|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu trung lập có thể giúp nối lại hòa bình trên đất Ukraine?

15:39 | 30/03/2022
Chia sẻ
Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn một tháng, thiệt hại là không đếm xuể. Phái đoàn hai bên và chính phủ các nước đang đề xuất một giải pháp cho cuộc xung đột: biến Ukraine trở thành một quốc gia trung lập.

 Người dân Thổ Nhĩ Kỳ ra đường biểu tình, đòi lại hòa bình cho Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Từ năm 2019, mục tiêu gia nhập liên minh quân sự NATO đã được ghi trong hiến pháp của Ukraine. Song, Moscow đang gây sức ép buộc Kiev phải phi hạt nhân hóa, phi quân sự hóa và tuyên bố trung lập trên trường quốc tế.

Sau hơn một tháng xung đột quân sự gay gắt  với quân đội Nga, Ukraine dường như ngày càng từ bỏ hy vọng bước chân vào NATO. Thay vào đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không loại trừ khả năng đàm phán về vị thế trung lập mà Moscow yêu cầu.

Trong bài phát biểu ngày 27/3, ông Zelensky bày tỏ: “Chúng tôi đã sẵn sàng thảo luận về các đảm bảo an ninh, vấn đề trung lập và phi hạt nhân hóa. Đây là những điểm rất quan trọng”.

Nếu chọn đi theo con đường trung lập, Ukraine phải từ bỏ NATO cũng như không tổ chức bất kỳ cuộc tập trận nào của NATO trên lãnh thổ.

Đổi lại, nước này có thể nhận được một số đảm bảo an ninh nhằm ngăn Moscow tấn công trong tương lai, hoặc thậm chí là cơ hội trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Vậy, thực chất trung lập là gì và liệu vị thế này có thể đặt dấu chấm hết cho chiến sự giữa Nga và Ukraine hay không?

Trung lập tự nguyện và bắt buộc

Theo luật quốc tế, trung lập đồng nghĩa rằng một quốc gia sẽ không liên minh, không liên kết với các tổ chức quân sự hoặc can thiệp quân sự tại các nước thứ ba. 

Ukraine từng cam kết trung lập khi giành được độc lập vào năm 1991, nhưng đã thay đổi lập trường sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea vào năm 2014.

Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu để sửa đổi hiến pháp và lấy việc gia nhập EU cũng như NATO làm mục tiêu quốc gia.

Theo giới phân tích, ba quốc gia trung lập được coi là hình mẫu tiềm năng cho Ukraine bao gồm Áo, Thụy Điển và Phần Lan. Song, vị thế trung lập của ba nước này cũng rất khác nhau, chủ yếu chia thành hai loại: trung lập ép buộc và trung lập tự nguyện.

Áo, tương tự như Đức, bị quân Đồng minh (Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp) đánh bại vào cuối Thế chiến thứ hai. Liên Xô đồng ý rút quân với điều kiện Áo phải cam kết “trung lập vĩnh viễn”. Dĩ nhiên Áo đồng ý và điều này được ghi rõ trong hiến pháp vào năm 1955.

Quy chế trung lập vĩnh viễn mang lại cho các quốc gia như Áo và Thụy Sĩ một vị thế đặc biệt, qua đó giúp Vienna và Berne nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Phần Lan không theo quy chế trung lập vĩnh viễn nhưng vẫn là một quốc gia trung lập. Nước này cam kết không tham gia NATO và cho phép Nga duy trì tầm ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối nội - đối ngoại của mình, đổi lại sẽ được Liên Xô đảm bảo an ninh. Tóm lại, Phần Lan và Áo đều là bị ép buộc phải trung lập để đổi lấy bình yên.

Trái ngược với Áo và Phần Lan, Thụy Điển tự nguyện chọn con đường trung lập. Cho đến nay, quốc gia châu Âu này đã giữ vai trò trung lập trong hơn 200 năm, hoàn toàn tách mình khỏi hai cuộc chiến tranh thế giới.

Trung lập nhưng vắng bóng hợp tác quân sự?

Theo thời gian, lập trường trung lập của các nước nêu trên dường như đã mai một dần. Áo, Phần Lan và Thụy Điển quả thực không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào nhưng ba nước đã cùng nhau trở thành thành viên của EU vào năm 1995.

EU cũng có một hệ thống an ninh và đối ngoại với các yếu tố quân sự. Tuần trước, các bộ trưởng ngoại giao của khối kinh tế chung đã đồng ý thành lập một lực lượng phản ứng nhanh lên đến 5.000 binh sĩ.

Thụy Điển và Phần Lan còn đặc biệt quan tâm đến việc tìm kiếm hợp tác quân sự với liên minh NATO. Tháng 6 năm ngoái, hai nước này đã mời 7 quốc gia NATO, bao gồm Đức, tham gia cuộc diễn tập chung mang tên “Thử thách Bắc Cực năm 2021”, theo DW.

