|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một công ty chứng khoán Hàn Quốc sắp tăng vốn gấp rưỡi

15:15 | 08/12/2023
Chia sẻ
ASAM, một công ty chứng khoán Hàn Quốc nhỏ và không nhiều tiếng tăm, vừa công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ 46%. Song, quy mô vốn điều lệ chưa tới 300 tỷ đồng vẫn còn khá khiêm tốn so với các công ty đồng hương ở Việt Nam.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ của Chứng khoán ASAM

Theo kế hoạch, Chứng khoán ASAM phát hành 9,37 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ của công ty từ 203 tỷ đồng lên 296,7 tỷ đồng. Giá chào bán là 12.000 đồng/cp. Số tiền hơn 112 tỷ đồng thu về sẽ bổ sung cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (80%) và nâng cấp nền tảng giao dịch, hoạt động kinh doanh (20%).

Danh sách nhà đầu tư chiến lược gồm 8 cá nhân và ba tổ chức. Trong đó, Asam Asset Management sẽ mua nhiều nhất 2,35 triệu cp. Sau giao dịch tổ chức này nắm giữ 36,63% vốn. Trước khi kế hoạch tăng vốn này được công bố, Asam Asset Management mua lại 19,7% vốn từ ông Kim Hwan Kyoon và hai cá nhân khác, tăng sở hữu từ 19,93% lên 41,96%.

Hai tổ chức chưa nắm giữ cổ phần của công ty là SGA FTS Co., Ltd và Moonjang Construcsion sẽ mua 1,35 triệu cp và 1,37 triệu cp, tương đương đương 4,55% và 4,62% vốn sau khi hoàn tất thương vụ. Trong cơ cấu cổ đông của công ty thời điểm cuối tháng 9 còn có một tổ chức khác là SGA Solutions với tỷ lệ sở hữu 19,7%. Như vậy, sau tăng vốn, Chứng khoán ASAM sẽ có ba cổ đông tổ chức.

Trong nhóm nhà đầu tư chiến lược là cá nhân, cổ đông Oh Seung Lok đang nắm giữ 600.000 cp, và đăng ký mua thêm 780.000 cp, nâng sở hữu lên 4,65% sau tăng vốn. Những cá nhân còn lại hiện không nắm giữ cổ phần và đăng ký mua từ 160.000 cp đến 780.000 cp.

Nói về thương vụ phát hành riêng lẻ của Chứng khoán ASAM, ngoài mức giá chào cao hơn mệnh giá 20%, công ty đưa ra điều khoản khắt khe hơn nhiều tổ chức cùng ngành.

Cổ đông chiến lược tham gia mua bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Chưa hết, sau khi mua cổ phiếu và trở thành cổ đông sở hữu trên 10% của công ty, nhà đầu tư chiến lược và người có liên quan không được nắm giữ trên 5% vốn tại bất kỳ công ty chứng khoán nào tại Việt Nam.

Đây là động thái nâng năng lực tài chính đầu tiên sau khi công ty đổi tên từ Chứng khoán SJC ngày 27/12/2021. Cùng với tăng vốn điều lệ, Chứng khoán ASAM muốn vay tín dụng 90 tỷ đồng bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Hai nguồn vốn trên sẽ giúp ASAM nâng dần vị thế bởi công ty vẫn đang ở nhóm có quy mô nhỏ nhất thị trường, khác biệt với số đông công ty chứng khoán ngoại.

 Quy mô hoạt động của các công ty chứng khoán Hàn Quốc tại Việt Nam. Nguồn: LH tổng hợp.

Vì sao ASAM vẫn là “bé hạt tiêu”?

So với nhóm công ty chứng khoán Hàn Quốc khác tại Việt Nam, ASAM là cái tên mới nhất. Tháng 9/2020, Asam Asset Management thâu tóm hơn 65% cổ phần Chứng khoán SJC từ 11 cá nhân. Ba tháng sau đó, công ty tăng vốn điều lệ từ 53 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 15 triệu cp cho 5 cá nhân và hai tổ chức.

Sau tăng vốn, ASAM thay đổi dàn lãnh đạo, chuyển trụ sở công ty, hoàn thiện những thủ tục pháp lý và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh. Trước thời điểm đưa ra kế hoạch tăng vốn trên, ASAM tập trung vào hai hoạt động tự doanh trái phiếu và cho vay margin. Với nguồn lực hạn chế, quy mô đầu tư và cho vay của công ty khá nhỏ, ghi nhận 86,6 tỷ đồng và 32 tỷ đồng cuối tháng 9.

Nguyên do là vốn điều lệ của Chứng khoán ASAM còn khá khiêm tốn so với toàn ngành và những đại diện khác từ Hàn Quốc như Mirae Asset, KIS Việt Nam, NH Việt Nam, KB Việt Nam, Pinetree, JB Việt Nam, Shinhan.

Như một công thức chung, sau khi thâu tóm công ty trong nước, tổ chức mẹ Hàn Quốc đã rót vốn hàng nghìn tỷ đồng vào các công ty, đưa vị thế lên top đầu trong ngành.

Với ASAM, tiềm lực tài chính của cổ đông lớn nhất là Asam Asset Management không quá mạnh. Công ty quản lý tài sản được thành lập năm 1996 tại Hàn Quốc có vốn điều lệ 3 tỷ won (56 tỷ đồng) và đang quản lý tài sản 315 tỷ won (5.841 tỷ đồng).

Quy mô của này hạn chế hơn đáng kể những “gã khổng lồ” xứ kim chi đã đặt chân đến Việt Nam như  Mirae Asset Financial Group, Nonghuyp Financial Group,  KB Financial Group,  Shinhan Financial Group...

Song song với đó, các tập đoàn mẹ Hàn Quốc thường phát triển một hệ sinh thái tại Việt Nam gồm ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, công ty chứng khoán, quản lý quỹ để củng cố vị thế của từng đơn vị thành viên.

Với thế mạnh vốn rẻ, các công ty chứng khoán Hàn Quốc tập trung chính vào hoạt động cho vay, nắm giữ tài sản tài chính thu nhập cố định (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi). Đây chính là khởi nguồn cho làn sóng miễn phí giao dịch (zero fee) và lãi cho vay margin thấp ở Việt Nam.

Còn với ASAM, thiếu vắng bệ đỡ tài chính cùng với cộng lực của một hệ sinh thái có thể là lý do công ty này không thể “lớn nhanh như thổi” như những “đồng hương”.

Hoàng Linh