuyển công suất sang các địa điểm thay thế hiện có. Việt Nam là lựa chọn tốt cho việc đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc và dự kiến sẽ tiếp tục vươn lên vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ACBS, chính sách của Trung Quốc còn tác động đến du lịch Việt Nam. Khách Trung Quốc là nhóm khách lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số khách trong những năm trước đại dịch.

Trong 5 tháng của năm 2022, khách du lịch từ Trung Quốc phục hồi ở mức 32.133 lượt, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi phần lớn lượng khách quốc tịch khác tăng mạnh sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế COVID-19 và mở cửa trở lại du lịch quốc tế.

Lợi ích từ khách Trung Quốc khá đáng kể vì du lịch đóng góp khoảng 8% GDP của Việt Nam trong thời kỳ trước đại dịch, nhưng với chiến lược Zero-COVID hiện tại của Trung Quốc, theo ACBS, Việt Nam sẽ không còn chào đón khách du lịch từ Trung Quốc trong thời gian tới. 

Hồng Hà