|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bậc thầy đầu tư: Jim Simons, thiên tài toán học kiếm tiền giỏi hơn cả Warren Buffett

15:46 | 08/09/2024
Chia sẻ
Jim Simons là một trong số ít nhà đầu tư có khả năng tạo ra cuộc cách mạng trên Phố Wall  và tìm cách giữ bí mật về điều đó.

Jim Simons, nhà sáng lập Renaissance Technologies. (Ảnh: Stony Brook University). 

Thiên tài toán học

Jim Simons là một nhà toán học. Ông áp dụng những kiến thức đó vào thị trường, trở thành một trong những người đầu tiên dùng máy tính và thuật toán để lập quyết định đầu tư, mở ra kỷ nguyên mới về giao dịch bằng công nghệ trên Phố Wall. Trong quá trình này, Simons và công ty của ông kiếm được hơn một trăm tỷ USD. 

Simons sinh năm 1938, là con trai của giám đốc một nhà máy sản xuất giày ở Boston. Sự nghiệp riêng của ông bắt đầu tại Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Tại hai trường đại học danh giá trên, Simons nghiên cứu và giảng dạy toán học, hình học. Ông từng làm việc với tư cách là nhà giải mã cho chính phủ Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh nhưng đã rời đi vì phản đối cuộc chiến ở Việt Nam.

Sau này, Simons gia nhập Đại học Stony Brook ở Long Island, New York và trở thành trưởng khoa toán. Kinh nghiệm này rất có ích cho Simons, bởi nó giúp ông phát triển năng lực chiêu mộ nhân tài trong giới học thuật.

Năm 37 tuổi, Simons giành giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực hình học, củng cố danh tiếng của ông trong thế giới toán học. Lý thuyết Chern-Simons của ông vẫn là một trong những nghiên cứu toán học được trích dẫn rộng rãi nhất trong thế kỷ qua.

Phá vỡ truyền thống

Năm 1978, Simons từ bỏ sự nghiệp học thuật xán lạn để thử sức trong lĩnh vực đầu tư. Ông thành lập công ty Monemetrics tại một trung tâm thương mại tồi tàn ở Long Island, cạnh một cửa hàng quần áo phụ nữ và cách một cửa hàng bánh pizza hai cánh cửa.

Tại thời điểm đó, đa số đối thủ của Simons là các nhà đầu tư theo trường phái “cơ bản” - họ chuyện trò với các nhà quản lý doanh nghiệp, nghiền ngẫm báo cáo tài chính, dựa vào phán đoán và trực giác để dự đoán tiềm năng lãi lỗ của giá cổ phiếu..

Hầu hết các nhà đầu tư coi biến động của thị trường là hỗn loạn, nhưng Simons nhận thấy các thị trường tài chính có cấu trúc bài bản hơn là những gì mọi người tưởng.

Ông kể với Wall Street Journal (WSJ): “Tôi dần hình thành quan điểm rằng thị trường không hành xử một cách ngẫu nhiên mà theo hướng có thể phán đoán được - ở một mức độ nhất định. Thị trường cũng có những bất thường về mặt thống kê mà tôi có thể khai thác”.

Khi hiểu được điều này, Simons quyết tâm phát triển một hệ thống giao dịch tự động có thể phát hiện các mô hình biến động mà nhà đầu tư ít chú ý đến. Ông giải thích với bạn bè: “Tôi muốn tạo ra các mô hình sẽ tự kiếm được tiền khi tôi đi ngủ. Đó sẽ là một hệ thống thuần túy không bị con người cản trở”.

Simons thuê các nhà toán học và nhà khoa học để hiện thực hóa tham vọng của mình. Họ sử dụng những bộ dữ liệu kéo dài hàng thế kỷ, các thuật toán dự đoán và học máy (machine learning) để phát triển mô hình.

