|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sức cầu yếu bóp nghẹt nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng 6 tháng đầu năm

20:00 | 22/08/2023
Chia sẻ
Trong 12 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu trên sàn thì quá nửa báo doanh thu suy giảm so với cùng kỳ trong bối cảnh người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng" vì lạm phát. Đồng thời biên lãi gộp nhiều doanh nghiệp cũng bị thu hẹp do giá vốn đầu vào cao.

 Người dân có xu hướng cân nhắc chi tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng. (Ảnh minh họa: MH).

Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, doanh nghiệp sản xuất

FMCG điêu đứng

Nửa đầu năm, doanh nghiệp ngành sản xuất, bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cùng lúc đối mặt với loạt khó khăn: Sức mua suy yếu cả trong và ngoài nước khi người dân có xu hướng tiết kiệm, chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận. Ngoài ra, chi phí sản xuất đầu vào biến động cũng là yếu tố khiến những đơn vị kinh doanh này đứng ngồi không yên.

Với nhóm ngành này, khách hàng thường nhạy cảm về giá bán và bất kì sự thay đổi nào cũng có thể khiến người mua thay đổi sự lựa chọn.

Báo cáo năm 2023 của Kantar - Tập đoàn đa quốc gia về nghiên cứu - tư vấn tầm nhìn thị trường viết "giá cả leo thang khiến người tiêu dùng trở nên lo lắng hơn về việc làm và thu nhập, trong bối cảnh sa thải hàng loạt diễn ra từ quý IV/2022. Điều này dẫn đến người tiêu dùng sẽ siết chặt chi tiêu và cân nhắc kĩ hơn khi mua sắm". 

Còn theo chia sẻ của một quản lý lâu năm trong ngành FMCG tại một tập đoàn hàng đầu Việt Nam, nhìn chung nhu cầu các ngành hàng từ nước giải khát đến thực phẩm đều suy giảm, riêng các sản phẩm chăm sóc cá nhân vẫn tăng tốt.

 Nguồn: Wichart.

Thống kê sơ bộ của 12 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu (đồ uống, bột giặt, nước mắm, dầu ăn, cà phê,…) dưới đây cho thấy, phân nửa báo doanh thu đi lùi vì người dân có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu. Đồng thời biên lãi gộp cũng bị thu hẹp do giá vốn đầu vào cao.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất nhỉnh hơn so với cùng kỳ, song song đó là các chi phí hoạt động như quảng cáo, bán hàng bị đội lên để kích cầu cũng là nguyên nhân khiến đa số báo cáo lợi nhuận thụt lùi.

Thống kê của Chứng khoán VNDirect cho thấy quý II, nhóm đồ uống ghi nhận lãi ròng giảm 27%, hàng gia dụng và cá nhân giảm 42% còn nhóm thực phẩm lại tăng 6,1% so với cùng kỳ.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) là tập đoàn sản xuất dầu ăn, kem lạnh, bánh kẹo. Thị phần của KIDO trong mảng dầu ăn và kem lạnh thuộc top đầu thị trường.

Ban lãnh đạo KIDO cho biết, nhu cầu tiêu dùng thời gian qua “giảm một cách đặc biệt”. Từ cuối 2022 và đầu 2023, khi giá cọ đầu vào ổn định hơn, thay vì dự đoán người dân sẽ ào ạt mua vào như cùng kỳ, thì lúc này sức tiêu thụ lại chậm đi. Quý II vừa rồi, doanh thu thuần KIDO giảm 33% so với quý II/2022.

 

"Giai đoạn tháng 9/2021 - tháng 9/2022 giá dầu cọ đầu vào biến động khôn lường, điều này đã làm xáo động thị trường. Đến cuối 2022 và sang nửa đầu 2023, giá dầu cọ đã ổn định, và giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên có một điều là, khi giá dầu tăng, người tiêu dùng ào ạt mua. Đến khi giá đã ổn định, sức tiêu thụ lại chậm đi".

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc KIDO

Tuy nhiên nhờ có thêm khoản doanh thu từ hoạt động từ thanh lý đầu tư ghi nhận hơn 898,4 tỷ từ việc thoái vốn tại Calofic, KIDO Foods và đầu tư mới vào mảng bánh Thọ Phát nên lãi sau thuế của tập đoàn tăng 198% lên mức cao nhất kể từ quý III/2016.

Thị trường bột giặt vốn rất cạnh tranh, trong đó đa số thị phần thuộc về tay doanh nghiệp ngoại là Unilever và P&G (khoảng 70%). Với thị phần khiêm tốn, Bột giặt LIX (Mã: LIX) phải tìm mọi cách để vươn lên ngay trên “sân nhà”. Quý II vừa rồi, Bột giặt LIX ghi nhận doanh thu thuần giảm 3%.

