|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

ĐHĐCĐ bất thường KBC: Sẽ có thêm vài KCN theo mô hình mới, ước tính cho thuê 150 ha đất công nghiệp trong năm 2024

12:11 | 28/03/2024
Chia sẻ
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, đánh giá năm 2024 vẫn còn khó khăn và khó khăn ngày càng nhiều hơn chứ không giảm đi. Ngoài hoạt động ở các khu công nghiệp, Kinh Bắc sẽ đưa một số khu đô thị vào hoạt động để chuẩn bị trước đến khi thị trường bất động sản nói chung phục hồi vào năm sau.

Sáng ngày 28/3, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) tiến hành ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 lần 1 tại Bắc Ninh, kết hợp trực tuyến và bỏ phiếu điện tử. 

Quý I/2024 hoạt động khá vất vả 

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ "2023 là một năm đầy khó khăn và khó khăn ngày càng nhiều hơn chứ không giảm đi. Sang năm 2024, dù yếu tố tiêu cực còn nhiều nhưng yếu tố tích cực đã dần xuất hiện. Nếu không có nhiều biến động địa chính trị thế giới, những năm vừa rồi kết quả kinh doanh của công ty đã tốt hơn bởi các thị trường xuất khẩu phát triển mạnh mẽ hơn, tiêu thụ nhiều hơn và Việt Nam lại là căn cứ sản xuất.

Mặc dù vẫn thu hút đầu tư tốt nhưng chúng ta luôn kỳ vọng tình hình thị trường chung được cải thiện hơn nữa. Rất nhiều nhà đầu tư đã đến, đặt cọc nhưng khi biến động địa chính trị xảy ra ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường của các nhà đầu tư này và tạm thời họ phải cho ngừng một số nhà máy.

Chính vì vậy mà quý I/2024 chúng ta hoạt động khá vất vả so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng ta đã chuẩn bị một số dự án lớn để đón đầu khi thị trường bắt đầu hồi phục trở lại, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mạnh hơn. Năm 2024, ngoài hoạt động ở các KCN, Kinh Bắc sẽ đưa một số khu đô thị vào hoạt động".

Ước tính cho thuê 150 ha đất công nghiệp trong năm 2024

Ban điều hành chia sẻ việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý của các dự án trong năm vừa qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ban điều hành kỳ vọng với những chính sách mới của Chính Phủ và địa phương sẽ thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nói chung và Kinh Bắc nói riêng trong năm 2024.

HĐQT dự kiến các dự án còn thiếu các thủ tục pháp lý sẽ được hoàn thiện và thông qua từ quý II/2024 như: KCN Tràng Duệ 3, KCN Lộc Giang, KĐT Phúc Ninh, KĐT Tràng Cát…

Ước tính diện tích cho thuê đất KCN trong năm 2024 khoảng 150 ha đến từ các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung, các cụm khu công nghiệp ở Hưng Yên, Long An và đặc biệt KCN Tràng Duệ 3. Ngoài ra, một số dự án KĐT dự kiến sẽ được ghi nhận doanh thu và mang lại lợi nhuận trong năm 2024.

Kinh Bắc cũng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp tục được phê duyệt các dự án mới tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500 ha đất KCN và 650 ha đất KĐT.

Theo thông tin cập nhật từ ban điều hành, đến nay Kinh Bắc đang quản lý 6.378 ha đất công nghiệp và 1.263 ha đất đô thị.

 

Ban điều hành dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù khởi đầu năm 2024 nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường vốn và chính sách tiền tệ, Chính phủ tiến hành triển khai xây dựng các chính sách pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho thị trường bất động sản và nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo hướng bền vững, lâu dài.

Trên cơ sở này, HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu hợp nhất 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng; lần lượt tăng 59% và 80% so với kết quả đạt được trong năm 2023 (theo báo cáo tài chính tự lập).

Đồng thời, HĐQT trình cổ đông thông qua việc phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2024 - 2025. Trong năm 2023, Kinh Bắc đã thực hiện mua lại đúng hạn và trước hạn toàn bộ dư nợ gốc trái phiếu 3.900 tỷ đồng; thanh toán đầy đủ tiền lãi trái phiếu gần 162 tỷ đồng; dư nợ trái phiếu tại ngày 31/12/2023 là 0 đồng.

