Những khoản thế chấp liên quan đến dự án Nam Đại Cồ Việt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Dự án phía Nam đường Đại Cồ Việt nằm ở góc đường Đại Cồ Việt - Trần Đại Nghĩa - Tạ Quang Bửu, được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào ngày 1/4/2002 và sau đó giao cho CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà (thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội - Handico) làm chủ đầu tư.
Theo quy hoạch ban đầu, dự án có tổng diện tích 60.800 m2 và được chia làm 11 lô. Trong đó, lô II, III, IV có diện tích 8.542 m2 là dải đất nằm sát mặt đường Đại Cồ Việt. Trên dải đất này được quy hoạch xây dựng 7 tòa nhà cao 11 - 24 tầng với tổng diện tích sàn 29.000 m2, cùng các công trình công cộng, văn phòng làm việc của các cơ quan và các khu dịch vụ dân sinh.
Tuy nhiên sau hàng chục năm, dự án chậm tiến do nhiều nguyên nhân: Từng thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra; chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô công trình; dự án nằm trong diện công trình nhà ở cao tầng thuộc khu vực nội thành cần rà soát; chủ đầu tư thiếu phối hợp các cơ quan chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện các thủ tục xây dựng,... Các cử tri từng đề nghị TP Hà Nội làm rõ nguyên nhân chậm trễ và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Sự xuất hiện của Tân Hoàng Minh tại dự án Nam Đại Cồ Việt
Năm 2016, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chính thức tham gia phát triển dự án Nam Đại Cồ Việt, thông qua việc cùng CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà góp 340 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt (mỗi bên sở hữu 50%).
Hai bên sau đó đã tiến hành chuyển đổi pháp nhân chủ đầu tư dự án từ CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà sang Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt. Đồng thời, dự án tiếp tục được điều tổng mức đầu tư từ 390 tỷ đồng lên hơn 1.073 tỷ đồng vào năm 2017.
Với sự xuất hiện của Tân Hoàng Minh, dự án được kỳ vọng sớm có diện mạo mới. Tân Hoàng Minh và CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) chính thức ký hợp đồng nguyên tắc tổng thầu thiết kế và thi công cho dự án Nam Đại Cồ Việt vào năm 2018.
Dự án có quy mô 22.899 m2, được xây dựng với 4 tòa nhà cao tầng (với gần 1.000 căn hộ), trong đó có 2 tòa chung cư cao lần lượt 15 tầng và 24 tầng, 2 tòa nhà hỗn hợp cao 25 tầng. Theo dự kiến, dự án có tên thương mại là D'.Jardin Royal - Nam Đại Cồ Việt, sẽ khởi công trong năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025.
Năm 2019, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tăng tỷ lệ sở hữu tại Nam Đại Cồ Việt lên 99,74% (tương đương hơn 656 tỷ đồng), đồng nghĩa với việc toàn quyền phát triển dự án.
Ngoài ra, Tân Hoàng Minh còn là chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe tại dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, bao gồm 1 tầng nổi và 3 tầng hầm (mỗi tầng rộng 5.673m2), có thể cung cấp hơn 1.000 chỗ đỗ xe.
Tương tự như tại nhiều dự án trước đây, Tân Hoàng Minh lại khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án bãi đỗ xe. Vào năm ngoái, Tân Hoàng Minh thông tin nhiều năm qua, phía doanh nghiệp đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng TP Hà Nội chuẩn bị phương án di dời, bao gồm cả khu nhà tái định cư. Tuy nhiên, công tác GPMB vẫn chưa hoàn tất bởi nhiều hộ dân yêu cầu được tái định cư tại chỗ và hỗ trợ tiền mua thêm nhà tái định cư.
Bài toán GPMB chưa được giải quyết khiến cho Tân Hoàng Minh không thể triển khai dự án và nhiều lần phải xin gia hạn chủ trương đầu tư. Ngày 11/10/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt chấp thuận điều chỉnh gia hạn chủ trương đầu tư cho dự án bãi đỗ xe tĩnh dọc phía Nam đường Đại Cồ Việt.
Cuối tháng 12 năm ngoái, chủ đầu tư đã chính thức bàn giao tòa nhà tái định cư 4A (số 8 Tạ Quang Bửu) cho các hộ dân. Tính đến nay, dự án đã hoàn thành 2 toà tái định cư tại chỗ gồm 8C và 4A (số 8 Tạ Quang Bửu).
Những khoản thế chấp liên quan đến dự án Nam Đại Cồ Việt
Trong quá trình triển khai dự án Nam Đại Cồ Việt, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt (chủ đầu tư) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với hai pháp nhân liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh, gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) và CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến (do ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng hai người con sở hữu 100% vốn góp).
Cụ thể, tháng 9/2018, Nam Đại Cồ Việt ký hợp đồng hợp tác với Việt Tiến. Hai tháng sau đó (tức tháng 11/2018), Việt Tiến đã thế chấp quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng này tại Ngân Hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), chi nhánh Hàng Trống.
Cùng thời gian này, Nam Đại Cồ Việt cũng thế chấp quyền được hưởng, quản lý và khai thác tất cả các nguồn thu, lợi nhuận, tiền bảo hiểm, quyền đòi nợ, khoản tiền bồi thường, tiền phạt vi phạm, tiền đền bù và các khoản thanh toán khác liên quan đến dự án Nam Đại Cồ Việt tại SHB, chi nhánh Hàng Trống.
Dự án Đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt nằm ở góc đường Đại Cồ Việt - Trần Đại Nghĩa - Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). (Ảnh: Hoàng Huy).
Trong hai tháng 8-9/2021, Ngôi Sao Việt ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Nam Đại Cồ Việt và huy động 1.900 tỷ đồng từ trái phiếu để góp vốn cho hợp đồng đặt cọc. Phần vốn góp tương ứng tỷ lệ 47% tổng mức đầu tư và Ngôi Sao Việt sẽ tham gia xây dựng công trình 2 tòa chức năng văn phòng hỗn hợp tại lô I-A và lô II-III.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tân Hoàng Minh dưới bàn tay của Chủ tịch Đỗ Anh Dũng: Từ taxi V20, mây tre đan xuất khẩu đến bất động sản đắt tiền 05/04/2022 - 19:59
-
Hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh đổ vào những dự án nào? 04/04/2022 - 19:51
Lô trái phiếu của Ngôi Sao Việt được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp tại dự án Nam Đại Cồ Việt và quyền sở hữu 12,5% vốn tại doanh nghiệp (tương đương 200 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Tây Thăng Long đại diện quản lý và nhận thế chấp.
Đầu năm 2021, CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà từng thông tin, doanh nghiệp đã yêu cầu Tân Hoàng Minh chuyển tiền vốn góp để thanh toán cho các nhà thầu và thanh lý hợp đồng hợp tác tại dự án, tuy nhiên "đối tác Tân Hoàng Minh vẫn cố tình không thanh toán". Do vậy, nhiều khả năng Ngôi Sao Việt huy động hàng nghìn tỷ để hoàn tất các nghĩa vụ này.
Ngoài ra, toàn bộ phần vốn góp tại Việt Tiến cũng đang được thế chấp ở SHB. Nhiều khả năng đây là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu khác có giá trị 800 tỷ đồng do Ngôi Sao Việt phát hành hồi đầu tháng 7/2021.
Theo chứng thư thẩm định giá do Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội thực hiện tại 31/3/2021, phần vốn góp tại Việt Tiến được định giá hơn 1.640 tỷ đồng, tương đương khoảng 273.000 đồng/cp (vốn điều lệ của Việt Tiến tại thời điểm này là 600 tỷ đồng).