|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài 7: Các 'ông lớn' tài chính, đầu tư tại Việt Nam cảnh báo nguy cơ và thúc giục chính phủ hành động

08:10 | 23/09/2021
Chia sẻ
Điều mà các doanh nghiệp mong mỏi nhất chính là hành động thực tế từ Chính phủ. Bài toán căn bản phải giải vẫn là chính sách xuyên suốt và đồng bộ từ trung ương đến địa phương để tạo điều kiện cho DN tổ chức sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng và vận tải.

Theo Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam vừa được IFC và Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) công bố, các chuyên gia đánh giá cú sốc COVID-19 lan tới doanh nghiệp thông qua nhiều kênh và có tác động dây chuyền bao gồm giảm cầu, giảm và gián đoạn nguồn cung đầu vào, thắt chặt điều kiện tín dụng và suy giảm thanh khoản, cũng như gia tăng bất ổn. 

Một số yếu tố khiến doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng, bao gồm hội nhập của quốc gia trong thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu cũng như phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư và ngành du lịch. Trong đó, sức cầu giảm là điều rất đáng lo nhất.

"Ngay cả sau khi nhu cầu phục hồi, trong bối cảnh biến động, gánh nặng nợ nần và tâm lý lo ngại có thể gây sụt giảm đầu tư, đe dọa phá sản, và mất việc làm dẫn đến làm chậm tăng trưởng hơn nữa", báo cáo cho biết.

IFC dự báo doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp sẽ tiếp tục có những cú sốc doanh thu nghiêm trọng. 

Cũng vậy, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 20 năm gắn bó dự báo thị trường có thể chứng kiến kịch bản lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh trong nửa cuối năm nay.

Theo Chủ tịch Dragon Capital, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, tuy nhiên nửa cuối năm khó có thể tăng mạnh tiếp. Lợi nhuận của doanh nghiệp quý III và quý IV phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính sách của Chính phủ.

"Nếu không có chính sách mới về nới lỏng giãn cách thì chắc chắn lợi nhuận của doanh nghiệp quý IV sẽ rất tệ", ông Dominic nói với chúng tôi trong cuộc phỏng vấn giữa tháng 9. 

Bài 7: Các 'ông lớn' tài chính, đầu tư tại Việt Nam cảnh báo nguy cơ và thúc giục chính phủ hành động   - Ảnh 2.

Trước thực trạng khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Korcham, đã có những chia sẻ với chúng tôi về những vấn đề của các doanh nghiệp đang trải qua trong đợt dịch lần thứ 4.

Phó Chủ tịch Korcham: Giờ chưa phải thời điểm để các doanh nghiệp Hàn Quốc quy kết rút vốn khỏi Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham). (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).

Về vấn đề "ba tại chỗ", ông Hong Sun cho biết: "Người lao động không chịu được thời gian lâu dài khi "ba tại chỗ", một hay hai tuần người lao động có thể chịu được nhưng sau đó họ dần trở nên bức xúc.

Các vấn đề vệ sinh, ăn uống khiến người lao động khó chịu vì đây không phải nhà mình dẫn tới nhiều lao động bỏ việc giữa chừng. Thiếu lao động dẫn tới không đủ nhân lực chạy dây chuyền sản xuất. Chưa kể việc "ba tại chỗ" khiến doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí".

Về chuỗi cung ứng bị đứt gãy do các biện pháp giãn cách xã hội được thực thi thiếu đồng nhất, ông Hong Sun cho biết ở khu vực phía Nam, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất về vấn đề linh kiện sản xuất khi các xe vận chuyển nguyên vật liệu bị hạn chế đi lại.

"Một nhà sản xuất lớn phải có công ty phụ trợ cấp 1, cấp 2 cấp 3 nhưng chỉ cần một nhà máy ở địa phương khác không được giao hàng thì chuỗi giá trị đó sẽ bị đứt gãy. Đây là tình huống xảy ra thường xuyên với doanh nghiệp Hàn Quốc ở khu vực phía Nam", Phó Chủ tịch Korcham chia sẻ.

Với vấn đề thông quan, do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển hàng rất khó khăn, các cảng lớn ở Việt Nam bị ùn ứ, tàu đến cũng không thể đón hàng được.

Có những doanh nghiệp Hàn Quốc vừa và nhỏ hiện không đủ khả năng hoạt động nếu đại dịch tiếp tục kéo dài và họ vẫn đang chờ đợi chỉ thị mới của chính phủ, Ông Hong Sun cho biết.

Ông Hong Sun cũng nhìn nhận dịch bệnh không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu và nhiều nước đang sống trong thời đại bình thường mới là buộc phải sống cùng với dịch COVID-19. 

Ông ví dụ nhiều nước đang thử nghiệm sống cùng dịch COVID-19 như Anh, Singapore, Mỹ, các nước đã mở cửa cũng vẫn phải chịu khổ một phần nhưng nhờ vắc xin nên tỷ lệ tử vong đang thấp dần.

Bài 7: Các 'ông lớn' tài chính, đầu tư tại Việt Nam cảnh báo nguy cơ và thúc giục chính phủ hành động   - Ảnh 4.