 

Phát triển thêm khu công nghiệp xanh

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT, cho biết thêm trong năm nay Kinh Bắc sẽ có thêm một số KCN được xây dựng theo mô hình mới theo hướng xanh hóa, về bản chất là kế thừa các KCN cũ và nâng cấp lên để phù hợp với sự phát triển hiện tại.

"Chắc chắc các KCN này sẽ đẹp hơn, hiệu quả sử dụng vốn cao hơn và thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao nhiều hơn", Chủ tịch Kinh Bắc khẳng định.

Đồng thời, ông Tâm thông tin 2024 là năm bản lề để Kinh Bắc tiến vào xây dựng các khu nhà ở. Từ năm ngoái, công ty đã tiến hành xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và năm nay tiếp tục tham gia vào việc phát triển nhà ở chung, bao gồm nhiều phân khúc cao cấp, trung cấp… Tính đến nay, quỹ đất để Kinh Bắc xây dựng nhà ở xã hội khoảng 100.000 căn và công ty đã xây dựng được vài nghìn căn.

"Việc phát triển nhà ở của Kinh Bắc dựa vào nhu cầu thực tế tại các KCN do nhóm công ty phát triển. Chúng tôi đã làm việc với ngân hàng chính sách để người mua nhà được vay lãi suất tốt hơn, trả góp đến 20 năm. Nếu lao động không ổn định, nhà máy di dời thì hoạt động kinh doanh của KCN không tốt được", ông Tâm nói.

Xem xét bán sỉ một phần dự án Tràng Cát

Trong năm 2023, Kinh Bắc đã góp thêm 6.051 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Đô thị Tràng Cát nhằm bổ sung vốn triển khai dự án Khu đô thị và Dịch vụ Tràng Cát (Hải Phòng). Vốn điều lệ sau khi tăng là 12.681 tỷ đồng.

Sau khi công ty Tràng Cát hoàn thành tăng vốn, do dự án Khu đô thị và Dịch vụ Tràng Cát chưa sử dụng đến nguồn vốn lớn đang cóđể đảm bảo sử dụng dòng tiền hiệu quả trong bối cảnh tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, công ty Tràng Cát đã cho các công ty con khác của Kinh Bắc gồm CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Hải Phòng và CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang vay.

Ban lãnh đạo Kinh Bắc khẳng định "các giao dịch này đều nằm trong phạm vi chủ trương giao dịch với bên liên quan mà công ty đã được ĐHĐCĐ thông qua hàng năm".

Đồng thời, HĐQT trình cổ đông kế hoạch triển khai đầu tư kinh doanh dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát trong năm 2024, bao gồm: Điều chỉnh tăng hoặc giảm vốn điều lệ cho công ty Tràng Cát theo tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng vốn của dự án; tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư kinh doanh, phát triển và phân phối dự án; thu xếp nguồn vốn cho dự án (vay vốn, phát hành trái phiếu, hợp tác đầu tư); bán sỉ một phần dự án cho nhà đầu tư thứ cấp

 

Phiên thảo luận

Ông Bùi Ngọc Minh, đại diện Dragon Capital: Dự báo của anh Tâm, chị Hương về diễn biến FDI trong năm 2024 so với năm 2023? Kế hoạch thu hút FDI của Kinh Bắc trong năm nay có gì mới so với năm trước không? Làn sóng AI, bán dẫn bây giờ rất mạnh mẽ. Ngoài những xu hướng này, Kinh Bắc có tập trung vào thị trường ngách nào khác để tăng nguồn thu FDI không?

Cập nhật tình hình tiến độ pháp lý dự án tràng Duệ 3 và khi nào KCN này được đưa vào hoạt động?

Về Khu đô thị Tràng Cát, Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu tiến độ pháp lý mà Tràng Cát cần phải hoàn thiện để tiếp tục hoạt động trong tháng 6/2024. Ban lãnh đạo cập nhật thêm tình hình triển khai dự án này? Hiện dự án Vinhomes Vũ Yên đang triển khai rầm rộ, tạo con sóng bất động sản ở Hải Phòng. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho Khu đô thị Tràng Cát nếu có thể triển khai trong thời gian ngắn tới. Ban điều hành cập nhật thêm kế hoạch bán hàng, bao gồm bán sỉ và bán lẻ?

Kế hoạch lợi nhuận 2024 đang được kỳ vọng khoảng 4.000 tỷ đồng dựa trên những tiêu chí nào, tỷ trọng đóng góp của các mảng khu công nghiệp, khu dân cư?