Cả quý II, lợi nhuận sau thuế của Bột giặt LIX giảm 31% về 48 tỷ đồng. Cần lưu ý là trong quý này, công ty có khoản lợi nhuận được chia của công ty liên kết là Công ty TNHH Xalivico.

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN), cả hai công ty ngành bia này đều ghi nhận sự suy giảm về doanh thu, lần lượt giảm 8% và 3%. Đồng thời, biên lãi gộp của Sabeco và cả Habeco đều mất vài điểm % so với quý II/2022. Nhưng so với quý đầu năm 2023, tỷ suất của Sabeco thu hẹp, trong khi chỉ số của Habeco hồi phục.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Sabeco cho biết kết quả kinh doanh thấp hơn so với quý II năm ngoái do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng với chi phí bao bì, nguyên vật liệu, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn.

Theo Sabeco, xu hướng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu năm 2023 của tổng công ty.

Đồng thời, doanh thu và lợi nhuận của Sabeco nói riêng và nhóm đồ uống có cồn nói chung còn bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100 của Chính phủ về việc cấm uống rượu bia khi lái xe.

Những gam sáng trong bức tranh u ám

Bức tranh của nhóm sản xuất hàng FMCG không quá ảm đạm khi một số công ty vẫn có doanh thu tăng trưởng hai chữ số bất chấp sức mua chung của thị trường ì ạch.

Quý II, CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) ghi nhận 3.152 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế của QNS đạt 712 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ và là quý có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Giải trình về kết quả kinh doanh, QNS cho biết sau dịch COVID-19, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo có giảm nhẹ nhưng công ty đã nỗ lực kiểm soát chi phí nên lợi nhuận các sản phẩm vẫn xấp xỉ cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của công ty vẫn duy trì ổn định và ghi nhận mức tăng trưởng cao, như sản phẩm đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%,…

Hiện tại QNS đang sở hữu vùng nguyên liệu mía An Khê (Gia Lai) - vùng trồng mía lớn nhất nhì cả nước. Việc giá đường lập đỉnh 12 năm do các vùng trồng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng thời tiết xấu El Nino đã giúp những công ty trồng mía nói chung và QNS nói riêng kinh doanh hiệu quả. Không chỉ QNS mà nhiều doanh nghiệp đường cũng ghi nhận lãi đột biến trong quý qua.

 Diễn biến giá đường trong 10 năm qua (Nguồn: Tradingeconomics, đơn vị: US Cent/pound). 

Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, mảng kinh doanh các sản phẩm đường mang lại nguồn thu chính cho QNS với gần 2.220 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 43% tổng doanh thu, trong khi tỷ trọng cùng kỳ là 22%. Theo sau là mảng sữa đậu nành với 1.978 tỷ đồng doanh thu (chiếm 38%); còn lại hơn 18% doanh thu đến từ các hoạt động kinh doanh khác. 

Đường Quảng Ngãi sở hữu mảng sữa đậu nành Fami và và việc giá đường lập đỉnh trong 12 năm chính là động lực giúp công ty báo lãi quý cao kỷ lục. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Dẫn đầu trong thị trường đường Việt Nam với 46% thị phần, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: SBT) cũng được hưởng lợi nhờ giá đường tạo đỉnh 12 năm, doanh thu tăng trưởng 24% lên 6.800 tỷ trong quý II vừa rồi. Nhưng do chi phí tài chính (gấp 2,2 lần) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 21%) khiến mức lãi sau thuế giảm 66% về 77 tỷ đồng.

Ngành hàng gia vị của MCH ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu quý II/2023 gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa: MH).

Masan Consumer (Mã: MCH) là một trong những công ty hàng tiêu dùng nhanh trong nước lớn nhất Việt Nam. Công ty sản xuất và phân phối nhiều loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống với các thương hiệu như tương ớt Chinsu, mì Omachi, nước tương Tam Thái Tử, nước khoáng Vĩnh Hảo,…

Quý II/2023, các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, và sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình (HPC) ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là  29,8%, 24,6%, và 73,6% so với cùng kỳ. 

MCH cho biết tăng trưởng các ngành hàng nói trên cộng hưởng với kiểm soát chi phí nguyên vật liệu đầu vào giúp gia tăng lợi nhuận gộp, từ đó bù đắp được phần chi phí hoạt động. Kết quả lợi nhận sau thuế tăng 56% so với cùng kỳ.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Minh Hằng