Ngoài ra, Thụy Điển và Phần Lan còn đang tham gia cuộc tập trận quy mô “Phản ứng Lạnh” với sự tham gia của khoảng 30.000 binh sĩ từ 27 quốc gia. Cuộc tập trận diễn ra trong giai đoạn 14/3 - 1/4 ở phía bắc Na Uy, tức chỉ cách biên giới Nga vài trăm km.

Như vậy, dù chọn theo đuổi lập trường trung lập, các hình mẫu mà giới quan sát muốn Ukraine tham khảo đều có các hoạt động quân sự nhất định, thậm chí còn liên quan tới NATO.

Liệu trung lập có giúp được Ukraine?

Nga đã thể hiện rõ với phương Tây rằng Ukraine không được phép thoát khỏi quỹ đạo và ảnh hưởng của Moscow. Có thể vì lẽ này mà ông Putin đã ra lệnh tấn công nước láng giềng.

Giảng viên chính trị quốc tế Katherine Wright của Đại học Newcastle nhận xét: “Đối với ông Putin, Ukraine là một phần của ‘Thế giới Nga’ hoặc một cộng đồng được xây dựng dựa trên những dấu ấn ngôn ngữ, văn hóa và quá khứ huy hoàng của Nga…”

Câu hỏi đặt ra bây giờ là trung lập có ý nghĩa như thế nào với vận mệnh của Ukraine. Một Ukraine trung lập sẽ không còn là đối tác của NATO, dù các nước như Phần Lan hay Thụy Điển vẫn hợp tác với liên minh quân sự lớn nhất hành tinh.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia như phó giáo sư Pascal Lottaz tại Viện Nghiên cứu Nâng cao Waseda, trung lập là lựa chọn duy nhất cho tất cả các bên trong cuộc chiến, bao gồm Nga, Ukraine, Mỹ và NATO.

Tuy nhiên, trung lập có thể sẽ không giúp cho chính quyền Kiev. Trong ba yêu cầu ban đầu gửi đến Ukraine, Nga đã phát tín hiệu bỏ qua vấn đề “phi phát xít hóa ”, theo đưa tin từ Financial Times hồi cuối tuần vừa qua.

Điều quan trọng nhất bây giờ là “phi quân sự hóa” - một yêu cầu không thể tưởng tượng được đối với một quốc gia trung lập”, nhà sử học Leos Müller của Đại học Stockholm nhận xét.

Tương tự như Thụy Điển hay Phần Lan, một Ukraine trung lập vẫn cần năng lực phòng thủ riêng. Khá nhiều nhà quan sát e ngại Ukraine có thể bị tấn công bất cứ lúc nào nếu từ bỏ quân sự hóa và Kiev cũng chưa cho thấy họ sẽ ngừng phát triển các cơ chế phòng thủ.

Suy cho cùng, vị thế trung lập chỉ có hiệu quả khi các quốc gia tôn trọng địa vị đó. Kể cả trường hợp Ukraine đã chính thức trở thành một quốc gia trung lập, không có điều gì đảm bảo Nga sẽ không hành động quá đà.

Theo ông Mark Kramer, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Davis (Đại học Harvard), Moscow và Kiev đã ký kết hàng chục thỏa thuận vào tháng 12/1991 để Nga phải tôn trọng đường biên giới của Ukraine. Song, về sau chính phủ Nga không thực sự tuân thủ những quy định này.

Một thỏa thuận đơn thuần giữa Ukraine và Nga về tính trung lập sẽ không đủ. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Putin cảm thấy không thích một điều gì đó ở Ukraine và lại tấn công nước láng giềng để giải quyết vấn đề?”, nhà địa lý kinh tế Vlad Mykhnenko tại Đại học Oxford đặt câu hỏi.

Kết thúc vòng đàm phán thứ 4 tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, phái đoàn Ukraine đã xác định Israel và các thành viên NATO gồm Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia có thể đóng vai trò quan sát và bảo lãnh của Ukraine trong tương lai.

Tức là, nếu Ukraine từ bỏ giấc mơ NATO và trở thành một quốc gia trung lập, trong trường hợp nước này bị tấn công, các nước đóng vai trò bảo lãnh sẽ phải đứng ra hỗ trợ Ukraine.

Song, một bài toán khác lại xuất hiện: Một khi Điện Kremlin bất chấp mọi thỏa thuận và gây hấn với Ukraine, liệu các nước bảo lãnh có đủ can đảm hay động lực để giúp đỡ Ukraine? Mọi thứ còn tùy thuộc vào lợi ích địa chính trị, kinh tế của từng nước trong cuộc xung đột.

Tóm lại, dẫu cho Ukraine chấp nhận vị thế trung lập, chưa có gì chắc chắn nước này sẽ “bình an vô sự” trước sóng gió.

Yên Khê