 Ông Bùi Ngọc Minh, đại diện Dragon Capital

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc: Anh Vượng là anh Vượng, anh Tâm là anh Tâm, hai người không giống nhau và phong thái kinh doanh, cách kinh doanh cũng như tiếp cận kinh doanh không giống nhau.

Do đó, việc phát triển Tràng Cát không giống các dự án khác cùng khu vực. Chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ dự án này để gửi đi cho các nhà đầu tư ở các nước và sáng nay vừa gửi sang Đài Loan. Chúng tôi chỉ bán lẻ một phần do các chủ đầu tư lớn đang rất quan tâm dự án.

Kinh Bắc có bản sắc kinh doanh riêng. Các bạn có thể thắc mắc vì sao cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác lên ầm ầm thật cao và xuống thật sâu nhưng KBC cứ đi từ từ và chúng ta sẽ tiếp tục những bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn.

Kinh Bắc tập trung vào mảng FDI, thời điểm nào cũng vậy, chúng tôi luôn đổi mới cách thức và đối tượng thu hút đầu tư. Từ năm ngoái, chúng tôi bắt đầu quan tâm đến sản xuất chip, công nghệ xanh và AI.

Ngoài công nghệ cao, bán dẫn… thời gian tới còn rất nhiều lĩnh vực để thu hút đầu tư như y tế, giáo dục, mục tiêu là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như chúng ta đã làm.

Trong năm 2023 chúng tôi vẫn chưa làm được một số việc như đã hứa để tập trung vào các việc ưu tiên hơn như trả hết nợ trái phiếu gần 4.000 tỷ đồng và làm một số công tác về đầu tư để chuẩn bị dòng tiền thu về cho những năm tới.

Nếu để không có mặt bằng như cuối năm ngoái là khổ lắm, nhà đầu tư đến với Kinh Bắc rất nhiều nhưng chúng ta đành bó tay vì tiến độ, không còn đất để cho thuê, tốc độ cho thuê đất giai đoạn trước quá nhanh.

Về dự án Tràng Duệ 3, các KCN quy mô 100 – 250 ha bây giờ làm thủ tục rất nhanh nhưng khu 687 ha của chúng ta đến nay chưa xong. Dự án của chúng ta nằm trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được ưu đãi thuế. Để có được lợi thế này chúng ta buộc phải mất thời gian ban đầu. Hiện nay còn một số nội dung chúng ta cần trả lời bổ sung để thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta đã làm xong được phần rất quan trọng là đền bù. Hơi chậm một chút nhưng đây là thủ tục, Kinh Bắc không tự phê duyệt được một văn bản nào.

Về Khu đô thị Tràng Cát, hiện đã san lấp hơn 100 ha và sẽ công bố chính thức tại ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 6 tới. Đây là dự án trọng điểm mang về dòng tiền cho công ty. 

Ông Đặng Thành Tâm: Dự án Tràng Cát do điều chỉnh quy hoạch nên chúng ta phải làm lại toàn bộ quy hoạch dự án và đây cũng là cơ hội để thiết kế lại khu đô thị theo hướng sạch, xanh, tuần hoàn như tôi đã chia sẻ, thậm chí sẽ có những tòa nhà không phải kết nối điện bên ngoài, tất nhiên chi phí xây dựng phải cao hơn. 

Chúng tôi có quan sát thị trường Hải Phòng, vừa rồi Vinhomes đã bán hàng nhưng theo đánh giá của KBC thị trường chưa ấm. Do đó, nếu chúng ta tổ chức không khéo có khi lại hỏng. Vinhomes lại khác, họ là tập đoàn đã đi trước về thị trường nhà ở, còn thế mạnh của chúng ta là KCN và chúng ta cũng không có nhiều khu đô thị để đánh đổi, rủi ro ở khu này thì hy vọng vào khu khác. Do đó, chúng ta phải chăm chút kĩ lưỡng, lựa chọn đối tác tốt và phù hợp.

Hiện nay quy định của Nhà nước hết sức khắt khe, các trình tự pháp lý chúng ta phải tôn trọng và chúng ta mong muốn càng chặt chẽ càng tốt, miễn đến tháng 6 năm nay hoàn thiện. Một phần KBC sẽ nộp thêm tiền sử dụng đất cho Hải Phòng, đóng góp vào ngân sách; một phần sẽ triển khai dự án.

