|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bậc thầy đầu tư: Làm sao ‘vua lội ngược dòng’ John Rogers biến 10.000 USD thành 1 tỷ USD?

15:41 | 28/07/2024
Chia sẻ
Đầu tư giá trị là chiến lược theo đuổi lợi nhuận trong thời gian dài. Cách tiếp cận kiên nhẫn này đã giúp John Rogers vượt qua nhiều cơn bão trên thị trường chứng khoán và được tờ Forbes mệnh danh là “vị vua lội ngược dòng”.

Ông John Rogers, nhà sáng lập và đồng CEO của Ariel Investments. (Ảnh: Forbes). 

Sớm gia nhập cuộc chơi

John Rogers sinh năm 1958 tại Chicago. Ông bắt đầu học về chứng khoán và đầu tư vào năm 12 tuổi, khi được bố mua một số cổ phiếu blue-chip làm quà sinh nhật và Giáng sinh.

Rogers nghiền ngẫm báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý của các công ty đó và thích thú khi được trả cổ tức. Ở độ tuổi thiếu niên, Rogers được giới thiệu với nhà môi giới của bố mình là ông Stacy Adams - một trong những nhà môi giới gốc Phi đầu tiên ở Chicago.  

Rogers kể lại: “Ông Adams là mẫu người mà tôi muốn trở thành. Tôi có thể ngồi cạnh ông ấy và ngắm giá cổ phiếu nhảy nhót mà không biết chán”.

Rogers theo học kinh tế tại Đại học Princeton danh giá. Tại đây, ông may mắn trở thành học trò của nhà kinh tế Burton Malkiel, tác giả quyển sách đầu tư kinh điển Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall. Rogers chú ý đặc biệt đến các cổ phiếu không được thị trường yêu thích.

Thời sinh viên, Rogers cũng thích chơi bóng rổ. Các môn học trên trường gợi ông cho ông hứng thú đối với việc quản lý đầu tư, còn kinh nghiệm làm đội trưởng đội bóng rổ dạy cho ông tầm quan trọng của làm việc nhóm và hợp tác với nhân viên sau này.

Sau khi tốt nghiệp, Rogers gia nhập công ty William Blair & Company với tư cách nhân viên môi giới chứng khoán.

Vị vua lội ngược dòng

Triết lý đầu tư

Sau khi làm việc ở William Blair & Company trong hai năm rưỡi, ông quyết định theo đuổi con đường của riêng mình, bất chấp sự khuyên ngăn của những người thầy. Ariel Investments ra đời vào năm 1983.

Rogers kiên trì theo đuổi niềm đam mê trong hàng thập kỷ và đạt được thành tựu đáng nể. Trong vòng 20 năm, ông biến số vốn 10.000 USD thành hơn 1 tỷ USD.

Rogers bình luận về thành công của mình: “May mắn là có vẻ như tôi có tầm nhìn để chọn cổ phiếu. Tôi có thể nhìn vào các ngóc ngách của thị trường và không bị cuốn vào các xu hướng hiện tại”.

Ông không bao giờ đi chệch khỏi những nguyên tắc đầu tư cơ bản nhất của bản thân. Chúng được gói gọn trong phương châm đầu tư của Ariel Investments: “Chậm mà chắc sẽ thắng cuộc đua”.

Rogers coi trọng tính kiên nhẫn. Ông tìm kiếm các công ty vốn hóa nhỏ và vừa bị định giá thấp mà ông tin chắc là sẽ phát huy hết tiềm năng của họ trong vòng 3 năm, 5 năm hoặc 7 năm.

Investopedia cho biết John Rogers được công nhận là một trong những nhà quản lý quỹ giỏi nhất thời hiện đại - cùng với Warren Buffett và John Templeton.

Ở độ tuổi 66, John Rogers vẫn làm việc hăng say. Vào đầu năm 2024, Ariel Invesments có gần 15 tỷ USD tài sản đang quản lý. Tính từ khi được thành lập vào năm 1958, tỷ suất sinh lời của Ariel Investments vượt trội so với chỉ số SP 500.

