|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá khí chạm đỉnh 12 năm, doanh nghiệp khí trong nước hưởng lợi ra sao?

16:02 | 06/10/2021
Chia sẻ
Giá khí dự kiến tiếp tục leo cao trong quý IV. Tuy nhiên giá khí thiên nhiên trong nước không sử dụng giá khí thế giới để làm cơ sở cho giá bán. Do đó, tác động của việc tăng giá khí đối với các doanh nghiệp kinh doanh khí trong nước sẽ khác nhau.

Giá khí thế giới đạt đỉnh 12 năm

Giá khí thiên nhiên thế giới giao ngay tại Henry Hub đạt mức 6,3 USD/mmbtu vào đầu tháng 10, tăng 143% so với mức đầu năm, và tăng 143% so với cùng kì năm ngoái. Mức giá khí gần 6,3 USD/mmbtu cũng là mức cao nhất tính từ tháng 12/2008.

Theo các chuyên gia SSI Research, việc giá khí cũng như giá dầu tăng thời gian qua chủ yếu do nhu cầu phục hồi nhanh ở các nền kinh tế lớn, tồn kho khí thiên nhiên ở khu vực châu Âu đang ở mức thấp đáng kể so với mức trung bình 5 năm qua.

Ngoài ra, nguồn cung bị gián đoạn do nhiều yếu tố như thời tiết, COVID-19 và địa chính trị đã và đang đẩy giá khí lên cao.

Song song đó, nguồn cung LNG bị ảnh hưởng do các hoạt động bảo dưỡng lớn các cơ sở LNG kéo dài và các cơ sở LNG của Mỹ cũng như các nước Australia, Quatar gần như đã hoạt động gần full công suất, và chưa thể mở rộng hoặc xây dựng mới ngay lập tức.

Song song đó, đầu tư cho hạ tầng dầu khí giảm mạnh trong những năm vừa qua do chu kì giá dầu/khí thấp và xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo. Do đó nguồn cung khí sẽ khó để tăng mạnh trong ngắn hạn.

Với các nguyên nhân kể trên, các nhà phân tích cho rằng giá khí sẽ tiếp tục ở mức cao trong quý IV, khi mùa đông sắp diễn ra ở bắc bán cầu và nhu cầu năng lượng tăng cao sau đại dịch. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân liên quan đến nguồn cung như tăng công suất chưa thể giải quyết nhanh.

Giá khí tác động thế nào đến các doanh nghiệp kinh doanh trong nước?

Các chuyên gia lưu ý rằng, giá khí thiên nhiên trong nước không sử dụng giá khí thế giới để làm cơ sở cho giá bán. Giá khí thiên nhiên mà Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) và các đơn vị thành viên phân phối được dựa trên công thức sử dụng giá dầu Mazut (dầu FO) hoặc LPG làm cơ sở. 

SSI Research: Lợi nhuận quý III của PV GAS giảm ít nhất 15%,  - Ảnh 4.

Giá khi LPG và giá dầu Mazut (dầu FO) đang neo ở mức cao và dự báo sẽ tiếp diễn quá trình này. (Nguồn: Bloomberg).

Trong thời gian gần đây, việc giá khí thiên nhiên thế giới tăng mạnh cũng đẩy giá các nhiên liệu thay thế như FO, LPG đi lên. Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia, mức độ hưởng lợi và mức gia tăng về lợi nhuận nếu có sẽ không mạnh mẽ như mức tăng của giá khí thiên nhiên.

PV GAS hưởng lợi nhất khi giá dầu và giá khí LPG tăng

Theo đánh giá, giá dầu tăng làm tăng doanh thu và lợi nhuận của PV GAS. Bên cạnh đó PV GAS có mảng sản xuất LPG nên được hưởng lợi từ xu hướng LPG tăng giá, ngoài ra tổng công ty cũng nắm  70% thị phần LPG toàn quốc, và được hưởng lợi tồn kho giá thấp khi giá LPG liên tục tăng đối với mảng trading.

Ước tính của SSI Research, lợi nhuận quý III của PV GAS ước giảm khoảng 15% - 20% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng bán cho các nhà máy điện và khu công nghiệp giảm mạnh khoảng 25% - 30%, tác động bởi các biện pháp giãn cách xã hội, nhất là ở các tỉnh miền Nam.

Giá khí chạm đỉnh 12 năm tác động thế nào đến các doanh nghiệp kinh doanh khí LPG trong nước? - Ảnh 2.

Không phải doanh nghiệp kinh doanh khí LPG nào cũng hưởng lợi mạnh mẽ khi giá thế giới tăng cao. (Ảnh minh họa: PV GAS).

