|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ BIDV: Lãi quý I hơn 7.000 tỷ, trình phương án phát hành thêm 1,3 tỷ cổ phiếu để tăng vốn

10:21 | 27/04/2024
Chia sẻ
Đại hội cổ đông thường niên 2024 BIDV đã thông qua phương án phát hành 1,36 tỷ cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ BIDV 2024. (Ảnh: H.L).

Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Tham dự Đại hội có 184 đại biểu, đại diện cho hơn 5,5 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 96,95% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo BIDV cho biết tính đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và ĐHĐCĐ giao.

Trong đó, tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022, tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 2,1 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm; chiếm 14% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 2,19 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022; trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 16,66% so với năm 2022, chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu về thị phần cho vay.

Lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ năm 2023 đạt trên 26.700 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2022; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022, hoàn thành vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao.

Tính hết quý I/2024, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của BIDV đạt trên 2,28 triệu tỷ đồng; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4% theo định hướng.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 BIDV. (Ảnh: Hạ An).

Thông qua phương án tăng vốn điều lệ

Tại ĐHCĐ, đại hội đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong đó, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 1.361 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 57.004 tỷ đồng lên trên 70.624 tỷ đồng.

Trong đó, số cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2022 là 1.197 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 21 cổ phiếu mới), số phát thêm bằng hình thức chào bán riêng lẻ là 164 triệu cổ phiếu. Nguồn tiền dùng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận còn lại năm 2022 sau khi trích lập các quỹ là 11.970 tỷ đồng và 1.648 tỷ đồng từ việc phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến khoảng 2,89% vốn điều lệ ở thời điểm 31/12/2023.

BIDV cho biết số cổ phiếu chào bán riêng lẻ áp dụng với đối tượng là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của BIDV.

Giá chào bán sẽ xác định theo nguyên tắc giá thị trường, số cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Toà án,...

Điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 từ 23% về 21%

Cùng với đó, đại hội cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2022 và 2023, trong đó điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 từ 23% xuống còn 21% vốn điều lệ.

Với phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ của BIDV là hơn 15.491 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu (thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại của BIDV hơn 3.144 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ cũng phê duyệt việc niêm yết các trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền BIDV phát hành ra công chúng. 

THẢO LUẬN:

Kết quả kinh doanh quý I/2024 và kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ?

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV: Trong quý I nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng vẫn còn chậm. Đối với BIDV, tính đến 31/3 dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,09% so với đầu năm, đến nay đã tăng 1,2%.

Về huy động vốn, chúng tôi cũng tăng 0,8% so với quý I/2023. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 7.056 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu theo Thông tư 11 hiện là khoảng 1,33%.

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV: Về việc cập nhật tiến độ phát hành cho BIDV, tại ĐHCĐ năm 2023, chúng ta đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ khoảng 9% cho nhà đầu tư. Năm 2024, chúng ta dự kiến phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023.

Với kế hoạch này, năm 2024, BIDV đã có sự quan tâm cụ thể của nhà đầu tư, ví dụ như phần 165 triệu cổ phiếu chúng tôi đã có kế hoạch phát hành trong ngắn hạn sau khi được sự phê duyệt của cơ quản quản lý Nhà nước. Hiện nhà đầu tư đang xem xét và đang trong thời gian làm việc với nhà đầu tư.

Với số còn lại, khoảng 6,11% vốn điều lệ chúng tôi sẽ tích cực làm việc với các nhà đầu tư trong nước. BIDV sẽ triển khai tích cực, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước trước khi xin ý kiến tại đại hội cổ đông.

Năm 2024, tuỳ theo mức độ thuận lợi thị trường, nếu các nhà đầu tư đánh giá tích cực về năng lực, triển vọng kinh doanh của BIDV thì có thể các nhà đầu tư sẽ triển khai ngay việc mua phần cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ trong năm nay và nếu tốt hơn nữa thì từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành thêm. 

Còn nếu thị trường kém tích cực hơn thì tiến độ phát hành cổ phiếu riêng lẻ như cổ đông đã đánh giá sẽ thấp hơn tiến độ phê duyệt tại ĐHĐCĐ năm 2023. Hy vọng rằng thị trường chuyển biến mạnh về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tín dụng nhanh hơn và thị trường bất động sản ấm lên thì kết quả kinh doanh của BIDV sẽ tích cực. 

Gần đây xảy ra tình trạng một số người gửi tiền mất tiền trong tài khoản ngân hàng gây khủng hoảng truyền thông, trong trường hợp xảy ra tại BIDV, Ngân hàng sẽ xử lý ra sao?

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV: Trong thời gian vừa qua, rất nhiều khách hàng không chỉ BIDV mà các tổ chức tín dụng khác có tình trạng khách hàng click vào các đường link hay khai báo thông tin ở các trang web có dấu hiệu lừa đảo dẫn đến thông tin tài khoản cá nhân bị chiếm đoạt.

Chúng tôi cũng nhận được phản ánh của khách hàng bị mất tiền do không cẩn thận truy cập vào những đường link lạ hoặc tiếp nhận cuộc gọi lừa đảo từ những đối tượng lạ. Bản thân BIDV có rất nhiều biện pháp cảnh báo đến khách hàng.

Trên app Smartbanking của BIDV cũng có cảnh báo đến khách hàng, nhắc nhở khách hàng không click vào những đường link lạ và không làm theo chỉ dẫn của các cuộc gọi lạ. Quý vị cổ đông và các khách hàng cần hết sức thận trọng để tránh làm mất thông tin gây mất tiền trong tài khoản của mình.

