|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận cao kỷ lục

14:00 | 02/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022 là năm điểm sáng của ngành dầu khí (ngoại trừ nhóm phân phối xăng dầu) khi hầu hết các công ty đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Nhóm phân đạm với hai doanh nghiệp đầu ngành là Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ cũng đã vượt kế hoạch năm nhờ tình hình xuất khẩu thuận lợi.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã công bố ước tính kết quả kinh doanh cả năm với sự khởi sắc cả về doanh thu và lợi nhuận so với năm 2021 - giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19.

Nhìn chung năm 2022 vẫn là năm thuận lợi đối với các doanh nghiệp nhóm dầu khí, khi giá dầu có lúc vượt qua mốc 130 USD/thùng và đến cuối năm đã hạ về vùng 84 USD/thùng, vẫn cao hơn mặt bằng chung năm ngoái.

Tập đoàn PVN và nhiều thành viên đều ước tính lợi nhuận tăng trưởng cao so với năm 2021. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN)  cho biết tổng doanh thu toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng, ước cả năm 2022 đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng khoảng 43% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tuy không được tiết lộ cụ thể nhưng lãnh đạo cho biết đã hoàn thành sớm kế hoạch cả năm và tăng trưởng rất cao so với 2021.

Những doanh nghiệp thành viên cũng đưa ra ước tính kết quả tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ  như CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) , Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) , Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) , Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) , Tổng công ty Hoá chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem - Mã: PVC),  Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT).

Năm 2022, doanh thu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) cao kỷ lục với lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm giảm 18%.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của PV OIL giảm 18% so với năm 2021 nhưng vẫn ở mức cao kể từ khi cổ phần hóa năm 2018. (Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính của PV OIL).

Chứng khoán VNDirect nhận định năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu do thị trường trong nước có nhiều bất ổn. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động dưới công suất trong nửa đầu năm và việc chậm điều chỉnh các chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã khiến các nhà phân phối gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.

Bất chấp giá dầu tăng, nhóm đạm, phân bón vẫn báo cáo kết quả lợi nhuận cao kỷ lục nhờ vào tình hình xuất khẩu. Hai doanh nghiệp đầu ngành là Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM)  và Đạm Cà Mau (Mã: DCM)  cùng ước tính doanh thu tăng trưởng đến 55% và tăng 49% so với năm ngoái.

Kết quả khả quan này đã khiến Đạm Cà Mau điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh và cổ tức vào phút chót , còn Đạm Phú Mỹ thì đề xuất nâng cổ tức từ 50% lên 70% bằng tiền mặt.

 

Nhờ ngành hàng không đã phần nào phục hồi so với năm COVID-19, số chuyến bay và tổng lượng hành khách thông quan tăng lên, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV)  ước tính tổng doanh thu ước đạt 15.381 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 7.561 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,2 lần và tăng 6,6 lần so với kết quả năm ngoái.

Số liệu cho thấy năm 2022, tổng lượng hành khách thông qua các cảng hàng không là 99 triệu, tăng 128% so với năm 2021. Tổng hạ cất cánh của tổng công ty là 658.000 lượt chuyến, tăng 25%. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Chiều ngược lại, các tập đoàn đầu ngành như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) , Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex ) Tập đoàn Cao su Việt Nam (Mã: GVR)  dự tính kết quả lợi nhuận có phần giảm sút.

Với Vinatex, từ cuối quý III, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục báo về tập đoàn. Điều này phần nào khiến lợi nhuận hợp nhất tập đoàn giảm 25%.

Do tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính đi xuống, Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao, các đơn vị thành viên GVR chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền cùng với việc lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào vì sự suy giảm giá trị của đồng Kip Lào trong kỳ lập báo cáo là nguyên chính khiến lợi nhuận của GVR tụt dốc 16% so với năm 2021.

Trước một ngày công bố ước tính kết quả kinh doanh, GVR đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất giảm 5% so với kế hoạch cũ về 28.280 tỷ đồng, giảm lợi nhuận trước thuế xuống 24% về 4.900 tỷ đồng.

Mỹ Linh