Để định lượng tác động từ biến động của giá dầu đối với lợi nhuận của PV GAS, các chuyên gia ước tính nếu giá dầu Brent tăng 10 USD/thùng, lợi nhuận ròng của công ty sẽ tăng trong khoảng 800 tỷ đồng đến 1.200 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, sang quý IV, tình hình sẽ dần phục hồi. Việc giá dầu cao hơn có thể sẽ bù đắp phần nào cho việc giảm sản lượng tiêu thụ của PV GAS.

Do đó, cả năm nay, doanh thu của tổng công ty ước tính sẽ đạt 73.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 8.762 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,5% và 8,6% so với cùng kỳ. Dự báo này tương ứng cao hơn 5% kế hoạch doanh thu năm và cao hơn 24% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế PV GAS công bố trước đó.

Sang năm sau, doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PV GAS được dự đoán lần lượt tăng 23,6% và 25,2% so với năm nay nhờ vào sự phục hồi sản lượng khí mạnh mẽ, xét theo kịch bản cơ sở giá dầu Brent trung bình mức 68 USD/thùng năm 2022.

Trường hợp CTCP CNG Việt Nam (Mã: CNG) - đơn vị do PV GAS nắm 56%, công thức giá đầu vào và giá bán của CNG dựa trên giá FO/LPG và được điều chỉnh 6 tháng/lần. Khi giá FO, LPG tăng sẽ đẩy doanh thu đi lên.

Tuy nhiên, cần lưu ý là PV GAS quyết định giá đầu vào cho các công ty phân phối thành viên, nên thường lợi nhuận của CNG được PV GAS điều tiết và thường không quá đột biến trong điều kiện bình thường dù sản lượng khí tăng qua các năm. 

Hai quý cuối năm, sản lượng khí bán ra của CNG có thể bị ảnh hưởng. Năm nay, lợi nhuận sau thuế của CNG ước tính 48 tỷ đồng, giảm 6% so với năm ngoái. Trong tương lai, CNG sẽ phân phối LNG cho PV GAS khi dự án LNG Thị Vải đi vào khai thác từ cuối sau. 

Giá khí chạm đỉnh 12 năm tác động thế nào đến các doanh nghiệp kinh doanh khí LPG trong nước? - Ảnh 3.

Hệ thống skid khí nguyên liệu của PV GAS. (Ảnh minh họa: PV GAS).

Với CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (Mã: PGD), công ty phân phối khí thấp áp, CNG tại thị trường miền Nam và miền Bắc. 

PGD mua khí từ PV GAS và giá mua được điều chỉnh 6 tháng/lần. Doanh thu của PGD được hưởng lợi một phần khi giá FO/LPG tăng do công thức giá đầu vào và đầu ra dựa trên giá FO/LPG. Trong tương lai, PGD sẽ là đơn vị phân phối LNG khi PV GAS đưa vào vận hành LNG Thị Vải.

Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng khí của PGD ước tăng 31%, chủ yếu nhờ mức tăng mạnh mẽ trong trong nửa đầu năm. Riêng trong quý III, dự kiến lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh và cơ sở so sánh cao của quý năm ngoái. Nhìn chung lợi nhuận sau thuế cả năm của PGD chỉ tăng 1% so với năm trước lên 205 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận cả năm của CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam (Mã: PVG) - đơn vị do PV GAS nắm 51% được dự báo tăng gấp 26 lần lên 18 tỷ đồng nhờ mức so sánh thấp của năm ngoái.

Đây là đơn vị kinh doanh LPG của tổng công ty tại thị trường phía Bắc, do đó có thể được hưởng lợi khi doanh thu LPG tăng nhờ giá tăng. Tuy nhiên, mức tiêu thụ LPG năm 2021 chưa khả quan do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là quý III.

Theo các chuyên gia trong tương lai PVG sẽ là cánh tay nối dài của PV GAS trong việc phân phối thêm các sản phẩm khí LPG, LNG ở thị trường miền Bắc và miền Trung.

Công thức giá đầu vào và giá bán khí thiên nhiên của CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South - Mã: PGS) dựa trên giá FO/LPG, do đó doanh thu sẽ tăng khi giá FO, LPG đi lên. Cần lưu ý, lợi nhuận của PGS trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần khi sản lượng CNG bán ra giảm và tỷ suất lợi nhuận có chiều hướng đi xuống.

Ở các đơn vị bán lẻ LPG khác như Tổng Công ty Gas Petrolimex (Mã: PGC), CTCP Đầu tư và Phát triển Gas Đô Thị (Mã: PCG), CTCP MT Gas (Mã: MTG)CTCP Đầu tư TDG Global (Mã: TDG) cũng được dự đoán sẽ hưởng lợi một phần do tồn kho giá thấp và doanh thu tăng khi giá bán LPG tăng.

Minh Hằng