Một quý ảm đạm của doanh nghiệp dầu khí, nhóm hạ nguồn trượt dốc
Đầu tháng 10, giá dầu Brent đã chính thức vượt 80 USD/thùng và hiện đang giao dịch ở khoảng 84 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2018, tăng khoảng 64% so với đầu năm và gấp đôi so với mức giá trung bình năm 2020 (xấp xỉ 42 USD/thùng).
CNBC dẫn lời ông Damien Courvalin, Trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng tại ngân hàng Goldman Sach cho biết giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế.
Theo ông Damien Courvalin, những yếu tố cơ bản của thị trường có thể đẩy giá dầu tiếp tục trong thời gian tới với giá dầu Brent trung bình có thể giữ ở mức khoảng 85 USD/thùng. Trong ngắn hạn, cuối năm giá dầu Brent có thể đạt 90 USD/thùng.
Bất chấp những khó khăn trong hoạt động của ngành dầu khí trong năm nay do làn sóng COVID-19 hiện tại, Chứng khoán VNDirect đánh giá đà tăng mạnh của giá dầu hiện nay sẽ không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới.
Điều này là do giá dầu tăng có thể mang lại nhiều động lực hơn cho các đơn vị liên quan để tái khởi động những dự án lớn tại Việt Nam, trước tiên là mang lại cơ hội rất lớn cho các công ty thượng nguồn như PVD và PVS.
Dù giá dầu tăng hỗ trợ tích cực cho nhóm doanh nghiệp dầu khí song làn sóng dịch COVID-19 lại tác động nặng nề tới kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị đặc biệt là nhóm sản xuất và phân phối xăng dầu trong quý III.
Kết quả kinh doanh quý III (mặt trước) và 9 tháng đầu năm (click vào ảnh để xem mặt sau) của các doanh nghiệp dầu khí (đvt: tỷ đồng). (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất).
Giá dầu và giá khí hỗ trợ đà tăng trưởng của PV GAS
Quý III, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng tăng lần lượt 16% và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng công ty cho biết sản lượng khí tiêu thụ quý III giảm 26% và sản lượng LPG giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân quý III/2021 tăng 71% so với quý III/2020 kéo lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng, PV GAS đã thực hiện được 84% chỉ tiêu doanh thu và gần 97% mục tiêu lợi nhuận năm.
PV GAS cũng cho biết nhu cầu khí, sản phẩm khí của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước giảm 35 - 40% đối với LPG và 30% đối với khí thấp áp, CNG so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát lần 4, do nhiều khách hàng dừng/giảm sản xuất, kinh doanh.
PV GAS dự báo thời gian tới, số lượng khách hàng dừng/giảm tiêu thụ khí tiếp tục tăng, dẫn đến sản lượng khí có thể sụt giảm từ 40 - 50% so với thời điểm trước dịch bùng phát.
Trong bối cảnh giá dầu liên tục leo cao, SSI Research ước tính cứ giá dầu Brent tăng 10 USD/thùng thì lợi nhuận ròng của PV GAS sẽ tăng trong khoảng 800 - 1.200 tỷ đồng.
Ngoài hưởng lợi từ giá dầu thì giá khí vừa đạt đỉnh 12 năm cũng tác động tích cực lên PV GAS do công ty có mảng sản xuất LPG nên được hưởng lợi từ xu hướng LPG tăng giá. Bên cạnh đó, GAS cũng nắm 70% thị phần LPG toàn quốc, và được hưởng lợi tồn kho giá thấp khi giá LPG liên tục tăng đối với mảng trading.
Hai ông lớn thượng nguồn PVD và PVS bấp bênh
Với hai doanh nghiệp thượng nguồn là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) đều ghi nhận doanh thu giảm sút so với cùng kì năm ngoái.
Trong quý III, PVD không có doanh thu giàn khoan thuê trong khi cùng kỳ năm ngoái có 1,7 giàn. Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng sở hữu giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến doanh thu giảm 20%.