Hiện tượng này cũng xuất phát phần nhiều từ sự chủ quan và không cảnh giác của một số người dùng. BIDV luôn coi trọng công tác bảo mật thông tin người dùng, đảm bảo an toàn quản lý tài sản của khách hàng. Chúng tôi đã hết sức đầu tư cho con người, công nghệ, các công cụ để bảo mật thông tin của khách hàng.

Nếu có những trường hợp xảy ra mất tiền do nguyên nhân từ cán bộ ngân hàng thì chúng tôi sẽ điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Khi có trường hợp khách hàng mất tiền, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân và sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 

Chiến lược cạnh tranh giữa BIDV và các ngân hàng khác, BIDV nhận thấy cần phải tăng cạnh tranh ở phân khúc khách hàng nào?

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV:  Sau khi nghiên cứu thị trường, BIDV đã xây dựng Chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn 2030. Cùng với đó, chúng tôi có 7 chiến lược cấu phần phát triển từ bán buôn, bán lẻ, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, thương hiệu và Kế hoạch kiểm soát hoạt động.

Tất cả chiến lược này tổng thể nhằm nâng cao khả năng cạnh của BIDV cho đến giai đoạn 2025, tầm nhìn 2030. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện đúng lộ trình, mục tiêu và kế hoạch đề ra.

Gần đây, NHNN có yêu cầu các ngân hàng xây dựng phương án tái cơ cấu. Chúng tôi đã được NHNN cho ý kiến và ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1 cũng đã thông qua. Do đó, chúng tôi đang thực hiện những biện pháp giải pháp để đạt mục tiêu. Chiến lược cạnh tranh của BIDV dựa trên những nghiên cứu thực tiễn và hoạt động kinh doanh của BIDV.

Liên quan đến câu hỏi BIDV cần phải tăng khả năng cạnh tranh ở phân khúc khách hàng nào, tôi cho rằng đối với các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng lớn gần như ngân hàng nào cũng cạnh tranh ở tất cả các phân khúc: Khách hàng lớn, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài, SMEs, khách hàng cá nhân. Không có ngân hàng nào chỉ làm khách hàng cá nhân trừ các công ty tài chính.

BIDV cũng như vậy, chúng tôi có khối tài sản lớn nhất hệ thống với gần 2,3 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng và đầu tư hơn 2 triệu tỷ đồng nên không thể theo bất kỳ một phân khúc khách hàng nào mà phải đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đối với chúng tôi, cách đây 10 năm BIDV thiên về các doanh nghiệp nhưng đến gần đây chúng tôi đã cơ cấu lại ngân hàng. Đến nay, cơ cấu đã hợp lý, trong đó khách hàng lớn chiếm tổng dư nợ tín dụng khoảng 33%, doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 23%, khách hàng cá nhân khoảng hơn 43%. Cấu trúc này phù hợp với các ngân hàng thương mại và phù hợp với cấu trúc nền kinh tế.

Tuy nhiên, với từng phân khúc chúng tôi cũng có chiến lược cạnh tranh riêng, từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm và từng phân khúc khách hàng. BIDV có chiến lược phát triển nhóm khách hàng lớn và có những chính sách để đảm bảo phát triển mối quan hệ đó như đồng tài trợ, quản lý dòng tiền.

Khách hàng SMEs cũng đóng góp rất lớn vào nền kinh tế cả về dòng tiền, lao động… BIDV có những chính sách tư vấn, hỗ trợ khách hàng về đào tạo, quản trị…

Còn đối với khách hàng cá nhân, hiện dư nợ cho vay nhóm này khoảng 43%, huy động vốn khoảng 55% đây là một khối cách hàng cực kỳ quan trọng. Trong 10 năm trở lại đây, phân khúc này phát triển vượt bậc. BIDV được trao tặng 9 lần giải thưởng về khách hàng bán lẻ.

Ở phân khúc bán lẻ, BIDV cũng có nhiều chương trình mới như việc hợp tác với đối tác nước ngoài từ châu Âu, Singapore trong quản lý tài chính cá nhân cho khách hàng giàu có. Cấu trúc khách hàng của BIDV cả về khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, FDI, SMEs hiện tương đối ổn định. 

Liên quan đến chiến lược phát triển tín dụng xanh, doanh số giải ngân của BIDV cho các lĩnh vực và nợ xấu là bao nhiêu?

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV: Ngân hàng BIDV đã thực hiện chiến lược phát triển xanh từ khi chúng tôi ra chiến lược phát triển ngân hàng vào năm 2005. BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên ký hợp tác để triển khai tích cực các chiến lược giảm khí thải carbon, theo cam kết COP 26 của Thủ tướng Chính phủ.

BIDV đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các định chế tài chính trên thế giới về triển khai tín dụng, trái phiếu xanh, quản trị rủi ro khoản vay xanh.

BIDV cũng đã nhận được nhiều đề nghị và tiếp nhận một số nguồn vốn quốc tế để triển khai tài chính xanh. Đến nay, dư nợ của BIDV đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo khoảng 70.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ của BIDV.

Chúng tôi cũng đang xây dựng chiến lược phát triển xanh của BIDV bằng việc sử dụng năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn… BIDV cũng đang triển khai chiến lược phát triển bền vững của BIDV với mục tiêu là giảm phát thải carbon.

Hàng năm, chúng tôi thường xuyên tham gia các hoạt động giải chạy, trồng cây xanh… và đặc biệt là hỗ trợ cho người dân các khu vực bị ảnh hưởng bởi các vấn đề biến đổi khí hậu… Đây cũng là một trong những yếu tố khẳng định BIDV theo đuổi chiến lược xanh cùng với sự phát triển của đất nước.

Hạ An