|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

AnHome và Nobita.pro sắp được rót vốn sau giãn cách, 6 thương vụ còn lại được Shark Phú cam kết đầu tư là những startup nào?

08:04 | 01/09/2021
Chia sẻ
Từ startup đòi bán nhà trả nợ đến nữ CEO có sản phẩm "xanh-sạch-xinh", Shark Phú đã có một mùa tham gia Shark Tank Việt Nam thu hút nhiều sự chú ý.

Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, vừa chia sẻ về những startup mà ông chọn rót tiền sau khi cam kết trên sóng truyền hình. Ông vốn nổi tiếng là nhà đầu tư kĩ tính với những con số tài chính mà nhà sáng lập đưa ra.

Theo Shark Tank Việt Nam, hai cái tên được chọn giải ngân tiền sớm chính là AnHome, nền tảng hỗ trợ nhà thông minh và Nobita.pro, công ty hỗ trợ bán hàng. Vị "cá mập" này sẽ xuống tiền ngay sau khi hết đợt phong tỏa.

Nhìn lại các startup gọi vốn thành công từ Shark Phú trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 nhưng chưa được rót tiền - Ảnh 1.

Các thương vụ đầu tư của Shark Phú tại Shark Tank Việt Nam mùa 4. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Trong mùa 4 vừa rồi, Shark Phú cam kết đầu tư cho 8 startup với tổng số tiền lên tới hơn 34 tỷ đồng. Nếu trừ hai startup sắp được giải ngân, thì 6 deal còn lại của ông có gì đặc biệt?

Bio Plas: Thừa nhận thương vụ "máu nhưng có cơ sở"

Nhìn lại các startup gọi vốn thành công từ Shark Phú trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 nhưng chưa được rót tiền - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Châu Long, CEO Công ty CP Thiên Kim An (Bi Plas) gọi vốn trên truyền hình. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Ở thương vụ Bio Plas, Chủ tịch Sunhouse cam kết đầu tư dưới dạng trái phiếu chuyển đổi. Điều này có nghĩa là ông có quyền quyết định sẽ chuyển đổi khoản đầu tư 15 tỷ đồng thành 35% cổ phần công ty hoặc lấy lại tiền (kèm lãi 10%/năm). Mức offer này đã được ông Nguyễn Châu Long, CEO và nhà sáng lập Công ty CP Thiên Kim An (công ty sở hữu thương hiệu Bio Plas) đồng ý.

Đây là một startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học với sản phẩm nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy. Shark Phú cũng là nhà đầu tư duy nhất đưa ra offer cho startup này.

Về thương vụ đầu tư, vị cá mập từng thừa nhận đây là thương vụ "máu, nhưng có cơ sở" của bản thân. Ông không chia sẻ rõ "cơ sở" của mình là gì nhưng ở trên sóng truyền hình, đại diện startup cho biết công ty chưa thu được bất cứ đồng doanh thu lợi nhuận nào.

Cùng Shark Liên đầu tư cho sản phẩm dầu lạc Tâm Trường Sinh

Shark Phú cùng Shark Liên cam kết cùng đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần của startup dầu lạc Tâm Trường Sinh của ông Đỗ Hồng Quân. Ông Quân từng bỏ sự nghiệp 19 năm tại Bộ Nông nghiệp để ra ngoài để khởi nghiệp.

Dù bản thân không có nhiều kiến thức về lĩnh vực các sản phẩm từ lạc nhưng Chủ tịch Sunhouse vẫn đưa ra lời đề nghị đầu tư nhờ số liệu mà nhà sáng lập đưa ra. Ông Quân cho biết công ty được thành lập từ tháng 7/2012. Tính đến thời điểm ghi hình, tổng doanh thu đạt trên 41 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 11,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 16% đến 45% tùy theo từng loại sản phẩm.

Nhìn lại các startup gọi vốn thành công từ Shark Phú trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 nhưng chưa được rót tiền - Ảnh 3.

