|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vị ngọt của tình yêu: Công ty socola Việt được Mekong Capital rót vốn liên tục mở rộng, doanh thu tăng bằng lần

08:05 | 14/02/2025
Chia sẻ
9 tháng đầu năm 2024, Marou ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 64% trên toàn bộ mạng lưới bán lẻ với 18 địa điểm trên toàn quốc.

“Một số cửa hàng không thể giao hàng trong ngày 13-14/2. Chọn cửa hàng khác hoặc liên hệ với chúng tôi”, là thông báo mà Maison Marou đưa ra, chuỗi cửa hàng chuyên biệt của Marou  – công ty chuyên sản xuất socola ở Việt Nam.

Marou là cái tên quen thuộc của nhiều tín đồ socola - món quà ngọt ngào không thể thiếu trong các ngày lễ đặc biệt như Lễ tình nhân Valentine (14/2), Quốc tế phụ nữ (8/3), Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), thậm chí là xuất hiện ở những dịp quan trọng như cầu hôn, kết hôn…

 Sản phẩm của Marou. (Ảnh: Lâm Anh).

Vị ngọt từ socola

Marou được thành lập vào năm 2011 sau cuộc gặp gỡ định mệnh của hai nhà sáng lập người Pháp là Vincent Mourou – chuyên gia trong ngành quảng cáo và Samuel Maruta – nhân viên ngân hàng trong một chuyến cắm trại xuyên rừng ở miền Nam Việt Nam.

Trong chuyến đi, Sam và Vincent bị thu hút bởi cách người dân trồng cacao ở Bà Rịa Vũng Tàu. Sau đó, họ quyết định thành lập công ty sản xuất socola ở Việt Nam dù kinh nghiệm về nghề của hai chàng trai là con số 0. Sam và Vincent đã không bỏ cuộc, họ tìm đến một trang trại mua hạt cacao và mang về tự chế biến.

Hai nhà sáng lập của Marou. (Ảnh: Mekong Capital).

Công ty sản xuất socola ra đời trong nhà bếp của Sam với cái tên Marou Faiseurs de Chocolat, viết tắt bởi tên của 2 co-founders là Vincent Mourou và Samuel Maruta.

Căn bếp ấy chỉ vỏn vẹn máy xay sinh tố, lò nướng và khuôn nướng bánh. Và Marou ra đời như thế, một cách tình cờ nhưng cũng là duyên phận.

Bộ đôi đã biến căn bếp của Sam thành một phòng thí nghiệm socola. Trong vòng 6 tháng, họ đã thử nghiệm 55 mẫu socola trước khi đạt tới phiên bản socola cuối cùng.

"Chúng tôi lưu mẫu từng loại thử nghiệm, giống như một thí nghiệm khoa học. Nhưng thay vì thử nghiệm hàng loạt, mỗi lần, chúng tôi sẽ chỉ thay đổi một thành phần duy nhất, cho tới khi đạt được hương vị hoàn hảo" - Vincent chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Bloomberg.

Sau nhiều lần thử nghiệm, hai chàng trai người Pháp đã ra mắt thương hiệu Marou, Faiseurs de Chocolat vào tháng 11/2011. Để quảng bá sản phẩm, Sam và Vincent không ngần ngại mang những chiếc vali chứa đầy socola tham dự hội chợ triển lãm ở Hồng Kông, Paris, Singapore và bày bán ở nhiều cửa hàng Việt Nam.

 Kể từ đó, Marou luôn vận hành với tinh thần làm ra socola đen nguyên chất từ những hạt cacao trồng tại 6 tỉnh thành ở khu vực phía Nam Việt Nam”, lời nhận xét từ Mekong Capital – quỹ đầu tư chiến lược của Marou ở thời điểm hiện tại.

Marou mở cửa hàng Maison Marou đầu tiên trên đường Calmette ở TP HCM vào năm 2016, và sau đó mở rộng ra Hà Nội. Điểm đặc biệt ở Maison Marou khách hàng có thể tận mắt nhìn nhân viên làm socola và các loại bánh.

Đến năm 2020, công ty phát triển một mô hình mới với tên gọi Trạm Marou (Marou Station), mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm nhanh và thuận tiện khi thưởng thức những sản phẩm cocola và các loại bánh cookie.

 Ở Maison marou, khách hàng có thể tận mắt nhìn nhân viên làm socola và các loại bánh. (Ảnh: Mekong Capital).

Theo công bố của Marou, thương hiệu có 8 cửa hàng trên toàn quốc tính đến cuối tháng 5/2023. Và con số này đã tăng lên 18 cửa hàng trên toàn quốc vào tháng 9/2024, theo Mekong Capital.

Riêng trong quý III/2024, Marou đã mở thêm hai cửa hàng bán lẻ mới. Một cửa hàng nằm ở Nha Trang, một thành phố biển ở miền Trung Việt Nam. Cửa hàng thứ hai nằm bên cạnh chợ Bến Thành, một điểm du lịch chính ở TP HCM.

Không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, các sản phẩm của Marou đã có mặt trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại cuộc thi International Chocolate Awards 2021-2022, Marou đã rinh về ba giải thường gồm một giải bạc, hai giải đồng và ghi danh Việt Nam trên bản đồ socola thế giới.

Tăng trưởng ấn tượng

Sự quyết tâm, chỉn chu và tiềm năng của Marou đã nhận được cái gật đầu từ Mekong Capital – công ty tư vấn quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam được thành lập với mục tiêu tập trung đầu tư duy nhất vào các công ty tư nhân Việt Nam (thay vì các doanh nghiệp nhà nước và công ty liên doanh).

Tháng 4/2021, Mekong Capital thông báo quỹ Mekong Enterprise Fund IV Limited Partnership (MEF IV) đã hoàn tất khoản đầu tư vào Marou, song con số chi tiết không được tiết lộ.  

Khoản đầu tư từ MEF IV đã giúp Marou mở rộng quy mô của hai chuỗi Maison Marou và Trạm Marou. (Ảnh: Mekong Capiatl).

Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) ra mắt vào năm 2019 với vốn cam kết 246 triệu USD, cao hơn gấp đôi quỹ Mekong Enterprise Fund III trước đó.

MEF IV rót vốn từ 10 đến 35 triệu USD cho các khoản đầu tư thiểu số hoặc đầu tư nắm quyền kiểm soát. MEF IV hoạt động trong 10 năm, Marou là khoản đầu tư đầu tiên quỹ.

Tính đến ngày 15/5/2024, MEF IV đã công bố đầu tư vào 9 công ty gồm Marou, F88, Mutosi, LiveSpo, Gene Solutions, HUSK, YOLA International Program….

Thông tin Mekong Capital công bố, với khoản đầu tư từ MEF IV, Marou đã mở rộng quy mô của hai chuỗi Maison Marou và Trạm Marou, phát triển các sản phẩm mới, cũng như xây dựng đội ngũ lãnh đạo. 

Theo báo cáo của Mekong Capital, trong 9 tháng đầu năm 2024, Marou ghi nhận mức tăng trưởng 64% doanh thu thuần trên toàn bộ mạng lưới bán lẻ với 18 địa điểm trên toàn quốc.

Cập nhật dữ liệu từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Sôcôla Marou hiện có trụ sở chính tại thành phố Thủ Đức, TP HCM. Người đại diện pháp luật là Vincent Mourou – Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Tính đến tháng 4/2023, công ty có vốn điều lệ hơn 115 tỷ đồng, trong đó, Marou International Holding Limited có trụ sở tại Hồng Kông nắm 99,992% vốn, Vincent Mourou và Goudie Samantha Yumiko, mỗi bên cùng nắm 0,004% vốn.

Hoàng Dung