Theo Simons, công việc khó khăn nhất của ông và các đồng nghiệp là thu thập thật nhiều dữ liệu. Họ từng đến trực tiếp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để sao chép lịch sử lãi suất và những thông tin tương tự bằng tay. Sau đó, họ phải kiểm tra lại, làm sạch dữ liệu, đảm bảo không một số liệu nào bị sai sót. Những công đoạn thủ công đó tốn rất nhiều thời gian.  

Cuộc cách mạng không mong muốn

Đến năm 1990, Simons và các đồng nghiệp đã tìm được cách kiếm lời từ ngoại hối, hàng hóa và các thị trường khác bằng các mô hình ngắn hạn mà họ phát hiện. Nhưng phải sau vài năm nữa, công ty của Simons - khi đó đổi tên thành Renaissance Technologies - mới biết cách kiếm hàng tỷ USD từ cổ phiếu.

Chiến lược của Renaissance là nắm giữ khoản đầu tư trong khoảng thời gian ngắn - thậm chí chỉ vài phút - và giao gần như mọi quyết định giao dịch cho máy tính. Và điều quan trọng khác là họ phải giữ kín bí mật về công việc để ngăn những kẻ bắt chước và cạnh tranh xuất hiện.

 

Đến đầu những năm 2000, một số tạp chí tài chính mới bắt đầu đăng tải bài viết về một công ty đầu tư kín tiếng ở Long Island đang kiếm lợi nhuận khủng. Cái tên Jim Simons bắt đầu xuất hiện trong các danh sách đáng chú ý, ví dụ như Forbes. Ông cũng dần tham gia các hoạt động chính trị và quyên góp.

Mọi người bắt đầu tìm hiểu về Simons và có hiểu biết mơ hồ về những gì ông đang làm. Họ không có thông tin chi tiết nhưng biết rằng ông thu thập đủ mọi dữ liệu, nhập chúng vào máy tính, tìm kiếm các mô hình giá ngắn hạn và để máy tính ra quyết định giao dịch.

Cho tới nay, mọi người vẫn không biết được chính xác thuật toán của Renaissance là gì, nhưng Phố Wall chỉ cần biết ông dùng thuật toán là đủ. Các công ty khắp Phố Wall bắt đầu tuyển các nhà toán học và khoa học và tự xây dựng mô hình cho riêng mình.

Ngày nay, khoảng 1/3 tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ được quản lý bởi các công ty giao dịch định lượng như Renaissance. Các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác cũng sử dụng thuật toán.

Từ năm 1988 đến 2018, quỹ chủ lực Medallion Fund của Renaissance đã tạo ra hơn 100 tỷ USD lợi nhuận, trung bình tỷ suất sinh lời hàng năm đạt 66%. Sau khi trừ các khoản phí dành cho nhà đầu tư, tỷ suất sinh lời của Medallion vào khoảng 39%, đánh bại thành tích của những huyền thoại như Warren Buffett, George Soros và Peter Lynch trong cùng khoảng thời gian đó.  

Medallion chấp nhận vốn của nhà đầu tư bên ngoài trong vài năm, nhưng dần dà, quỹ chỉ còn phục vụ Simons và các đồng nghiệp của ông.

Dần dần, Simons giảm bớt công việc tại Renaissance để tập trung nhiều hơn vào khoa học, giáo dục và các hoạt động thiện nguyện khác. Vào năm 2010, ông rời khỏi ghế CEO và trở thành Chủ tịch Renaissance. Cuối cùng, ông từ bỏ mọi chức vụ trong công ty.

Simons qua đời vào tháng 5/2024, tài sản ròng của ông khi đó vào khoảng 30 tỷ USD. Khi còn sống, ông đã trao tặng hơn 6 tỷ USD. Ông rót tiền tài trợ cho hoạt động nghiên cứu phương pháp điều trị chứng tự kỷ và chi 75 triệu USD xây đài quan sát ở Chile để tìm hiểu về nguồn gốc của vũ trị. Hàng năm ông cũng tặng tiền cho 1.000 giáo viên toán và khoa học ở New York.

Giang