Theo đó, Phó Chủ tịch Korcham kiến nghị trước hết Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho toàn dân. 

Thứ hai, Chính phủ nên thay đổi quan điểm về vấn đề giãn cách xã hội nên ở mức độ vừa phải để giảm mức độ thiệt hại về kinh tế. Trong đó, các tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ dễ bị tổn thương nhất.

"Đây là vấn đề cần giải quyết cấp bách. Bởi hệ thống doanh nghiệp như tim của con người giúp máu chảy tới tới khắp các bộ phận để duy trì sự sống", ông Ông Hong Sun nói.

Nhận định về việc dòng vốn Hàn Quốc rút vốn khỏi Việt Nam, Phó Chủ tịch Korcham cho rằng đây vẫn chưa là thời điểm để doanh nghiệp đưa kết luận. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh nếu một số doanh nghiệp khó khăn quá, không có cách nào để sinh tồn tại Việt Nam thì có thể họ sẽ rút vốn chứ đó không phải là mong muốn của doanh nghiệp.

"Các nhà đầu tư nước ngoài rất ích kỉ, họ muốn mở rộng thì không cần hứa hẹn, họ chỉ cần thấy hành động thực tế, tức khắc vốn FDI sẽ tự chảy vào Việt Nam", đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định.

Tương tự, Chủ tịch Dragon Capital cũng cho biết, khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, họ không đi sâu vào khó khăn trước mắt vì theo họ nước nào cũng bị tác động của dịch bệnh và không thể tránh khỏi.

"Cái họ quan tâm nhất là thái độ, tinh thần, chiến lược, các biện pháp chống dịch và thời hạn rõ ràng để sớm trở lại bình thường mới", ông Dominic Scriven cho hay.

"Thay vì ép lại, có lẽ chúng ta phải chấp nhận mở ra. Người lao động hiện đã quá khó khăn, Chính phủ cần phải kịp thời giúp doanh nghiệp gỡ khó", Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị.

Việc đẩy mạnh tiến trình tiêm vắc xin và thông báo từng bước nới lỏng giãn cách ở TP HCM và các tỉnh, thành phố được ông Dominic Scriven đánh giá là một chính sách thiết thực.

Bài 7: Các 'ông lớn' tài chính, đầu tư tại Việt Nam cảnh báo nguy cơ và thúc giục chính phủ hành động   - Ảnh 5.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tính chung từ năm 2020 đến 30/6/2021, ngành Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 148,7 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Dominic Scriven, các chính sách hiện nay là chưa đủ mạnh. Chủ tịch của Dragon Capital cho biết, nếu khảo sát kinh nghiệm của nước khác đi trước Việt Nam thì khi phải giãn cách, nước nào cũng sẽ gặp nhiều khó khăn như Việt Nam hiện nay nhưng chính sách tài khoá có sự khác biệt lớn.

Chủ tịch Dragon Capital: Các gói hỗ trợ tài khoá của Chính phủ là chưa thuyết phục - Ảnh 1.

Ông Dominic Scriven. (Ảnh: Đầu tư Chứng khoán).

Sau khi trở lại con đường "bình thường mới" hầu như nước nào cũng gặp phải vấn đề về vận chuyển, cung ứng và Việt Nam cũng không thể tránh khỏi được.

Ông đưa ra ví dụ về quê hương của ông là nước Anh, đi trước Việt Nam nửa năm với quy mô dân số nhỏ hơn. Hiện tại, các siêu thị ở Anh vẫn khó khăn để lấy đủ hàng vì thiếu tài xế. Cả nước thiếu hơn 50.000 tài xế do dịch bệnh khiến nhiều lao động bỏ việc, không muốn đi làm lại.

Tương tự ở Việt Nam, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề lao động.

"Trong các tiêu chí năm nay về kinh tế vĩ mô thì tiêu chí nào cũng hụt, chỉ mỗi chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước là vượt.

Trong một năm khó khăn như thế này, nếu nhìn vào thu ngân sách vượt chỉ tiêu là rất kì, rất mong Chính phủ nghiên cứu, sử dụng những gói hỗ trợ tài khoá để giải quyết khó khăn", Chủ tịch Dragon Capital thẳn thắn nhận định.

Bài 7: Các 'ông lớn' tài chính, đầu tư tại Việt Nam cảnh báo nguy cơ và thúc giục chính phủ hành động   - Ảnh 7.

Theo ông Dominic Scriven, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên bám vào ba yếu tố chính: Thứ nhất là cho người lao động được làm việc trở lại; thứ hai là tăng sức chịu đựng cho doanh nghiệp bởi vì chi phí đầu vào chắc chắn tăng; thứ ba là những yếu tố có sự tác động trực tiếp của chính phủ như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Dragon Capital đánh giá, sức mạnh của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam khá là bền, khả năng cạnh tranh và phục hồi là cao. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có đủ sức hoạt động trở lại bình thường thì Chính phủ cần nghiên cứu thêm các gói hỗ trợ tài khoá.

Hoàng Kiều