18 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) thông báo 29/11 là ngày chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 8% (800 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 28/11.
Với hơn 1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Becamex sẽ phải chi 828 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Thời gian thanh toán dự kiến ngày 29/12. Với việc nắm giữ 95,44% vốn điều lệ, UBND tỉnh Bình Dương sẽ nhận về 790 tỷ đồng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 thông qua việc chia cổ tức năm 2022 là 8% vốn điều lệ. Còn đối với năm 2023, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 9%, tương đương số tiền cần chi hơn 931 tỷ đồng.
Ngày 29/11 tới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu để chia trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích lập các quỹ năm 2021.
BIDV dự kiến phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 12,69%, tương ứng cổ đông sở hữu cứ 100 cổ phiếu sẽ được nhận 12,69 cổ phiếu mới. Số cổ phiểu lẻ thập phân (nếu có) sẽ bị hủy bỏ. Sau phát hành, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ hơn 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004,5 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác cũng chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - Mã: CTG) với tỷ lệ 11,7415% bằng cổ phiếu, tương đương dự kiến hơn 564 triệu cổ phiếu được phát hành thêm.
Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận sau thuế, sau trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020, tương đương hơn 5.694 tỷ đồng.
Vietinbank sẽ dùng toàn bộ vốn để phục vụ kinh doanh, được phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng với cơ cấu hợp lý trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông.
Dự kiến sử dụng vốn cho một số lĩnh vực cụ thể gồm đầu tư vào các dự án hiện đại hóa, nâng cao năng lực quản trị ngân hàng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tăng cường phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, nâng cao tiện ích cho khách hàng; mở rộng hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư và các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.
Kế hoạch này vốn được đề cập đến trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 nhưng chưa được thực hiện. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, VietinBank tiếp tục thông qua hai phương án tăng vốn điều lệ, lên mức 60.387 tỷ đồng hoặc 66.030 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc có hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 hay không.
Ngoài số 564 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. Cụ thể, VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
VietinBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Mã: VCW) dự định chi trả cổ tức đợt 2/2022 và năm 2023 với tổng tỷ lệ 10% bằng tiền mặt trong ngày 20/12. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/11.
Với 75 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi 75 tỷ đồng để thanh toán cho cả hai đợt cổ tức này. Trong đó, CTCP Hạ tầng Gelex và Công ty TNHH Nước sạch REE sẽ nhận về lần lượt gần 47 tỷ và 27 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 62,46% và 35,95% vốn điều lệ.
Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH) cũng vừa thông báo kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 9,54%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 954 đồng.
Với hơn 742,32 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Tập đoàn Bảo Việt sẽ phải chi khoảng 708 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 28/11, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 28/12.