Quỹ đầu tư đang nắm 'quân át chủ bài' nào cho danh mục?
Tài chính, bất động sản, kim loại, công nghệ/công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục
Báo cáo hoạt động tháng 4 của DCDS ghi nhận hiệu suất âm 4,3% trong tháng 4, thấp hơn đà giảm 5,8% của VN-Index. Quỹ cho biết trong tháng qua, đa số các cổ phiếu mang tính chu kỳ như bất động sản (-11,1%), vật liệu (-7,2%) và chứng khoán (-7,1%) đã làm giảm hiệu quả hoạt động của quỹ, do ảnh hưởng từ thị trường.
Để giảm thiểu rủi ro cho danh mục, DCDS đã chủ động hạ tỷ trọng các ngành chứng khoán, bất động sản và sẽ xem xét gia tăng lại tỷ trọng các ngành này trong tuong lai, vì nhận định đây chỉ là nhịp điều chỉnh bình thường.
Ở chiều ngược lại, quỹ tập trung đầu tư vào ngành bán lẻ, công nghệ và vận tải. Nhóm cổ phiếu thuộc các ngành này đều đạt tăng trưởng vượt trội trong danh mục quỹ trong tháng 4, tiêu biểu là MWG (+7,7%), FPT (+5,7%), GMD (+5,5%) và FRT (+3,3%). Tính đến ngày 30/4/2024, DCDS có hiệu suất đầu tư 11% so với cuối năm trước, vượt mức 7% của VN-Index.
DCDS có quy mô giá trị tài sản ròng (NAV) 1.808 tỷ đồng tại cuối tháng 4. Danh mục vẫn tập trung tại 4 nhóm ngành ngân hàng 22,3%, bán lẻ 19,5%, công nghệ 11,6% và bất động sản 14%. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm gần 54% danh mục, gồm FPT, MWG, TCB, PNJ, GMD, FRT, CTG, HPG, STB, DGC.
Cũng thuộc Dragon Capital, DCDE với quy mô NAV 471 tỷ đồng tại cuối tháng 4, hiệu suất đầu tư lũy kế 4 tháng đạt 7,6%. Cơ cấu các ngành trong danh mục quỹ này khá tương đồng DCDS. Với chiến lược ưa thích cổ tức, DCDE đang sở hữu nhiều nhất tại các mã MWG, FPT, TCB, CTG, GMD, DGC, PNJ, VCB, HPG và FRT.
Thành viên có quy mô lớn nhất Dragon Capital là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), với giá trị tài sản ròng 1,9 tỷ USD tại cuối quý I (khoảng 47.600 tỷ đồng). Danh mục VEIL tại cuối tháng 3 tập trung vào ngân hàng 39,8%, bất động sản 17,7%, vật liệu 13,6%, bán lẻ 6,6%...
Hầu hết quỹ đầu tư chủ động có quy mô vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng đang dành sự ưu ái cho nhóm ngân hàng, tiếp theo là tiêu dùng – bán lẻ, công nghệ - công nghiệp, bất động sản.
Tại cuối tháng 4, VEOF (NAV 875 tỷ đồng) nắm giữ 27,7% nhóm ngành ngân hàng trong danh mục, kế đến là công nghiệp 19,4%, công nghệ 11%, vật liệu 11,1%... 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục VEOF tại cuối tháng 4 gồm FPT, VCB, MBB, CTG, ACB, MWG, HPG, GMD, IDC, PNJ.
Một đại diện khác từ VinaCapital là VESAF có NAV cuối tháng 4 đạt 1.882 tỷ đồng. Danh mục phân bổ chủ yếu vào công nghệ 15,9%, ngân hàng 14,7%, công nghiệp, 14,1%, tiêu dùng 22% (thiết yếu 7,9%; không thiết yếu 13,5%), vật liệu...
Về hiệu suất đầu tư, danh mục VEOF và VESAF ghi nhận tăng lần lượt 11,7% và 9,2% trong lũy kế 4 tháng đầu năm.
Báo cáo tháng 4 của Pyn Elite Fund ghi nhận hiệu suất sinh lời của quỹ giảm mạnh 8,2% trong tháng 4 do diễn biến kém sắc của cổ phiếu ngân hàng và tiền đồng suy yếu. Hiệu suất đầu tư tính từ đầu năm thu hẹp còn 5,84%, từ mức 15,34% trong quý I.
NAV của Pyn Elite tại cuối tháng 4 là 425 triệu Euro (khoảng 11.500 tỷ đồng). Quỹ Phần Lan phân bổ chủ yếu vào 5 mã ngân hàng STB, HDB, CTG, MBB, TPB (tổng cộng gần 40%), ACV 7,9%, DNSE 5,4%, SHS 3,6%, VHC 3,5% và FPT 3,4%.
Báo cáo tháng 4 của Lumen Vietnam Fund nêu việc khi nhận ra một số rủi ro ngắn hạn và các dấu hiệu quá nóng ở một số cổ phiếu nhất định, quỹ đã chủ động tăng tiền mặt kể từ cuối tháng 2. Tận dụng sự điều chỉnh của thị trường vào tháng 4, nhà quản lý quỹ đã tiến hành cơ cấu lại một phần danh mục đầu tư của mình bằng cách tiếp tục bán những cổ phiếu được định giá quá cao, theo quan điểm của LVF, và bắt đầu mua những cổ phiếu có chất lượng chọn lọc ở mức giá thuận lợi hơn.
Tại cuối tháng 4, Lumen Vietnam Fund có NAV 303,71 triệu USD (khoảng 7.600 tỷ đồng). Tỷ lệ tiền mặt đạt 16,77%, thấp hơn so với 18,3% của cuối tháng 3.