Điểm đặc biệt

Tuy nhiên, những con số trên không thể hiện được điểm đặc biệt nhất về Rogers, đó là ông thường đạt được thành tích ngoạn mục khi chứng khoán phục hồi khỏi thị trường gấu.

Ariel Invesments đối mặt với thử thách đầu tiên vào Ngày Thứ hai Đen tối năm 1987. Khi đó, Rogers điên cuồng gọi điện cho khách hàng và các nhà môi giới trong lúc sắp xếp lịch hẹn với công ty tổ chức đám cưới.

Nhưng thông điệp ông đưa ra lại vô cùng lạc quan: giá cổ phiếu đột nhiên rẻ đi và giờ chính là lúc nhà đầu tư nên mua thêm. Tỷ suất sinh lời năm 1987 của Ariel Fund - quỹ chủ lực của Ariel Invesments - lên đến hai chữ số, vượt trội so với thành tích 2% của chỉ số S&P 500.

Sau khi bong bóng dot-com đổ vỡ năm 2000, Ariel Fund lại một lần nữa lãi lớn, ghi nhận tỷ suất sinh lời 29% trong năm đó và 14% vào năm 2001.

Trong khủng hoảng tài chính năm 2008, ván cược của Roger vào những cổ phiếu như công ty bất động sản CBRE Group và nhà xuất bản báo chí Gannett khiến Ariel Fund lỗ 48%.

Nhưng đến năm 2009, quỹ gỡ gạc lại bằng tỷ suất sinh lời 63%. Những con số ấn tượng trên là lý do Forbes gọi John Rogers là "vị vua lội ngược dòng". 

Thích ứng với thời đại

Rogers và các đồng nghiệp không ngủ quên trên chiến thắng mà đã điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình. Trang Institutional Investor dẫn lời ông Rogers cho hay: “Chúng tôi đã trả giá đắt trong cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 để hiểu ra mình cần nâng cao khả năng phân tích bảng cân đối kế toán doanh nghiệp”.

Ariel Investments phản ứng bằng cách thiết lập hệ thống xếp hạng nợ nội bộ. Công ty cũng kết hợp tài chính hành vi vào chiến lược đầu tư. Cuộc trò chuyện với nhà kinh tế đoạt giải Daniel Kahneman đã hướng Rogers tới khía cạnh này.

Rogers kể lại: “Kahneman rất giỏi truyền cảm hứng cho người khác. Tôi và các đồng nghiệp ở Ariel từ trước vẫn có sự hiểu biết về tâm lý đầu tư, nhưng việc tích hợp góc nhìn học thuật về vấn đề này thực sự hữu ích”.

Rogers từng liệt kê một số chủ đề trong tài chính hành vi đã giúp ích cho Ariel Investments. Ví dụ thứ nhất là hiệu ứng sở hữu, tức là nhà đầu tư có khuynh hướng gán giá trị cao hơn cho công ty mà họ yêu thích. Nhờ đó, Rogers mới rút ra bài học: duy trì tính khách quan là điều rất quan trọng.

Thứ hai là hiệu ứng ưu tiên cuối, tức là con người rất dễ bị cuốn vào trạng thái hưng phấn hoặc ủ dột tại thời điểm hiện tại. Rogers chỉ ra: “Con người thường không có khả năng nhìn xa trông rộng”.

Thứ ba là hiệu ứng xác nhận, tức là đọc những nội dung phù hợp với những gì mình tin tưởng. Rogers khuyên: “Bạn cần phải lắng nghe quan điểm đối lập và tìm tòi bên ngoài vùng an toàn của bản thân”.

Để chống lại những thành kiến trên, Ariel Investments yêu cầu các nhà phân tích phải trình bày các luận điểm tiêu cực đối với những cổ phiếu mà công ty nắm giữ.

Ariel Investments cũng thuê Business Intelligence Associates dạy các nhà phân tích của họ cách đặt câu hỏi và lắng nghe tốt hơn, đọc ngôn ngữ cơ thể và xác định khi nào một người đang trả lời thành thực.

Giang