50 doanh nghiệp ồ ạt chốt quyền cổ tức tiền mặt, cao nhất 40-46%
Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:
Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) dự định trả cổ tức còn lại năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu VCG sẽ được nhận 1.200 đồng.
Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày thanh toán lần lượt là 24/5 và 24/6. Trong đợt 1/2021, Vinaconex đã trả cổ tức tiền mặt 600 đồng/cp.
Vinaconex đang có 441,7 triệu cổ phiếu lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 530 tỷ đồng để thanh toán cho các cổ đông.
Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH An Quý Hưng đã chuyển quyền sở hữu 277,84 triệu cổ phiếu VCG cho Công ty cổ phần Đầu tư Pacific Holdings để góp vốn vào doanh nghiệp này. Sau giao dịch, Pacific Holdings đang nắm giữ 62,9% vốn của Vinaconex và sẽ được nhận khoảng 333 tỷ đồng trong đợt cổ tức sắp tới.
Quý I vừa qua, Vinaconex ghi nhận lãi sau thuế 780 tỷ đồng, gấp hơn hai lần cùng kỳ 2021 và là mức cao nhất trong 6 quý gần đây.
CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, tương ứng 500 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt 26/5 và 10/6.
Từ giữa năm 2021 đến nay, VNDirect đã hai lần chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cùng với tỷ lệ 100%, một lần thưởng bằng cổ phiếu tỷ lệ 80%. Nhờ vậy, VNDirect đã qua mặt SSI về vốn điều lệ để vươn lên dẫn đầu các công ty chứng khoán niêm yết. Thống kê bên dưới cho thấy VNDirect cũng đang là công ty chứng khoán có vốn hóa thị trường lớn nhất ngành.
Hiện nay, công ty chứng khoán của Chủ tịch Phạm Minh Hương có hơn 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi trên 600 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.
Quý I vừa qua, VNDirect ghi nhận lãi sau thuế 761 tỷ đồng, giảm so với quý liền trước nhưng tăng 52% so với cùng kỳ 2021.
CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Mã: DXS) có kế hoạch trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 6,6% và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn theo tỷ lệ 8,4%. Tổng tỷ lệ phát hành là 15%. Ngày GDKHQ đều là 26/5.
DXS hiện có 358 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần phát hành thêm gần 54 triệu cổ phiếu mới. Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) đang nắm giữ 56,3% vốn điều lệ của DXS nên sẽ được nhận hơn 30 triệu cổ phiếu trong các đợt cổ tức và phát hành thêm sắp tới. Biểu đồ bên dưới cho thấy giá cổ phiếu DXG và DXS hiện đều thấp hơn nhiều so với đầu năm 2022.
CTCP Thông Quảng Ninh (Mã: TQN) dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 46%, tương đương 4.600 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 27/5 và 15/6.
CTCP Sữa Quốc Tế (Mã: IDP) có kế hoạch trả cổ tức đợt 2/2021 với tỷ lệ 40%, tương đương 4.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 24/5 và 6/6. Sữa Quốc Tế hiện có 59 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 236 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.
Ông Tô Hải, Chủ tịch HĐQT của Sữa Quốc Tế, cũng đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI). Ông Đinh Quang Hoàn, Thành viên HĐQT của Sữa Quốc Tế, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc tại Chứng khoán Bản Việt.
Cổ đông lớn nhất của Sữa Quốc tế hiện nay là Công ty cổ phần Blue Point với tỷ lệ sở hữu 58,5%, tương đương 34,5 triệu cổ phiếu IDP.
Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2021 tỷ lệ 5,587%. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 25/5 và 30/6.
Kết phiên 20/5 vừa qua, giá cổ phiếu NLG dừng ở 46.900 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa xấp xỉ 18.000 tỷ đồng. Trong một tháng gần đây, NLG đã giảm 5,3%.
Công ty cổ phần Phú Tài (Mã: PTB) dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 40%. Phú Tài hiện có 48,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi 24,3 tỷ đồng và phát hành mới 19,4 triệu cổ phiếu để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông. Ngày GDKHQ của cả hai đợt cổ tức đều là 26/5.
Phú Tài hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá ốp lát, sản xuất đồ gỗ nội thất, phân phối ô tô Toyota.
Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán SSI ngày 17/5 vừa qua, ban lãnh đạo Phú Tài cho biết công ty đã bàn giao hết hàng tồn kho trong tháng 4. Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ dự báo tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tăng khoảng 15-16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu dự kiến trong năm 2022 đạt 3.980 tỷ đồng, tăng trưởng 16%. Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng 15-18% nên biên lợi nhuận gộp dự báo giảm 0,9 điểm % còn 22,4%.
Biên lợi nhuận của hoạt động sản xuất đá kỳ vọng cải thiện nhờ đá thạch anh nhân tạo. Dự án nhà máy bột thạch anh công suất 65.000 tấn/năm hoạt động vào quý II/2022 sẽ giúp đảm bảo đầu vào cho nhà máy đá thạch anh với công suất 450.000 m2/năm.
SSI đánh giá sản lượng tiêu thụ trong năm 2022 đạt 40% công suất với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, biên lợi nhuận nhà máy đá thạch anh đạt 31%.