|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp cao su tiếp đà tăng trưởng quý I, tầm nhìn cả năm vẫn thận trọng

11:13 | 11/05/2021
Chia sẻ
Nhu cầu cao su thế giới phục hồi đã kéo giá xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2017, đồng thời thúc đẩy kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng.

Kim ngạch xuất khẩu cao su quý I/2021 đạt đỉnh thập kỷ

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý I/2021 đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua với khối lượng lên tới 406.000 tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng mạnh 77% về lượng và tăng 102% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Cao su - Ảnh 1.

Nguồn: Ngọc Bảo tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, cao su là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong bảng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2021.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cao su tăng do yếu tố mùa vụ cùng với việc Trung Quốc tăng thu mua để phục vụ ngành công nghiệp ô tô ở nước này tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Đồng thời nhu cầu găng tay cao su vẫn duy trì đang đẩy giá cao su tăng lên.

Nhu cầu cao su thế giới phục hồi đã kéo theo giá xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2017, đạt bình quân 1.752 USD/tấn trong tháng 3/2021, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này đánh dấu tháng tăng giá xuất khẩu thứ 9 liên tiếp của mặt hàng cao su.

Một quý thăng hoa của doanh nghiệp cao su

Việc giá xuất khẩu bình quân cao su thăng hoa đã giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao cao su trở nên tích cực.

Đặt kế hoạch thận trọng, ngành cao su vẫn thăng hoa trong quý đầu tiên  - Ảnh 3.

Đồ họa: Alex Chu.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), tổng doanh thu tăng 77% so với cùng kỳ năm trước lên 4.850 tỷ đồng, phần lớn nhờ sản xuất và kinh doanh mủ cao su. 

Lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn gấp 3,6 lần cùng kỳ, đạt 1.216 tỷ đồng và giúp GVR  thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 818 tỷ đồng. 

Theo giải trình, nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng cao, đồng thời, sản lượng tiêu thụ và giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng đã nâng lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đại đa số các đơn vị thành viên cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Song trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu GVR đã đánh mất đà tăng trưởng nửa cuối năm 2020 sau khi đạt đỉnh 34.000 đồng/cp vào đầu tháng 1/2021. Chốt phiên ngày 10/5, giá GVR tạm dừng ở mốc 24.650 đồng/cp, giảm 17% so với đầu năm.

Tương tự, CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), doanh nghiệp niêm yết lớn thứ hai về quy mô trong ngành đã báo lãi tăng trưởng đến 89% so với quý I/2020. Doanh thu thuần đạt 201 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp cho biết, sản lượng tiêu thụ trong quý đã đạt 1.672 tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1.319 tấn. Giá bán bình quân cũng cao hơn 25% khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty tăng trưởng.

Với trường hợp của CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR), doanh thu thuần cũng tăng trưởng so với cùng kỳ, ghi nhận 280 tỷ đồng. 

Song, do hụt tiền đền bù đất (năm ngoái ghi nhận 156 tỷ đồng thu tiền bồi thường thực hiện dự án) nên lợi nhuận giảm mạnh còn 88 tỷ đồng. Điều này đã khiến doanh nghiệp mới thực hiện được 13% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm.

Tuy nhiên, theo dự báo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), khu công nghiệp VSIP III đã nhận được phê duyệt quan trọng vào đầu tháng 2/2021 và dự đoán Cao su Phước Hòa sẽ nhận được khoản đền bù 898 tỷ đồng thu nhập bồi thường từ việc chuyển đổi đất sang KCN VSIP III trong năm 2021.

Đặt kế hoạch thận trọng, ngành cao su vẫn thăng hoa trong quý đầu tiên  - Ảnh 4.

Dự đoán Cao su Phước Hòa sẽ nhận được khoản đền bù 898 tỷ đồng thu nhập bồi thường từ việc chuyển đổi đất sang KCN VSIP III trong năm 2021. (Ảnh minh họa: Khu công nghiệp VSSIP I Bình Dương, Becamex).

Trường hợp của CTCP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) từ trạng thái lỗ hơn 10 tỷ đồng quý I/2020 đã chuyển sang lãi gần 37 tỷ đồng sau thuế ngay sau quý I/2021. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể từ 16% lên 29%.

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp trong ngành như CTCP Cao su Thống Nhất (Mã: TRC) có lợi nhuận đi lùi (giảm 72%) song không phải sự sụt giảm từ hoạt động kinh doanh chính. 

Nguyên nhân do quý I năm ngoái, công ty đã nhận hơn 22 tỷ đồng cổ tức từ CTCP Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa.

Đặt kế hoạch kinh doanh 2021 thận trọng

Dù kết quả kinh doanh quý I ấn tượng, nhưng nhìn chung cho cả năm 2021, các doanh nghiệp ngành cao su vẫn đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Trong báo cáo gửi Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết công ty gặp thuận lợi là giá bán mủ cao su các tháng đầu năm khá cao. 

Tuy nhiên, nhìn chung cả năm, lãnh đạo Phước Hòa cho rằng đây tiếp tục là một năm khó khăn, từ năm 2021 trở đi các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư cơ bản, tình hình xuất khẩu hạn chế khi thị trường xuất khẩu lớn nhất – Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại do đã mua mạnh trong quý cuối năm.

Đồng thời theo Chứng khoán FPT, ngành cao su tự nhiên Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều trắc trở trong mảng kinh doanh chính là kinh doanh mủ cao su. 

Các doanh nghiệp trong ngành sẽ có sự phân hóa, hồi phục theo mô hình chữ K. Một số doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất.

Minh Hằng