Ông Đỗ Hồng Quân, CEO của CTCP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Ông Quân chia sẻ định hướng của doanh nghiệp tới năm 2025 là trở thành công ty đứng đầu trong việc sản xuất các sản phẩm từ lạc, có quy mô diện tích trên 1.000 ha, doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 25% đến 30%, mức độ tăng trưởng khoảng 30% - 35%/năm. 

Công ty đã trồng được gần 60 ha, tập trung chính tại tỉnh Nam Định và tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, các khu được tách độc lập khỏi những khu vực giống cây trồng khác.

Về bức tranh tài chính, ông Quân cho biết tổng tiền mặt còn hơn 1 tỷ đồng, tổng tài sản còn định khoảng 16 tỷ đồng, khoản phải thu hơn 2 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 22 tỷ đồng.

Cam kết đầu tư cho startup "thà bán nhà trả nợ chứ không về Sunhouse làm việc"

Shark Phú đề nghị 100.000 USD cho 10% cổ phần startup công nghệ giáo dục SelfHiil nhưng kèm điều kiện ông chính là học viên trong khóa học. Nếu khóa học không hiệu quả, ông Phú có quyền lấy lại tiền đầu tư và chứng minh được startup đủ khả năng hoàn tiền lại được. Nhà sáng lập công ty là bà Nguyễn Thùy Liên.

Học viện SelfHiil là nơi tổ chức các khóa học đào tạo nhằm giúp bậc phụ huynh từ 18 - 40 tuổi (hoặc người có con nhỏ 0 - 8 tuổi) có năng lực bài bản, đào tạo con mình trưởng thành toàn diện.

Nhìn lại các startup gọi vốn thành công từ Shark Phú trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 nhưng chưa được rót tiền - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thùy Liên, Nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Học viện Self Hiil. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Startup này cho hay chương trình đào tạo gồm 52 phần, chia thành 7 đề tài lớn liên quan đến vấn đề hạnh phúc. Người học sẽ thực hiện bài học đều đặn 30 phút mỗi ngày, trao đổi tương tác ẩn danh với nhau thông qua phần mềm học trực tuyến Moodle (một nền tảng mã nguồn mở dành cho e-Learning). 

Học phí một tuần đối với mỗi khách hàng là 900.000 đồng, một khóa 8 tuần 7,2 triệu đồng, còn hành trình học full 52 tuần là 29,7 triệu đồng. Sau 6 tháng hoạt động, công ty đã online hóa chương trình, có 25 khách hàng đầu tiên và 50% khách hàng đóng phí. Ở thời điểm ghi hình startup đang trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ.

"Ông Tây" không cần tiền, chỉ cần nhà máy của Shark Phú

Là người Mỹ và lên gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 4, ông Robert Horwath, CEO Lock Cuff mang đến sản phẩm khóa phanh tay xe máy chống trộm - Cager Lock, tự tin Made in Việt Nam 100%. 

Nhận ra điểm bất tiện của các loại khó đặt dưới bánh xe tại Việt Nam, khiến phụ nữ gặp khó khi phải ngồi xuống mở khóa, chưa kể những vết bẩn sẽ bám vào, vì thế ông đã dành 4 năm để nghiên cứu và phát triển sản phẩm khóa phanh tay và được bán với giá 275.000 đồng.

Nhìn lại các startup gọi vốn thành công từ Shark Phú trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 nhưng chưa được rót tiền - Ảnh 5.

Lock Cuff, startup với CEO gốc Mỹ gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Điều khiến hội đồng đầu tư ngỡ ngàng nhất là ông Robert không hề có ý định gọi vốn, CEO Lock Cuff lên sóng Shark Tank Việt Nam với mong muốn tìm một nhà đầu tư có thể hỗ trợ ông nhà máy sản xuất.

Nhờ sở hữu hệ thống nhà máy, thiết bị sản xuất và nhân công lên tới 2.000 người, Shark Phú tự tin hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu của ông Robert. Qua đó, vị cá mập đã giành được cái gật đầu của ông Robert, chấp nhận mức đầu tư 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần.

