|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quy mô hiện tại của Vincom Retail ra sao?

17:09 | 30/03/2023
Chia sẻ
Số TTTM của Vincom Retail vượt qua AEON, Lotte, SM Prime,… tại Đông Nam Á.

Trung tâm thương mại Vincom. (Ảnh: VRE).

“Ông kẹ” trong ngành BĐS bán lẻ

CTCP Vincom Retail (Vincom Retail, mã: VRE) thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup - CTCP (Vingroup, mã: VIC) với tỷ lệ lợi ích 60,33%. Đây là thương hiệu bất động sản bán lẻ do tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch với 4 dòng sản phẩm chính gồm: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+.

Giới thiệu về Vincom Retail , CEO Trần Mai Hoa, cho biết công ty là nhà phát triển, quản lý và vận hành bán lẻ có thâm niên lâu đời nhất tại Việt Nam. Năm 2004, doanh nghiệp khai trương trung tâm thương mại đầu tiên là Vincom Bà Triệu tại Hà Nội.

Đây được đánh giá là bước đi chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ. Vincom Bà Triệu cũng là trung tâm thương mại đầu tiên hoạt động theo mô hình “one-stop-shopping” (cửa hàng một điểm đến).

 

Dấu mốc của Vincom Retail là từ năm 2013, doanh nghiệp này bắt đầu vận hành hai Trung tâm thương mại khổng lồ dưới lòng đất, đó là Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City. Hai tổ hợp này đều được sở hữu bởi Vincom Retail và phát triển trong các đại đô thị của Vinhomes.

Hai năm kể từ khi hai tổ hợp tại Royal City và Times City khai trương, Vincom Retail liên tục có những bước nhảy vọt về quy mô. Trong đó, kỷ lục mở mới thuộc về năm 2018 với 20 trung tâm thương mại được mở.

Đến năm 2022, đã có 83 trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom được xây dựng tại Việt Nam. Tổng diện tích sàn lên tới 1,75 triệu m2. Trong năm nay, Vincom Retail có kế hoạch khai trương 6 trung tâm bán lẻ mới. 

Giai đoạn 2024-2026, công ty đặt mục tiêu tổng diện tích mặt sàn đạt khoảng 3-3,7 triệu m2, chủ yếu đến từ đóng góp của Vincom Mega Mall.

 

Theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tổng số trung tâm thương mại của Vincom Retail đã vượt qua các công ty cùng ngành ở Đông Nam Á như SM Prime (76 ở Philippines), Central Pattana (34 ở Thái Lan và Malaysia), AEON (12 ở Việt Nam, Campuchia và Indonesia), Pakuwon Jati (10 ở Indonesia), Parkson (41 trung tâm ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia), và Lotte (65 ở Việt Nam và Indonesia).

Đây đều là các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, với sự hậu thuẫn của những tập đoàn lớn.

Lợi thế của Vincom Retail

Theo phân tích của chuyên gia VCSC: “Có nền tảng từ một chủ đầu tư bất động sản lớn là đặc điểm quan trọng đối với các công ty cho thuê bán lẻ”. Vì điều này đồng nghĩa với khả năng đảm bảo quỹ đất trong dài hạn - yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực của Vincom Retail.

Ngay khi dịch COVID-19 được khống chế, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vincom Retail cũng phục hồi theo hình chữ V từ mức đáy trong quý III/2021 về lại mức tỷ suất lợi nhuận gộp của thời điểm quý I/2021 (trước làn sóng thứ hai của COVID-19).

 

Năm ngoái, Vincom Retail ghi nhận 7.309 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.735 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ năm trước và đạt 114% kế hoạch cả năm.

Năm 2022, Vincom Retail là chủ đầu tư duy nhất mở mới ba trung tâm thương mại là Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Mỹ Tho, Vincom Plaza Trần Huỳnh, Bạc Liêu. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vincom Retail là 42.659 tỷ đồng, tăng so với quy mô 37.873 tỷ đồng thời điểm đấu năm.

 

Đức Huy