|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tân Hoàng Minh dưới bàn tay của Chủ tịch Đỗ Anh Dũng: Từ taxi V20, mây tre đan xuất khẩu đến bất động sản đắt tiền

19:59 | 05/04/2022
Chia sẻ
Danh tiếng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gắn liền với những dự án bất động sản đắt tiền, tọa lạc tại các vị trí trung tâm Hà Nội và TP HCM.

 Dự án D'. Palais De Louis của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. (Ảnh: Nhật Minh).

Giữa năm 1993, ông Đỗ Anh Dũng thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Thời gian đầu Tân Hoàng Minh hoạt động ở nhiều lĩnh vực từ kinh doanh vận tải hành khách công cộng, đến sản xuất và xuất khẩu mây tre đan,…

Hãng Taxi V20 của Tân Hoàng Minh đi vào hoạt động từ năm 1995 và nhanh chóng được thị trường đón nhận vào những năm 2000 khi chiếm 20-25% thị phần vận tải hành khách công cộng tại ba thành phố lớn gồm TP HCM, Hà Nội, Nha Trang.

Năm 1998, ông Dũng thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu Ratex, được xuất khẩu sang thị trường châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý,… và mang lại nguồn lợi nhuận từ 35 triệu USD mỗi năm cho tập đoàn.

Chủ tịch Đỗ Anh Dũng bắt đầu hướng Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát triển bất động sản  (BĐS) từ năm 2006 với tham vọng làm nên những “kiệt tác vượt thời gian” chứ không chỉ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Từ bỏ hãng taxi để theo đuổi bất động sản

Từng đền bù 1 tỷ đồng/m2 tại khu đất trung tâm phố cổ

Bắt đầu ở lĩnh vực BĐS, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã theo đuổi chiến lược khá gian nan là tìm kiếm những khu đất đủ lớn ở trung tâm TP Hà Nội để phát triển BĐS cao cấp.

Bởi lẽ, những khu đất này rất hiếm, tốn nhiều tiền bạc và công sức cho việc giải tỏa nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ dũng cảm để nhảy vào.

Song, Tập đoàn Tân Hoàng Minh luôn bày tỏ mong muốn xây dựng những tòa nhà cao tầng rực sáng ánh đèn ngay giữa lòng thủ đô, góp phần thay đổi diện mạo khu vực trung tâm Hà Nội.

Khu đất hai mặt tiền 22-24 phố Hàng Bài và 25-27 phố Hai Bà Trưng là dự án đầu tay của tập đoàn, dự kiến xây dựng Công trình hỗn hợp trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở bán (tên thương mại là D’ San Raffles).

Theo chia sẻ của Chủ tịch Tân Hoàng Minh với báo chí vào giữa năm 2020, trong hơn 4.000 m2 tại khu đất này, doanh nghiệp phải mất 4 năm để đền bù giải tỏa 300 m2 là đất của các hộ dân với giá 1 tỷ đồng/m2  - mức giá đền bù cao nhất ở thủ đô vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, sau hàng chục năm, dự án vẫn chưa thể triển khai như mong đợi ban đầu. “Chúng tôi mất 14 năm cho việc giải phóng mặt bằng và hoàn thiện pháp lý, tính từ năm 2006”, ông Dũng nói.

Dự án này cuối cùng được chuyển nhượng lại cho hai người bạn  của ông Đỗ Anh Dũng “với một cái giá không hề có lợi nhuận”, theo chia sẻ của ông.

Ra mắt loạt dự án hạng sang

Song song với việc triển khai dự án ở trung tâm phố cổ Hà Nội, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lần lượt giới thiệu ra thị trường nhiều dự án hạng sang khác: D’.Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên; D’ Le Pont D’or - Hoàng Cầu; D’.Le Roi Soleil - Quảng An; D’.El Dorado - Phú Thượng; D'.El Dorado - Phú Thanh; D'Capitale - Trần Duy Hưng;…

D’. Le Pont D’or từng được chào bán với giá 40 - 45 triệu đồng/m2. Căn hộ rộng nhất tại dự án này có giá 400 m2, tương đương 15 - 16 tỷ đồng/căn. (Ảnh: Nhật Minh). 

Theo thống kê của Savills, Tân Hoàng Minh là một trong ba doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Hà Nội cả về số lượng hàng bán và doanh số trong năm 2017.

Một số dự án kể trên như D’. El Dorado - Phú Thượng; D’. El Dorado - Phú Thanh; Vinhomes D’. Capitale Trần Duy Hưng;… đã được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng từ năm 2019.

Riêng tại dự án D'. Palais Louis - Nguyễn Văn Huyên, chủ đầu tư đã phải trả lại toàn bộ cho tiền đặt cọc cho khách hàng do liên tục chậm tiến độ. Dự án này từng được rao bán với giá trên 145 triệu đồng/m2, tương đương 13 - 27 tỷ đồng/căn.

