Chủ tịch Fecon: Các doanh nghiệp xây dựng có được lợi nhuận hay không còn phụ thuộc vào chi phí lãi vay, áp lực vô cùng lớn
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 27/4 của CTCP Fecon (Mã: FCN), lãnh đạo Fecon nhận định năm nay, ngành xây dựng dự báo tăng trưởng trở lại và sẽ giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại, tuy nhiên những khó khăn và thách thức năm 2022 đến thời điểm hiện tại vẫn đang tiếp tục có tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và Fecon cũng không nằm ngoài các khó khăn đó.
Năm 2023, Fecon lên kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 110 tỷ đồng; tăng lần lượt 25% và 175% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu doanh thu năm nay, doanh nghiệp dự kiến mảng nền móng và xây dựng sẽ đem về 2.800 tỷ, còn lại 1.000 tỷ đến từ mảng hạ tầng và công trình ngầm. Còn hoạt động thi công dự kiến đóng góp 65 tỷ vào lợi nhuận sau thuế còn 60 tỷ từ hoạt động đầu tư.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Fecon dự kiến không trích quỹ đầu tư phát triển, trích quỹ khen thưởng và phúc lợi không quá 15% lợi nhuận sau thuế công ty mẹ. Mức cổ tức tối đa 5% bằng tiền.
Với phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Fecon đề xuất trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 5% (500 đồng/cp), tương ứng với số tiền dự chi gần 79 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua điều chỉnh giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với 16 triệu cổ phiếu FCN đã bán trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2021 thuộc sở hữu của nhà đầu tư Quỹ Đầu tư hạ tầng Red One từ hai năm xuống còn 17 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tức, hạn chế chuyển nhượng từ ngày 26/11/2021 đến hết ngày 25/4/2023.
Trước lo ngại về vấn đề Red One rút sớm khỏi Fecon, Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa chia sẻ Red One hỗ trợ tương đối tốt cho công ty thời gian 17 tháng qua. Red One thuộc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Đỏ (Red Capital), đã cử người vào HĐQT, giúp HĐQT có cái nhìn khách quan về tài chính, cấu trúc đầu tư. Đồng thời, Red One tham gia vào để triển khai hệ thống quản trị OGSM và thực hiện "Business Review" hàng tháng.
"Red One cũng đã cam kết hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư lớn để Fecon có thể có thêm các công việc thực hiện. Họ có quan hệ rất tốt với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng không có ảnh hưởng gì lớn", người đứng đầu Fecon chia sẻ.
Thảo luận:
Cuối năm 2022, Fecon có khoản phải thu hơn 400 tỷ đồng với ba cá nhân. Lãnh đạo có thể chia sẻ thông tin chi tiết về các khoản phải thu này?
Bà Nguyễn Thị Nghiên - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính: Theo phương án về kế hoạch kinh doanh thì đây là các khoản tại doanh nghiệp đầu tư là Fecon Invest.
Trong giai đoạn phát triển dự án, công ty sẽ hợp tác với các cá nhân nằm trong thành viên HĐQT của Fecon Invest để các cá nhân đứng ra phát triển dự án, thu thập cổ phần tại các doanh nghiệp có dự án. Khi đạt được tỷ lệ mục tiêu chi phối theo phương án kinh doanh, sau đó sẽ chuyển lại theo phương án đã duyệt.
Giải trình về khoản phải thu từ ông Lê Anh Tùng 76 tỷ, có thể kéo dài tới tận 28/10/2025 và mối quan hệ giữa Fecon và ông Tùng là gì? Khả năng thu hồi các khoản trên?
Bà Nguyễn Thị Nghiên - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính: Đây là khoản cho vay cá nhân tại CTCP Năng lượng Fecon (Fecon Power). Tại dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, Fecon nắm giữ 51% và ông Lê Anh Tùng sở hữu 49%. Đây là cổ đông ban đầu phát triển lên dự án điện gió này.
Sau đó, Fecon Power sẽ mua lại 49% cổ phần của ông Lê Anh Tùng. Fecon đã có thoả thuận, cam kết cấp một khoản cho vay 76 tỷ cho ông Tùng trước khi ông chuyển nhượng dự án.
