|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Fecon lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng trong quý I

08:09 | 04/05/2023
Chia sẻ
Quý I, Fecon có doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ nhưng doanh thu tài chính giảm và chi phí tài chính tăng cao khiến doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ ròng tương đương với quý I/2022.

Quý I, CTCP Fecon (Mã: FCN) có doanh thu đạt 609 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và biên lãi gộp tăng hai điểm %, lên mức 20%.

Công ty cho biết đầu năm 2022, giá vốn một số dự án tăng so với dự kiến ban đầu bởi giá nguyên vật liệu biến động bất thường và chi phí nhân công tăng do ảnh hưởng của COVID-19. Năm nay, biến động của giá nguyên vật liệu và nhân công đã được doanh nghiệp phản ánh trong giá chào thầu, ký hết hợp đồng với chủ đầu tư, nhà thầu chính.

Doanh thu tài chính của doanh nghiệp giảm 46%, còn gần 6 tỷ đồng do quý I năm ngoái Fecon ghi nhận lãi từ hoạt động đầu tư hơn 7 tỷ đồng (quý I/2022, Fecon thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư, bán ra hầu hết cổ phiếu FCM của CTCP Khoáng sản Fecon).

Ngược lại, chi phí tài chính của công ty tăng 47%, lên 69 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay đã tăng 44%, lên hơn 66 tỷ đồng.

Các chi phí khác không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ nên quý I, công ty lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 6,6 tỷ đồng), nhưng lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.

Năm 2023, ĐHĐCĐ của công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 3.800 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 110 tỷ đồng. Như vậy sau quý đầu năm, công ty mới thực hiện được 16% mục tiêu doanh thu.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết giá trị hợp đồng backlog từ năm 2022 chuyển sang 2023 của toàn công ty khoảng 2.500 tỷ đồng và dự kiến có doanh thu trong số này khoảng 1.800 tỷ đồng.

Mục tiêu giá trị hợp đồng ký mới trong năm nay của công ty khoảng 6.500 tỷ đồng. Các dự án Fecon tập trung trong năm 2023, chủ yếu ở trong lĩnh vực công nghiệp như thuỷ điện, nhiệt điện, dự án cảng biển. Các dự án nổi bật như Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 (ký cuối năm 2022 với giá trị xấp xỉ 400 tỷ và trong quý I ký thêm được 300 tỷ và kỳ vọng ký thêm các gói thầu tiếp theo).

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của Fecon).

Về tình hình tài chính tại cuối quý I, Fecon có tổng tài sản hơn 7.872 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Chỉ tiêu chiếm gần 45% cơ cấu tài sản của Fecon là các khoản phải thu với 3.516 tỷ đồng, gồm 3.393 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 123 tỷ đồng phải thu dài hạn. 

Công ty có 1.639 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm nhẹ so với đầu năm. Tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn của doanh nghiệp ở mức 187 tỷ đồng.

Nợ phải trả của công ty ở mức 4.377 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính ở mức 3.050 tỷ đồng, gồm 1.891 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.159 tỷ đồng vay dài hạn. Quý I, doanh nghiệp đã tiến hành chi trả 645 tỷ đồng nợ gốc vay và thuê tài chính, đồng thời thu từ đi vay hơn 855 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 3.495 tỷ đồng, gồm 518 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, 337 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là 1,25 lần.

Đăng Nguyên

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).