10 khoản đầu tư lớn nhất đang chiếm 45,43% danh mục Lumen Vietnam Fund, gồm: FPT, VNM, MWG, MSN, PLX, STB, CTG, HPG, VRE, BVH. Như vậy, HPG đã gia nhập top 10 với tỷ trọng 3,64%, thay thế KBC tại cuối tháng trước.
Dù đã chủ động hạn chế rủi ro, quỹ Lumen Vietnam vẫn ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 6,57% trong tháng 4, từ đó thu hẹp hiệu suất từ đầu năm còn dương 2,17%, đứt chuỗi tăng trưởng hiệu suất 5 tháng liên tiếp.
Chiến lược đầu tư nêu trên sẽ được Lumen tiếp tục duy trì trong những tháng tới với những điều chỉnh linh hoạt dựa trên điều kiện thị trường. Trong giai đoạn này, quỹ ngoại cho biết sẽ ưu tiên cổ phiếu thuộc các ngành mà hiệu quả kinh doanh dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới.
Hướng đến sự linh động trong cơ cấu danh mục
Khác nhiều năm trước đây, các quỹ đầu tư (không xét các ETF) dường như đã "quen" với những biến động lên xuống của TTCK, từ đó chú trọng hơn việc linh hoạt cơ cấu danh mục, thay vì chiến lược "mua và giữ".
Với những quỹ có quy mô càng lớn, việc cơ cấu danh mục không hề đơn giản, khi cần yếu tố thanh khoản cổ phiếu phù hợp để mua hay bán. Ngược lại, các quỹ quy mô nhỏ lại có ưu thế linh động trong giao dịch.
Đơn cử, The Ballad Fund thuộc SGI Capital đang có NAV hơn 87 tỷ đồng tại cuối quý I. Sau 4 tháng đầu năm, quỹ đẩy tỷ trọng tiền mặt lên đến 70,9% danh mục. Nằm trong danh mục chỉ còn 9 mã gồm TLG, QTP, FMC, VNM, VTO, DHG, BWE, SGN và PNJ.
The Ballad Fund đang đạt hiệu suất 13,03% sau 4 tháng, cao hơn đa phần các quỹ. Quan điểm của SGI Capital, trong trường hợp thuận lợi, tỷ giá và lãi suất ổn định trở lại sẽ là điều kiện cần cho sự phục hồi của kinh tế và sự phân hoá tích cực trong lòng thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, kỳ vọng tăng trưởng cũng đã được phản ánh vào định giá nhiều doanh nghiệp khiến việc tìm kiếm cơ hội hấp dẫn đang trở nên khó khăn hơn.
Nhìn chung, SGI Capital cho rằng môi trường đầu tư đã kém thuận lợi hơn so với thời điểm 10/2023 sẽ đòi hỏi kỷ luật và sự kiên nhẫn trong việc chọn lựa cơ hội cũng như thời điểm giải ngân để có hiệu quả tốt.
Báo cáo tháng 4 của quỹ VESAF cho biết các con số lợi nhuận doanh nghiệp công bố trong quý I và những kỳ vọng về lợi nhuận của cả năm đã và đang ảnh hưởng nhiều nhất đến biến động giá cổ phiếu tháng 4, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao sự phục hồi không đồng đều của các ngành trong giai đoạn đầu của sự hồi phục.
Khi xây dựng danh mục, VESAF không chỉ xem xét đến những yếu tố lợi nhuận ngắn hạn, mà còn kết hợp những dự báo dài hạn hơn về khả năng duy trì tăng trưởng trong các năm sau, cùng với định giá và khả năng cổ phiếu được định giá lại.
Danh mục VESAF đang tập trung nhiều hơn vào một số công ty được hưởng lợi từ các chủ đề đầu tư chính năm nay là sự hồi phục xuất khẩu (chiếm tỷ trọng 29% của danh mục vào cuối tháng 4/2024) và phục hồi tiêu dùng trong nước (tỷ trọng 13%), ngoài những công ty nằm trong chủ đề đầu tư từ các năm trước và vẫn tích cực trong năm nay: đầu tư hạ tầng (10%) và công nghệ (16%).
Cùng với đó, những công ty nhạy cảm với lãi suất như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản cũng chiếm tỷ trọng 24%. Mức lãi suất hiện tại dù được cho là đã chạm đáy và sẽ tăng nhẹ (dưới áp lực biến động tỷ giá), những vẫn là một mức lãi suất thấp và hỗ trợ cho sự hồi phục kinh tế.
Thuộc Dragon Capital, nhà quản lý quỹ DCDS cho biết trong thời gian tới, những biến động về tỷ giá và động thái tiếp theo của Fed có thể tạo áp lực tích luỹ dài hơn cho thị trường chứng khoán. Nhà quản lý quỹ sẽ bám sát thị trường và điều chỉnh danh mục đầu tư một cách linh hoạt để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Những biến động ngắn hạn sẽ là cơ hội để DCDS cơ cấu danh mục, tập trung vào các cổ phiếu có định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng tốt trong các năm tới. Cụ thể đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ (với lợi nhuận phục hồi trong năm 2024 - 2025), thép (tăng trưởng ổn định trong quý I)...
Đối với DCDE, trong thời gian tới, quỹ sẽ thực hiện việc chia cổ tức. Đồng thời, DCDE vẫn tiếp tục tìm kiếm các cổ phiếu có yếu tố tăng trưởng tốt và chi trả cổ tức bằng tiền mặt để gia tăng đầu tư.