Sau khi hoàn thành phát triển dự án, Fecon dự kiến sẽ chuyển nhượng toàn bộ 100% (bao gồm 49% của ông Tùng và 51% của Fecon) thì ông Tùng sẽ phải ưu tiên trả nợ cho Fecon 76 tỷ.
Fecon đã tìm được đối tác và dự kiến hợp đồng chuyển nhượng ở Quốc Vinh Sóc Trăng sẽ hoàn thành trong quý III và khoản vay của ông Tùng sẽ hoàn trả lại cho Fecon.
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT: Các khoản phải thu liên quan tới uỷ thác hay cho vay như đề cập ở trên đều có sự đảm bảo về sụ thu hồi. Bản chất là Fecon để cho một số cá nhân đứng thay, không liên quan tới quyền lợi cá nhân. Đây hoàn toàn là tài sản của công ty.
Kết quả kinh doanh quý I của công ty và tổng giá trị hợp đồng ký mới là bao nhiêu? Giá trị hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2022 sang là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc: Sơ bộ quý I, giá trị hợp đồng mới khoảng 700 tỷ đồng. Doanh thu ước đạt 609 tỷ, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế khoảng 3 tỷ đồng.
Giá trị hợp đồng backlog từ năm 2022 chuyển sang 2023 khoảng 2.500 tỷ trên toàn hệ thống của công ty. Dự kiến có doanh thu trong số này khoảng 1.800 tỷ.
Mục tiêu giá trị hợp đồng ký mới trong năm nay khoảng 6.500 tỷ đồng. Các dự án Fecon tập trung trong năm 2023, chủ yếu ở trong lĩnh vực công nghiệp như thuỷ điện, nhiệt điện, dự án cảng biển. Các dự án nổi bật như Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 (ký cuối năm 2022 với giá trị xấp xỉ 400 tỷ và trong quý I ký thêm được 300 tỷ và kỳ vọng ký thêm các gói thầu tiếp theo).
Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công thì Fecon có được hưởng lợi gì?
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT: Đẩy mạnh đầu tư công đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào các dự án cao tốc, tuy nhiên Fecon chưa thực sự tham gia. Bản thân Fecon nhìn thấy một số rủi ro khi tham gia các dự án này và chúng tôi phải xem xét kỹ.
Fecon đã từng tham gia tính toán chi phí cho đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 ở cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 nhưng công ty đã không tham gia vì không đủ chi phí.
Gần đây, Fecon đã khảo sát rất chi tiết cho đoạn Cần Thơ - Cà Mau nhưng gặp nhiều thách thức dù có nhiều công việc sở trường của Fecon như xử lý nền yếu bằng các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên lại áp dụng định mức đơn giá của giai đoạn trước nên không đủ chi phí.
Vì yêu cầu tiến độ thực hiện quá gấp, các bên nhà thầu liên doanh bao gồm cả Fecon cũng không thể cam kết được nên quyết định không tham gia dự án cao tốc.
Hiện Fecon có tham gia một phần trong dự án sân bay Long Thành vì giá tương đối tốt.
Ngoài ra, Fecon đang tiếp cận với các địa phương để triển khai dự án như Hà Nội và TP HCM cùng các tỉnh lân cận hai thành phố này. Kỳ vọng khi các nhà thầu khác đã “no” việc ở các dự án cao tốc sẽ giúp giảm cạnh tranh cho Fecon ở các dự án địa phương.
Với xu thế đầu tư công, Fecon đã thận trọng sàng lọc, tham gia vào các dự án chắc chắn về lợi nhuận và dòng tiền chứ không tham gia theo trào lưu.
Tình hình triển khai các dự án bất động sản? Bao giờ ghi nhận được doanh thu và lợi nhuận từ các dự án?
Đại diện Fecon Invest: Hiện Fecon đang có hai dự án bất động sản là ở Phổ Yên và cụm công nghiệp ở Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.
Dự án Square City đang làm các thủ tục pháp lý liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thiết kế, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành các thủ tục đó và khởi công xây dựng.
Đối với Cụm Khu công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang dự kiến đầu năm 2024 khởi công.
Theo quy định của pháp luật, dự án chỉ được ghi nhận doanh thu khi đã đủ điều kiện mở bán. Dự kiến doanh thu các dự án sẽ được ghi nhận trong năm 2024.