Hai lần lập kỷ lục đấu giá đất ở TP HCM

Năm 2016, Tân Hoàng Minh lập kỷ lục trúng đấu giá lô đất tại số 23 Lê Duẩn  (quận 1, TP HCM) với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá trúng cao nhất trong vòng 7 năm tính tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh đã đề nghị huỷ kết quả sau đó vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá. Tháng 6 cùng năm, doanh nghiệp lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Đến năm 2017, Tân Hoàng Minh phải nộp gần 264 tỷ đồng tiền phạt do chậm nộp tiền trúng đấu giá.

Đầu tháng 12 năm ngoái, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh - tiếp tục lập kỷ lục đấu giá đất Thủ Thiêm.

Cụ thể, Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất mang ký hiệu 3-12 (diện tích 10.060 m2) với giá trúng 24.500 tỷ đồng (tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2), gấp 8,3 lần giá khởi điểm.

Song, phía Tân Hoàng Minh cũng có văn bản xin đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản tại lô đất trúng đấu giá đối với lô đất này.

Bước chân vào sân chơi nghỉ dưỡng và nhà ở thu nhập thấp

Sau giai đoạn phát triển dự án cao cấp tại Hà Nội, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bắt đầu tham gia phát triển khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ,... từ đầu năm ngoái như dự án nghỉ dưỡng ở Bãi Trường, Phú Quốc .

Nhóm doanh nghiệp cũng bắt đầu tìm hiểu đầu tư dự án cảng biển, BĐS nông nghiệp công nghệ cao như: Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên; Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội; Khu đô thị - du lịch - phim trường khoảng 2.000 ha  tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.

Gần đây nhất, Tân Hoàng Minh tham gia tái khởi động các dự án tại Thủ đô như Nam Đại Cồ Việt  (Hai Bà Trưng), đất vàng 161 Yên Phụ (Tây Hồ, TP Hà Nội), khu đô thị Việt Hưng (Long Biên).

Từ năm 2022, song song với việc phát triển những căn hộ cao cấp, Tân Hoàng Minh sẽ thực hiện xây dựng nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp , mục tiêu cung cấp ra thị trường hàng triệu m2 sàn nhà ở xã hội mỗi năm, với giá thành rẻ hơn 40-60% so với giá xây dựng thông thường.

Quy mô tài sản vượt nhiều doanh nghiệp niêm yết cùng ngành, mục tiêu doanh thu tỷ USD

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của nhóm Tân Hoàng Minh trên 30.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều doanh nghiệp BĐS niêm yết như Kinh Bắc, Đất Xanh, Phát Đạt, Hà Đô, Khang Điền, Nam Long,...

Trong đó, công ty mẹ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có tài sản trên 13.932 tỷ đồng. Các công ty thành viên phát triển dự án đều có tài sản hàng nghìn tỷ đồng như Ngôi Sao Việt (7.013 tỷ đồng), Soleil (5.897 tỷ đồng), Phú Thanh (2.465 tỷ đồng), Cung Điện Mùa Đông (1.182 tỷ đồng).

Trong năm 2019, ngoại trừ Soleil và Cung Điện Mùa Đông lần lượt lãi sau thuế gần 72 tỷ đồng và 77 tỷ đồng, các thành viên còn lại của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều lỗ, đơn cử như Ngôi Sao Việt dù doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Lễ tổng kết của Tân Hoàng Minh diễn ra vào cuối năm 2020, ông Đỗ Anh Dũng cho biết Tân Hoàng Minh hiện có khoảng 850 nhân sự.

Theo ông Dũng, năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế, đa số các tập đoàn và các công ty lớn đều gặp khó khăn. Song, đây cũng là một năm thành công của doanh nghiệp trong việc phát triển quỹ đất. Dự án của tập đoàn ở các tỉnh đều rất thuận lợi. Tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh từng được giao hai dự án lớn gồm Xuân Mai Smart City và khu Outlet.

Ngoài ra, Tân Hoàng Minh đã trả 11.900 tỷ đồng tiền nợ, trả hơn 2.000 tỷ đồng tiền lãi vay và vay mới hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2020. Trong năm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có đợt tăng vốn điều lệ từ 2.680 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng.  

 Cơ cấu cổ đông Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trong các bản tin về trái phiếu, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông tin doanh thu mỗi năm đạt 500 triệu USD và mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2023. Tổng tài sản tập đoàn dao động 4-5 tỷ USD.

Ngoài hơn 30 dự án đã và đang phát triển, Tân Hoàng Minh đang triển khai các dự án tại các tỉnh thành với quy mô từ vài trăm đến vài nghìn ha theo mô hình thành phố thông minh (smart city); xây dựng chuỗi văn phòng - khách sạn, trong đó lĩnh vực văn phòng sẽ xây dựng 500.000m2 - 1.000.000 m2.

Ngoài ra, tập đoàn do ông Đỗ Anh Dũng làm Chủ tịch dã xây dựng xong nhà máy nội thất có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD và đang xây dựng chuỗi nhà máy bê tông tại Hà Nội, TP HCM có giá trị 70 triệu - 100 triệu USD.

Nguyên Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.