|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Hồ Xuân Năng: Vicostone không có ý định phát triển thị trường châu Á, dự kiến nhận nhà máy nhựa từ công ty mẹ trong quý II hoặc quý III

10:10 | 12/04/2023
Chia sẻ
Chủ tịch HĐQT Vicostone kỳ vọng việc chuyển giao nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no, có thể hoàn thành trong quý II hoặc quý III tới. Sau khi chuyển nhượng, chuỗi cung ứng đầu vào gần như toàn bộ sẽ do Vicostone kiểm soát và sẽ quay trở lại cung ứng cho các nhà máy khác của tập đoàn mẹ ngoài Vicostone.

Sáng 12/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Vicostone (Mã: VCS) tại trụ sở ở Khu công nghệ cao Hoà Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên của Vicostone. (Ảnh: HK).

Năm 2023, Vicostone đề ra hai kịch bản kinh doanh. Kịch bản thứ nhất, công ty đặt mục tiêu 5.891 tỷ đồng doanh thu hợp nhất tăng 4%, 1.325 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giảm gần 4% so với cùng kỳ.

Kịch bản thứ 2, công ty lên kế hoạch 4.713 tỷ đồng doanh thu, 1.060 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt 17% và 23% so với năm 2022. Công ty cho biết, kịch bản này được đặt trong điều kiện các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội tác động không thuận lợi tới hoạt động kinh doanh của công ty.

 Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart và Vicostone.

 Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart và Vicostone. 

Với kịch bản tiêu cực, mức lợi nhuận của Vicostone rơi về mức thấp nhất 7 năm và doanh thu về mức thấp nhất 5 năm.

 Nguồn: Vicostone.

Vicostone cho biết thực tế, tình hình kinh tế cũng như thị trường xây dựng chưa có những dấu hiệu phục hồi, thậm chí việc tránh một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ được các chuyên gia kinh tế dự báo ngày càng khó khăn hơn. Năm 2023 được dự báo sẽ là một năm đặc biệt khó khăn, không chỉ với riêng Vicostone mà với hầu hết các công ty trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu nói chung. 

Tại đại hội, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT đã nêu ra 6 rủi ro của Vicostone. 

Thứ nhất là rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu. Nếu kịch bản suy thoái kinh tế xảy ra, đây sẽ là thách thức lớn đối với Vicostone trong việc phát triển thị trường, đẩy mạnh doanh số bán hàng theo kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Trước bối cảnh đó, Vicostone đã chủ động xây dựng các phương án kinh doanh ngay từ đầu năm để ứng phó. Với kịch bản thị trường suy thoái, Vicostone sẽ thực hiện chính sách ưu tiên giảm lượng hàng tồn kho, đàm phán và thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khách hàng.

Mặt khác, Vicostone sẽ tập trung vào công tác R&D sản phẩm, chủ động đầu tư nâng cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất để chuẩn bị cho pha tăng trưởng kế tiếp khi thị trường thuận lợi hơn.

Thứ hai, rủi ro về gia tăng áp lực cạnh tranh bao gồm cạnh tranh về đối thủ và sản phẩm.

Trong đó, áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất đá thạch anh sẽ ngày càng khốc liệt, đặt biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy thoái trong năm 2023, yếu tố giá được xem là một vấn đề quan tâm lớn của khách hàng, đặt ra những thách thức lớn đối với Vicostone khi đang ở vị thế sản phẩm phân khúc cao.

Thứ ba là rủi ro bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ Mỹ bao gồm rủi ro bị điều tra áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh và rủi ro bị Mỹ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Thứ tư là rủi ro lạm phát và lãi suất tiếp tục neo ở mức cao. Năm 2023 dự báo tiếp tục là năm thách thức với Vicostone trong việc kiểm soát chi phí đầu vào khi giá cả hàng hoá và mặt bằng lãi suất huy động vốn có thể tiếp tục tăng ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của công ty. 

Thứ năm là rủi ro doanh thu tập trung vào một số thị trường. 

Cuối cùng là rủi ro pháp lí trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Trong đó có rủi ro thay đổi tiêu chuẩn về nồng độ bụi silic.Tại các nước phát triển, vấn đề bụi phổi ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Từ năm 2022, một số nước như Úc, Mỹ bắt đầu đã có những biện pháp siết chặt quản lí trong lĩnh vực chế tác đá để hạn chế bụi phổi.