Startup "xanh-sạch-xinh" được Shark Phú chọn đầu tư

Xuất hiện trong tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 4, nữ CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng đã gây sự chú ý với sản phẩm xe đạp trợ lực điện nhỏ gọn và được Shark Phú cam kết đầu tư 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần với điều kiện nếu Wiibike cam kết hoà vốn trong năm nay thì ông cam kết đầu tư gấp 10 lần. Sản phẩm chính hiện nay của Wiibike là các dòng xe đạp trợ lực điện nguyên chiếc, sử dụng pin lithium.

Theo CEO Thu Hằng, khung xe của Wiibike được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có dòng xe tre là vật liệu tái tạo thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Wiibike còn cung cấp bộ Wiibike kit để những người có nhu cầu có thể biến xe đạp thường thành xe đạp trợ lực điện trong vòng 15 phút.

Điểm đặc biệt của bộ kit này là có cơ cấu điều chỉnh kích thước, có thể lắp được lên bất kỳ chiếc xe đạp nào, kể cả những mẫu xe có kích thước bánh khác nhau.

Nhìn lại các startup gọi vốn thành công từ Shark Phú trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 nhưng chưa được rót tiền - Ảnh 6.

CEO Nguyễn Thị Thu Hằng, Wiibike (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo ông Lại Thái Phong - chuyên gia phát triển sản phẩm của Wiibike, bộ trợ lực Wiibike kit do công ty sản xuất có thể dễ dàng biến 1 chiếc xe đạp bình thường, xe thể thao, địa hình thành một chiếc xe đạp trợ lực điện chỉ trong vòng 15 phút.

Tuy nhiên, điều mà dư luận đọng lại nhiều nhất tại màn gọi vốn này không phải là tính năng của xe hay bức tranh tài chính mà là phát ngôn gây chú ý của ông Nguyễn Xuân Phú: "Anh không quan tâm đến business, chỉ quan tâm đến mỗi em thôi".

Cùng hội đồng đầu tư rót tiền cho startup của kiện tướng thể hình kiêm hot TikToker

Tập cuối cùng của Shark Tank Việt Nam mùa 4 chứng kiến màn gọi vốn của ông Phan Bảo Long cùng startup LMS, một dự án cung cấp các giải pháp giảm cân chuẩn y khoa. Giải pháp mà LMS mang đến được xây dựng dựa trên liệu pháp dinh dưỡng và liệu pháp vận động với khả năng giúp các học viên giảm được từ 5kg đến 12 kg trong chỉ 1 tháng.

Theo ông Long cung cấp, từ tháng 8/2020, doanh số mà LMS đạt được là 1,966 tỷ đồng. Trong đó, doanh số quý I/2021 đạt 1,188 tỷ đồng. Tháng gần nhất tính đến thời điểm gọi vốn, LMS đạt doanh số 506 triệu đồng. Biên lợi nhuận ròng trong quý I của LMS là 55%. Đến cuối năm 2021, LMS kỳ vọng có tổng doanh thu luỹ kế đạt 1 triệu USD.

Nhìn lại các startup gọi vốn thành công từ Shark Phú trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 nhưng chưa được rót tiền - Ảnh 7.

Ông Phan Bảo Long giới thiệu startup LMS trên Shark Tank Việt Nam tập cuối. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Ở deal này, Shark Phú là người đầu tiên đề nghị với mức đầu tư 57.000 USD đổi lấy 15% dù "không hiểu rõ" về mảng này. Điều kiện Shark Phú đưa ra là LMS phải giúp ông giảm cân về mức chuẩn. 

Sau đó, startup nhận thêm được sự quan tâm của các cá mập khác và cuối cùng hội đồng đầu tư đã đi đến quyết định  đầu tư 100.000 USD cho 25% cổ phần với sự tham gia của 5 Shark (mỗi Shark chiếm 5% cổ phần). Ông Long đã đồng ý với đề nghị này và đây cũng là startup khép lại Thương Vụ Bạc Tỷ mùa 4.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thùy Trang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.