Chúng tôi đang làm việc với các tổ chức tài chính, tín dụng, dự án lớn sẽ phải vay rất lớn. Mặc dù chúng ta đi sau vào lĩnh vực bất động sản nhưng sẽ có vị thế xứng đáng.

ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 lần 1 của Kinh Bắc sáng ngày 28/3 có sự tham dự của 107 cổ đông (trong đó có 21 cổ đông dự trực tiếp), sở hữu hơn 455 triệu cổ phần, tương ứng 59,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cổ đông: TP Hải phòng đang triển khai thủ tục xin Chính phủ thành lập khu kinh tế phía Nam với diện tích 20.000 ha. Kinh Bắc đang triển khai nghiên cứu quy hoạch cảng biển, đô thị Nam Đồ Sơn và CTCP Sài Gòn – Hải Phòng xin nghiên cứu lập quy hoạch KCN Chấn Dương - Hòa Bình quy mô 350 ha nằm trong khu kinh tế phía Nam này. Ban lãnh đạo cập nhật thêm tiến độ?

Ông Đặng Thành Tâm: Đối với KCN Chấn Dương - Hòa Bình quy mô 350 ha, công ty xin nhưng có được hay không thì chưa biết nên hiện tại chúng tôi chưa thể trả lời được.

Về quy hoạch cảng, vừa rồi trong các chuyến đi nước ngoài, KBC cũng tham gia ký hợp tác với một số đối tác, trong đó có Cảng Los Angeles về container và hai cảng khác. Ở Mỹ, cảng biển quản lý cả sân bay và cảng New York quản lý ba sân bay rất lớn, mỗi năm góp phần tăng thu ngân sách 500 tỷ USD (GDP Việt Nam mỗi năm khoảng 400 tỷ USD).

Chính vì những doanh nghiệp này lớn nên họ quan tâm đầu tư vào những KCN bài bản, chúng ta cũng phải cố gắng bài bản để đáp ứng.

Tôi cũng phải nói rõ để không hiểu lầm: Đây là nhiệm vụ giao KBC làm cùng với đối tác nước ngoài để làm quy hoạch giúp cho TP Hải Phòng chứ không phải của KBC, hiểu đúng là mình làm giúp đất nước. Đây sẽ là cảng có quy mô lớn nhất ở khu vực phía Bắc. 

Cổ đông: Đến thời điểm này giá cổ phiếu KBC không tương xứng với tiềm năng của công ty. Nếu nhìn vào giá cổ phiếu của các công ty KCN khác từ IDC, SZC, VGC… thì KBC đang có giá thấp nhất. Lãnh đạo nói tiềm năng, ai cũng biết tiềm năng nhưng tại sao giá cổ phiếu lại như vậy? Trong thời gian tới, công ty có bước đi, kế hoạch nào để giá cổ phiếu KBC tương thích với tiềm năng tăng trưởng của công ty?

Ông Đặng Thành Tâm: Hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư năm nào cũng đứng hàng đầu nhưng cũng có lúc rớt thê thảm vì nhiều lý do. Tôi không phải nhà chuyên phân tích về chứng khoán mà chỉ là nhà điều hành, cố gắng trong khả năng.

Ví dụ như cuối năm 2022, khi tình hình cổ phiếu xuống quá thấp, HĐQT triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để sẵn sàng mua cổ phiếu vào, thế nhưng sau đó cổ phiếu lại lên nhanh quá. Trên thực tế, giá cổ phiếu cao hay thấp thì công ty vẫn hoạt động như vậy nhưng sẽ làm dao động niềm tin của cổ đông và khi cổ đông mất niềm tin vào công ty thì rất nguy hiểm. Chúng tôi hoạt động cũng phải dựa vào niềm tin của cổ đông.

Đầu năm 2023, chính sách tiền tệ được mở rộng trở lại. Nguồn tiền KBC có nhưng sau đó lại có vụ trái phiếu trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi kinh hoàng của toàn thị trường. HĐQT mới quyết định tranh thủ, cắn răng trả hết 4.000 tỷ đồng trái phiếu.

Sắp tới chúng ta phải tính toán bởi càng dự án ngày càng quy mô lớn. Chúng tôi chỉ kỳ vọng cần cù, chăm chỉ, chịu khó thì sẽ được bù đắp xứng đáng; phát triển từ từ, ổn định nhưng chỉ có lên, không xuống.

Đại hội kết thúc vào lúc 12 giờ 11 phút cùng ngày. Tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Nguyên Ngọc

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.