Hơn trăm doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận quý III trên 100%
Thống kê từ Wichart cho thấy có trên 1.100 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính trong quý III. Khoảng 380 đơn vị ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 124 công ty ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trên 100% so với quý III/2022. Tính riêng sàn HOSE có tổng cộng 44 doanh nghiệp, HNX có 44 đơn vị còn lại là UPCoM.
Nhóm ngành có nhiều doanh nghiệp báo lãi đột biến nhất là chứng khoán với 12 đơn vị có lãi tăng trên 100% quý vừa qua gồm: Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Chứng khoán SSI (Mã: SSI), Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS), Chứng khoán VIX (Mã: VIX), Chứng khoán BIDV (Mã: BSI), Chứng khoán Thiên Việt (Mã: TVS), Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã: SHS), Chứng khoán Ngân hàng Công thương (Mã: CTS), Chứng khoán DSC (Mã: DSC), Chứng khoán Guotai Junan (Mã: IVS), Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (Mã: VIG), Chứng khoán Hoà Bình (Mã: HBS).
Chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành là 138% so với cùng kỳ và có quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, sau khi lợi nhuận tạo đáy vào quý IV/2022. Đây cũng là nhóm ngành có biên lợi nhuận ròng cao nhất toàn thị trường, ở mức 26,2% trong quý III và cao gấp 2 lần cùng kỳ.
Loạt công ty chứng khoán lãi đột biến quý III trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động và mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ kênh này.
Đứng đầu mức tăng đột biến trên toàn thị trường là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Mã: TH1) ở sàn UPCoM. Quý III, TH1 ghi nhận 111 tỷ doanh thu thuần, gấp đôi quý III/2022 và lãi ròng gần 25 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lãi 254 triệu đồng. Doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều mảng bao gồm xuất nhập khẩu và thương mại, gia công hàng may mặc, kinh doanh bất động sản và cho thuê kho bãi,...
Tính riêng sàn HOSE, CTCP Rạng Đông Holding (Mã: RDP) có mức tăng trưởng lãi ròng cao nhất, đạt 31 tỷ quý III, cùng kỳ năm ngoái lãi 727 triệu đồng do tăng đột biến doanh thu từ hoạt động tài chính.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn có mức tăng trưởng trên ba chữ số so với mức nền thấp của quý III năm ngoái như: Gelex (Mã: GEX), Nam Long (Mã: NLG), Petrolimex (Mã: PLX), Vietjet (Mã: VJC), Kido (Mã: KDC), EVNFinance (Mã: EVF), Phân bón Bình Điền (Mã: BFC),...
Bên cạnh Gelex thì hai công ty thành viên của tập đoàn này là Cadivi và Điện lực Gelex (Mã: GEE) cũng báo lãi tăng phi mã do nguồn thu tài chính đột biến hoặc nhờ giảm chi phí tài chính so với cùng kỳ.
Thị trường hàng không hồi phục giúp Vietjet báo lãi ròng 135 tỷ quý III, tăng 232% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất 6 quý gần đây.
Giá xăng, dầu tăng mạnh trong quý vừa qua đã hỗ trợ lợi nhuận của Petrolimex ghi báo lãi ròng 738 tỷ, gấp 7,4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện cho nhóm bất động sản, dù doanh thu giảm sâu song nhờ nguồn thu từ công ty liên doanh, liên kết cùng với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giúp Nam Long lãi đột biến 66 tỷ quý III.
Một số doanh nghiệp lớn đáng chú ý khác trên UPCoM có mức tăng đột biến trên 100% trong quý III như Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR), CTCP Phát triển Sunshine Homes (Mã: SSH), Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Mã: SAS),...
Lọc hoá dầu Bình Sơn lãi ròng 3.260 tỷ đồng, gần gấp 7 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời là kết quả cao nhất trong 5 quý. Quý III, giá dầu thô giá dầu thô từ mức 80,05 USD/thùng trung bình tháng 7, tăng lên 94,00 USD/thùng trung bình tháng 9. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá sản phẩm và giá dầu thô quý III năm nay tốt hơn quý III/2022 đã giúp doanh nghiệp lãi đột biến.
Một doanh nghiệo bất động sản trên UPCoM là Sunshine Homes ghi nhận mức lãi ròng tăng 605%, đạt 510 tỷ quý III chủ yếu nhờ hoạt động chuyển nhượng. Đây là quý thứ tư liên tiếp Sunshine Homes tăng trưởng lợi nhuận trên ba chữ số so với cùng kỳ có mức nền thấp và cũng là quý lãi cao nhất kể từ khi doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM.