|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinamilk lãi hơn 2.100 tỷ đồng quý II, biên lợi nhuận gộp hồi phục sau 7 quý

10:36 | 30/07/2022
Chia sẻ
Biên lợi nhuận gộp quý II của Vinamilk đạt 40,7%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với quý I và hồi phục sau 7 quý giảm liên tiếp.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II với doanh thu thuần đạt 14.930 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.102 tỷ đồng; giảm lần lượt 5% và 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết lạm phát cao dẫn đến sức tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam giảm 2% trong 5 tháng đầu năm là nguyên nhân khiến doanh thu giảm tốc.

 

Thị trường nội địa ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.471 tỷ đồng, tăng 7% so với quý I và giảm 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu nội địa công ty mẹ đạt 10.994 tỷ đồng, tăng 7,4% so với quý I và giảm 7,2% so với quý II/2021.

Thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 2.459 tỷ đồng quý II, tăng 10,8% so với quý I và tương đương cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp ghi nhận doanh thu thuần 1.415 tỷ đồng, tăng 24,2% so với quý I và giảm 11,9% so với quý II/2021.

Các chi nhánh nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 1.045 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ, với động lực đến từ cả hai công ty con tại nước ngoài là Driftwood và Angkormilk với mức tăng trưởng lần lượt 40% và 20%. Việc sở hữu cơ sở sản xuất địa phương tại các quốc gia này giúp công ty tiết kiệm chi phí vận chuyển và do đó giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như sức mua ổn định hơn so với xuất khẩu trực tiếp. 

Hệ thống cửa hàng Giấc mơ sữa Việt và kênh thương mại điện tử tăng trưởng hơn 25%. Chỉ trong quý II/2022, Vinamilk đã mở mới 37 cửa hàng và đưa tổng số cửa hàng lên 651.  

Biên lợi nhuận gộp hợp nhất quý II của Vinamilk đạt 40,7%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với quý I, cho thấy sự hồi phục sau 7 quý, kể từ quý IV/2020.

Tính riêng mảng nội địa, biên lợi nhuận gộp đã mở rộng 70 điểm cơ bản nhờ yếu tố mùa vụ khi tiêu thụ sữa trong quý hè cao hơn quý đầu năm, giá bán đã được điều chỉnh cùng với biên lợi nhuận gộp của dòng sản phẩm Sữa tươi 100% cải thiện so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp suy giảm trong khi chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí bán hàng gia tăng (chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển, khuyến mãi, quảng cáo) là yếu tố khiến lợi nhuận sau thuế của Vinamilk giảm mạnh so với cùng kỳ.

 

Lũy kế 6 tháng, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu đạt 28.900 tỷ đồng, tương đương nửa đầu năm ngoái song lợi nhuận sau thuế giảm gần 20% xuống còn 4.386 tỷ đồng.

So với kế hoạch năm, Vinamilk đã lần lượt hoàn thành 45,1% chỉ tiêu doanh thu và 44,9% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trong các quý tiếp theo, công ty dự kiến biên lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì và cải thiện nhờ giá một số nguyên vật liệu chính đầu vào cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh.

Theo Robobank, tình trạng dư cung tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu sữa lớn nhất khi nguồn cung sữa nội địa tăng mạnh đã khiến nhu cầu nhập khẩu sữa giảm và là lý do chính dẫn đến việc điều chỉnh của giá nguyên liệu sữa toàn cầu trong thời gian gần đây.

 Giá sữa bột gầy có xu hướng giảm sau khi tạo đỉnh từ tháng 4/2022. (Ảnh: Global Dairy Trade).

Điểm qua về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của Vinamilk đạt 53.842 tỷ đồng tại ngày 30/6. Trong đó, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn đạt 23.483 tỷ đồng. Số tiền này đã đem về cho Vinamilk gần 585 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 6 tháng.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp đi vay 9.775 tỷ đồng cuối quý II, chủ yếu là vay ngắn hạn và đều là nợ từ các ngân hàng nước ngoài. Nửa đầu năm, Vinamilk chỉ tốn chưa tới 63 tỷ đồng để trả lãi vay. Chính nghiệp vụ đem gửi tiền với lãi suất cao và đi vay với lãi suất thấp giúp Vinamilk lãi 522 tỷ đồng từ hoạt động này.

Vốn chủ sở hữu cuối tháng 6 là 36.820 tỷ đồng với 8.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Hoàng Kiều