13 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức và quyền mua: Tỷ lệ cao nhất 100%
Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt cổ tức này gồm:
CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) dự định dùng cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 28%, tức là nhà đầu tư sở hữu 100 cổ phiếu NBB sẽ được nhận thêm 28 cổ phiếu.
Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) là 2/11. Biên độ dao động giá trong ngày GDKHQ là +/-20%.
Tổng cộng, Năm Bảy Bảy sẽ chia cho cổ đông xấp xỉ 22 triệu cổ phiếu NBB. Tổng số cổ phiếu lưu hành sau chia sẽ là hơn 100 triệu đơn vị.
Liên tiếp trong ba phiên 27 - 29/10, NBB đều tăng kịch trần, giá hiện dừng ở mức 45.250 đồng/cp.
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) sắp trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%, tương đương 1.500 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 4/11 và 24/11.
Công ty hiện có gần 118 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 176 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu 37,1% vốn điều lệ của Nhựa Tiền Phong nên sẽ được nhận khoảng 65,6 tỷ đồng.
Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản đề nghị SCIC tập trung thoái vốn tại ba doanh nghiệp là: Tập đoàn Bảo Việt (Mã: BVH), Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Mã: BMI) và Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP).
Khoản thu từ thoái vốn tại ba doanh nghiệp nói trên phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách nhà nước.
Kết phiên 29/10, giá cổ phiếu NTP dừng ở 59.000 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, SCIC sẽ nhận về 2.580 tỷ đồng từ việc bán hết NTP.
Quý III vừa qua, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần 1.016 tỷ đồng và lãi sau thuế 77,7 tỷ, tương ứng với biên lãi thuần 7,6%. Lũy kế ba quý đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 3.356 tỷ, lãi sau thuế gần 348 tỷ; cùng tăng khoảng 1% so với cùng kỳ 2020.
Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) có kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100%. Ngày GDKHQ là 8/11, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu là từ 16/11 đến 15/12.
Trước đó, Viconship đã chốt ngày GDKHQ là 25/10, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua là từ 2/11 đến 1/12. Tuy nhiên về sau, công ty đã hủy ngày này và chốt lại ngày mới như nói ở trên. Lý do là để các cổ đông có thêm thời gian nghiên cứu và chuẩn bị cho việc mua cổ phiếu phát hành thêm.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tổng khối lượng dự kiến phát hành là hơn 55 triệu đơn vị. Cổ đông được tự do chuyển nhượng các cổ phiếu mua mới. Công ty ước tính sẽ thu về 551 tỷ đồng từ đợt chào bán này để bổ sung vốn lưu động.
Quý III vừa qua, Viconship ghi nhận doanh thu thuần gần 474 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2020. Giá vốn hàng bán giảm, chi phí quản lý và chi phí bán hàng tăng không đáng kể. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 62% lên gần 127 tỷ đồng. Biên lãi thuần vọt lên mức 26,8%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho biết kể từ năm ngoái, cơ cấu cổ đông và ban điều hành của Viconship đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Công ty cũng áp dụng biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, ưu tiên làm hàng tại các cảng chính thay vì chuyển hàng sang cảng liên kết cùng các dịch vụ thuê ngoài, giúp sản lượng cảng gia tăng đáng kể và giảm thiểu các chi phí thuê ngoài.
SSI nhận thấy biên lợi nhuận của Viconship đã có sự cải thiện trong quý II và thể hiện rõ rệt hơn trong quý III, cho thấy hoạt động cốt lõi của Viconship đang có dấu hiệu cải thiện bền vững.
Hoạt động xuất khẩu cũng như sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì khá tốt trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Giá trị xuất khẩu trong tháng 8 và tháng 9 gần như tương đương cùng kỳ trong khi sản lượng cảng biển chỉ giảm nhẹ ở mức một chữ số.
SSI kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng sau khi giãn cách xã hội được từng bước nới lỏng trong quý IV/2021 và năm 2022, qua đó giúp Viconship hưởng lợi.