Những doanh nghiệp lãi đậm quý II: Xăng dầu, điện, đạm, BOT, cảng lên ngôi
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Riêng quý II, GDP ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cao hơn tốc độ tăng của quý II những năm 2011 - 2021.
Cùng với đà phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cũng khởi sắc nhiều so với cùng kỳ - thời điểm dịch COVID bắt đầu bùng phát và lan rộng tại Việt Nam, trong đó, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và có yếu tố vốn nhà nước.
Câu chuyện giá dầu vẫn là chủ đề nóng trong thời gian qua, chủ yếu là do chiến sự tại Nga - Ukraine, đã giúp lợi nhuận của các công ty hạ nguồn (sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu khí) trong nước như CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) hay Tổng Công ty Dầu Việt Nam (Mã: OIL) thăng hoa.
Cụ thể, giá dầu trung bình tại tháng 6 là 123,7 USD/thùng, tăng 42% so với giá đầu năm. Chưa kể khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (crack spread) quý II/2022 tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR.
Kết quả, BSR lãi sau thuế 9.926 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng vọt từ 6,7% cùng kỳ lên 20,4%. Đây cũng là mức lãi quý và biên lãi gộp cao kỷ lục của doanh nghiệp này từ trước đến nay.
Cũng nhờ giá dầu tăng nên một ông lớn khác là PV GAS cũng có quý II bội thu. Lãnh đạo PV GAS từng cho biết, giá dầu Brent cứ tăng/giảm 5 USD/thùng thì doanh thu của tổng công ty sẽ tăng/giảm tương ứng là 1.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế tương ứng tăng/giảm 500 tỷ. Do đó không mấy bất ngờ khi lợi nhuận của tổng công ty đạt mức kỷ lục kể từ khi lên sàn với 5.141 tỷ đồng sau thuế, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Cùng với đà tăng của giá dầu thế giới trong quý II, giá xăng bán lẻ trong nước cũng liên tục đi lên qua các kỳ điều chỉnh dù có độ trễ nhất định. Vì vậy mà hai ông lớn phân phối xăng dầu như PV OIL và Petrolimex - nắm khoảng 70% thị phần bán lẻ cũng bội thu trong thời gian qua nhờ thặng dư lớn từ lượng tồn kho giá thấp.
Tuy nhiên, ngược với Petrolimex do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho khiến thua lỗ, PV OIL quý vừa rồi báo lãi cao chót vót với 510 tỷ đồng, tăng gần 88% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do công ty ghi nhận thêm nguồn thu đột biến khác.
Trong một diễn biến khác, ngoài việc ngành hàng không hồi sinh sau dịch, diễn biến tỷ giá yen Nhật cũng có tác động rất lớn đến lợi nhuận của "ông trùm sân bay" Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV). Hiện ACV đang quản lý 22 sân bay trên địa bàn cả nước.
Quý II/2022, ACV ghi nhận lãi sau thuế 2.598 tỷ đồng, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử và lớn hơn tổng lợi nhuận trong hai năm 2020 và 2021 cộng lại. Phần lãi sau thuế của ACV này còn lớn hơn cả lợi nhuận gộp (2.598 tỷ > 1.622 tỷ) chủ yếu là do doanh thu hoạt động tài chính lớn với đóng góp 1.475 tỷ đồng (đa số là lãi chênh lệch tỷ giá).
Trong ngành logistics, vận tải biển, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) tiếp tục không gây thất vọng khi quý vừa qua đã phá vỡ kỷ lục đã được thiết lập trước đó.
Cụ thể, nhờ đầu tư thêm tàu để tận dụng thời cơ giá cước vận tải nội địa và giá cho thuê tàu tăng vọt, HAH báo lãi sau thuế 324 tỷ đồng, gấp 3,3 lần quý II/2021. Doanh thu thuần của HAH cũng đang ở đỉnh cao và gần đạt mốc 1.000 tỷ đồng tính theo quý.
Tương tự, Gemadept (Mã: GMD) quý vừa qua cũng báo lợi nhuận cao nhất tính theo quý kể từ quý II/2018 với 334 tỷ đồng, tăng gần 88%, chủ yếu nhờ hoạt động khai thác cảng vẫn duy trì tích cực.
Còn ông lớn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC - Mã: MVN), bên cạnh hoạt động chính quản lý 75 cầu cảng trên cả nước, nhờ hoàn thành cơ cấu và xử lý nợ nên cả quý báo lãi gấp đôi lên hơn 1.400 tỷ đồng.
Đại diện cho mảng bất động sản khu công nghiệp là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) quý vừa qua cũng có kết quả lợi nhuận khởi sắc hơn cùng kỳ nhiều lớn.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận sau thuế 1.933 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ này không phải đến hoạt động kinh doanh chính khi báo cáo cho thấy doanh thu thuần trong quý giảm 47% so với cùng kỳ về 395 tỷ đồng.
Chính khoản khoản thu nhập khác gần 1.913 tỷ đồng đã giúp Kinh Bắc lãi đột biến, mà theo doanh nghiệp là “chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng”.
Trong một diễn biến khác, ngành thủy sản ngay từ đầu năm đã được dự báo sẽ có nhiều bất ngờ về lợi nhuận khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới bật tăng trở lại trở lại sau thời gian dài đè nén do dịch COVID-19. Song song đó, các doanh nghiệp cũng tận dụng được lợi thế thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Do đó mà các doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) hay những công ty có quy mô nhỏ hơn Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) hay Nam Việt (Mã: ANV) đồng loạt ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, song song với mức biên lãi gộp thiết lập mốc kỷ lục mới nhờ giá bán và sản lượng tăng mạnh.
Ngành điện cũng "phát sáng" trong quý II vừa qua, nhờ lượng mưa nhiều, lượng nước đồ về hố lớn và giá bán điện tăng cao. Các doanh nghiệp dẫn đầu như Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Thuỷ điện Thác Bà (TBC) đều đồng loạt báo lãi tăng mạnh hai chữ số phần trăm.
Sự tăng trưởng đột biến quý vừa qua không thể không kể đến các doanh nghiệp phân bón, chẳng hạn hai công ty đầu ngành là Đạm Cà Mau (Mã: DCM) và Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) tuy mức lãi quý II có hạ nhiệt so với quý kỷ lục trước đó nhưng vẫn neo ở mức cao trong lịch sử hoạt động.
Tuy không phải đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng ông trùm BOT Tasco (Mã: HUT) quý vừa qua đã báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ hoạt động tài chính (doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể) bất chấp những gánh nặng chi phí quản lý.
Trong khi đó, Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) lập kỷ lục lợi nhuận nhờ mảng bất động sản có tỷ suất lợi nhuận cao đã được bàn giao, song song với việc thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng đem về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp BOT khác tại Đồng Nai cũng là CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận Idico (Mã: CTI) cũng công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần đạt 252,5 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 27,6 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.