|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

29.000 tỷ vốn nhà nước trong lĩnh vực BĐS, hạ tầng, mở rộng nhà máy có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả

16:12 | 18/09/2017
Chia sẻ
29.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư không hiệu quả này được phân bổ ở 14 dự án thuộc Tổng công ty Thành An, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT)…
29000 ty von nha nuoc trong linh vuc bds ha tang mo rong nha may co dau hieu dau tu khong hieu qua
Có tới 29.000 tỷ đồng vốn đầu tư không hiệu quả đổ vào các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy. Ảnh minh họa: Internet.

Theo Báo cáo Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố, trong 72 dự án của DNNN có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng gần 42.744 tỷ đồng, có tới 29.000 tỷ đồng là vốn đổ vào các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy (chiếm 68% số vốn tổng các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).

Cụ thể, 29.000 tỷ đồng đó được phân bổ ở 14 dự án thuộc Tổng công ty Thành An, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương)…

Theo Bộ KH-ĐT, nguyên nhân chính khiến các dự án trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy có dấu hiệu đầu tư kém hiệu quả là do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý dự án, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài nhiều năm (có dự án kéo dài trên 10 năm), phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (14/14 dự án này phải điều chỉnh tổng mức đầu tư). Một số cơ quan quản lý chặt chẽ doanh nghiệp như Bộ Quốc phòng cũng có doanh nghiệp có dự án đầu tư không hiệu quả (5/5 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng là của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng).

Ngoài ra 7/14 dự án (50% số dự án) nêu trên là các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy sản xuất thuộc 1 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco - Bộ Công Thương) với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).

Theo báo cáo tại Công văn số 155CV-GVN.HN, hiện nay Vinapaco có 7 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả, bao gồm: 03 dự án sản xuất bột giấy (Dự án xưởng bột giấy khử mực giấy tissue Sông Đuống, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam và Dự án Nhà máy bột giấy Thanh Hóa); 01 dự án mở rộng nhà máy (Dự án Mở rộng giấy Bãi Bằng giai đoạn 2); 01 dự án xây dựng mới nhà máy (Dự án Nhà máy chế biến gỗ Bãi Bằng); 01 dự án chuyển tiếp (Dự án đầu tư Bãi xếp nguyên liệu); 01 dự án trồng rừng nguyên liệu (Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy KonTum).

Khánh Hà