Tuy nhiên do tăng hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng trong quý lên 88% (cùng kỳ là 55%) cùng việc tiết giảm các chi phí (bảo dưỡng thường xuyên, quản lý chung) đã giúp lãi ròng quý III năm nay tăng 72% lên 67 tỷ đồng. 9 tháng công ty vẫn còn lỗ ròng 30 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được khoảng 60% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.
Với PVS, dù doanh thu giảm 33% nhưng lãi sau thuế quý III của doanh nghiệp vẫn tăng 8% lên 240 tỷ đồng nhờ phần lãi của các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô khi hợp nhất vào kết quả quý III lớn hơn cùng kỳ cùng khoản thu nhập khác cũng tăng do PVS đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành theo quy định của hợp đồng.
Không nằm ngoái ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu vận chuyển trong kỳ sụt giảm. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ cho việc giao nhận hàng hóa tăng và ảnh hưởng bởi phát sinh các chi phí phục vụ cho việc phòng chống dịch COVID-19.
Với kế hoạch đặt ra dựa trên giả định giá dầu chỉ 45 USD/thùng, cả PVS và PVTrans đã vượt lần lượt 3% và 29% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nhóm sản xuất và phân phối xăng dầu trượt dốc
Nhóm hạ nguồn được đánh giá chịu tác động nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 dưới tác động của đợt dịch COVID-19.
So với mức nền rất thấp của năm ngoái thì CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) ghi nhận cả doanh thu và lãi ròng tăng lần lượt 94% và 175% so với cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng đầu năm ngoái ghi nhận sự biến động rất lớn của giá dầu thô khi có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất gần hai thập kỷ (18,5 USD/thùng).
Trong khi 9 tháng đầu năm nay, giá dầu Brent liên tục tăng từ gần 50 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 74,6 USD/thùng bình quân tháng 9/2021 đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất của BSR.
Ba quý đầu năm, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính tốt hơn nhiều so với năm trước.
Bên cạnh đó, quý III/2021 sản lượng tiêu thụ của BSR là hơn 1,11 triệu tấn sản phẩm, bằng 77% lượng sản xuất (1,45 triệu tấn) và cao hơn 20% so với lượng tiêu thụ năm ngoái cũng góp phần tạo ra sự chênh lệch lớn trong kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên nếu so với ba quý trước đó, mức lợi nhuận quý III của BSR chỉ bằng khoảng 1/4 tới 1/3 dưới tác động của dịch bệnh.
Tác động của dịch bệnh đã khiến BSR phải gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 8 khi đợt dịch lần thứ 4 khiến tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh trong khi tồn kho lên rất cao khiến doanh nghiệp đối diện với rủi ro không còn sức tồn chứa dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hai ông lớn phân phối xăng dầu là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) vừa trải qua một quý đầy khó khăn khi hoạt động giãn cách xã hội kéo dài trong quý III ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam và Hà Nội đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng tiêu thụ.
Sản lượng kinh doanh xăng dầu quý III năm nay của Petrolimex chỉ bằng 77% so với cùng kỳ 2020 do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 thứ 4. Các công ty con của Petrolimex trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay, kho bãi, hóa dầu, … cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Dù sản lượng giảm song doanh thu thuần quý III của Petrolimex vẫn ghi nhận mức tăng 26% do giá bán bình quân cao hơn 40% so với cùng kỳ.
Với PV OIL công ty đã công bố lỗ trước thuế 17 tỷ trong tháng 7 và tháng 8 nhưng cả quý công ty vẫn có thoát lỗ và lãi sau thuế 57 tỷ nhờ sự hỗ trợ của giá dầu. Tuy nhiên con số lợi nhuận quý III vẫn thấp hơn rất nhiều so với ba quý trước đó.
Với giả định giá dầu năm nay chỉ khoảng 45 USD/thùng và nhờ sự đột biến trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm nên cả PV OIL và BSR đều đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm. Còn Petrolimex đã đạt 88% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.