Khu đô thị Nam Thái được có tên thương mại là Square City, được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 14/4/2022. Đến 30/12/2022, Fecon Phổ Yên (thuộc Fecon) đã được chấp thuận là chủ đầu tư của dự án.
KĐT Nam Thái có diện tích gần 24,7 ha, quy mô dân số 9.320 người và chia làm 2 khu.
Tổng mức đầu tư của KĐT Nam Thái là 2.250 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 153 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng nhà ở và chung cư là 1.691 tỷ đồng... Trong cơ cấu nguồn vốn, vốn góp của chủ đầu tư là 338 tỷ đồng, tương đương 15% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn vay.
Còn với Cụm Khu công nghiệp Danh Thắng có diện tích 75 ha do CTCP Fecon Hiệp Hòa (thuộc Fecon) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tổng mức đầu tư dự án là 954 tỷ đồng.
Áp lực về chi phí lãi vay đối với Fecon?
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT: Đây là một áp lực rất lớn với tất các nhà thầu trong thời gian này. Từ quý III/2022 tới giờ thì thu hồi công nợ rất khó. Doanh nghiệp vay ngân hàng để làm nhưng tốc độ thu hồi nợ từ chủ đầu tư rất chậm.
Thực trạng hiện nay thực trạng hầu như các doanh nghiệp xây dựng có được lợi nhuận hay không còn phụ thuộc vào chi phí tài chính.
Bản thân Fecon năm vừa qua chi phí tài chính lên tới 150 tỷ, năm nay dự kiến tương đương hoặc hơn mức đó. Áp lực vô cùng lớn trong khi lợi nhuận chỉ vài chục tỷ.
Fecon đang nghiên cứu cùng với đối tác chiến lược Nhật để xem xét vay nguồn vốn của Nhật nhằm giảm thiểu chi phí tài chính.
Các dự án năng lượng tái tạo và khu công nghiệp công ty dự kiến đầu tư?
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT: Khu công nghiệp đang là một vấn đề rất nóng trong thời gian qua. Fecon đang tìm kiếm thêm một số dự án khu công nghiệp tại Thái Nguyên, Đồng Nai.
Về năng lượng tái tạo, Fecon đã hoàn thành hai dự án và đã thoái vốn, nhìn chung là khá thành công song lại là dự án nhỏ.
Trong thời gian tới, dự báo lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ vô cùng khó khăn. Vừa qua, thực hiện ưu đãi của Chính phủ thông qua quyết định 11 liên quan tới điện mặt trởi và quyết định 37 liên quan tới điện gió dẫn tới nhiều dự án đầu tư ồ ạt nhưng không phải dự án nào cũng được đấu nối vào lưới điện quốc gia vì không đủ chứa.
Mỗi loại điện mặt trời và điện gió còn khoảng 2,5 GW chưa được đấu nối dù đã đầu tư xong. Chính phủ mới ban hành giá tạm tính cho các dự án chuyển tiếp và nhận được phản hồi rất tiêu cực từ các nhà đầu tư. Nếu giá đó áp dụng vào thì dự án sẽ lỗ khiến các tổ chức tín dụng không cấp vốn và dự án sẽ thất bại.
Quá trình đấu tranh có thể mất một năm thì Chính phủ mới ra được một chính sách phù hợp.
Bản thân Fecon tính phát triển khoảng 700 MW điện mặt trời và điện gió nhưng việc có triển khai hay không và khi nào triển khai còn phụ thuộc vào chính sách thu hút đầu tư tiếp theo của mảng năng lượng tái tạo.
Các tổ chức quốc tế và các nước quốc tế cũng đang có vận động rất mạnh cho Chính phủ Việt Nam trong việc năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư đang “dài cổ” chờ các chính sách mới. Fecon vẫn kiên nhẫn chờ đợi.
Tình hình thanh toán trái phiếu của công ty?
Bà Nguyễn Thị Nghiên - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính: Cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của Fecon khoảng 145 tỷ tại Chứng khoán Dầu khí và Vietcombank. Tới cuối quý I, dư nợ trái phiếu khoảng 112 tỷ. Trái phiếu của Fecon sẽ đáo hạn toàn bộ trong năm 2023.
Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.