Công ty đánh giá những năm tới, các nước phát triển có thể thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong kiểm soát và quản lí rủi ro trong môi trường làm việc phát sinh bụi silic. Thậm chí có thể thay đổi chính sách liên quan tới tiêu chuẩn về môi trường sản xuất và điệu kiện làm việc trong môi trường phát sinh bụi silic theo hướng khắt khe hơn. Lệnh cấm nhập khẩu hoặc cấm sản xuất hoàn toàn có thể được áp dụng nếu các nhà sản xuất, chế tác đá không đảm bảo tuân thủ theo các quy định đã ban hành.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty đã thực hiện việc tạm ứng cổ tức bằng tiền tổng tỷ lệ 60% (6.000 đồng/cp) trong tháng 6 và tháng 12/2022. 

Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng ủy quyền cho Hội đồng quản trị công ty quyết định thời gian và mức tạm ứng cổ tức năm 2023. Việc quyết toán cổ tức năm 2023 sẽ được quyết định tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Huỷ phương án mua lại 4,8 triệu cổ phiếu

Vicostone đã trình cổ đông việc huỷ phương án mua lại 4,8 triệu cổ phiếu VCS đã được ĐHĐCĐ thông qua ngày 28/12/2022 nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của cổ đông và nhà đầu trước tình hình thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến phức tạp.

Với mức giá cổ phiếu VCS kết phiên 11/4 là 51.600 đồng/cp, ước tính doanh nghiệp phải chi khoảng 247 tỷ để mua lại cổ phiếu.

Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá lại thị trường, công ty nhận thấy tình hình kinh tế có thể tiếp tục biến động, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường chính của Vicostone – thị trường xuất khẩu. Trong khi công ty đang có kế hoạch nhận chuyển nhượng dự án nhà máy hoá chất để đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty trong dài hạn.

Liên quan tới kế hoạch nhận chuyển nhượng dự án nhà máy hoá chất, Vicostone đã trình ĐHĐCĐ thông qua việc nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no có khả năng chịu bức xạ UV và bền thời tiết, ứng dụng trong sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh và vật liệu compozit khác”.

Bên chuyển nhượng là CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) - công ty mẹ của Vicostone. Giá trị chuyển nhượng sẽ căn cứ vào giá trị định giá của đơn vị định giá độc lập.

Theo công bố, dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc chấp thuận kết quả nghiệm thu đưa vào hoạt động. Hiện tại, dự án đã đi vào khai thác và vận hành ổn định, công suất thực tế có thể đạt được là 24.000 tấn/năm. Sản lượng sản xuất năm 2021 khoảng 18.773 tấn, năm 2022 là 15.600 tấn/năm.

Vicostone đánh giá, dự án này sẽ giúp công ty chủ động về nguồn nguyên vật liệu sản xuất, tăng nguồn thu cho công ty từ hoạt động kinh doanh hoá chất.

Chia sẻ về dự án, Chủ tịch Vicostone nhận định đây là dự án tập đoàn mẹ đầu tư rất nhiều công sức bao gồm cả tài chính và con người. Dự án hoạt động từ năm 2021 và trong hai năm vừa qua đã có lãi.

Năm 2021 hoạt động gần hết công suất. Dự báo năm 2023, 80% công suất dành cho tập đoàn, 20% công suất để bán ra bên ngoài.

Giải thích việc vì sao tới hiện tại mới nhận chuyển nhượng dự án, ông Năng cho hay là do vướng mắc về việc bàn giao đất. Tính tới hiện tại, tập đoàn đang làm thủ tục bàn giao đất, sau đó sẽ tách dự án ra khỏi tập đoàn thành một công ty. Khi đã thành lập công ty thì sẽ chuyển giao nguyên trạng cho Vicostone.

Ông Năng kỳ vọng việc chuyển giao sẽ dự kiến hoàn thành trong quý II hoặc quý III tới. Sau khi chuyển nhượng, chuỗi cung ứng đầu vào gần như toàn bộ sẽ do Vicostone kiểm soát và sẽ quay trở lại cung ứng cho các nhà máy khác của tập đoàn ngoài Vicostone, trái ngược với trước đây. Do đó, việc kiểm soát, hạch toán sẽ trở nên rõ ràng. 

Trong quá trình chuyển giao, Vicostone sẽ mời đơn vị định giá độc lập, trên cơ sở tất cả các dữ liệu đã được kiểm toán đầy đủ về tài sản, đầu tư, tính hiệu quả. 

Việc chuyển giao sẽ đảm bảo trên tinh thần lợi ích của cổ đông. Do đó, tất cả các cổ đông liên quan tới quyền lợi của Tập đoàn Phenikaa không được tham gia biểu quyết nội dung này tức toàn bộ cổ đông bên ngoài không có quyền biểu quyết.

Ngoài ra, doanh nghiệp đã được thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT Nguyễn Diệu Thuý Ngọc. Đồng thời, thông qua danh sách ứng viên bầu thay thế vào HĐQT là ông Phạm Trí Dũng.

Quý I ước lãi giảm một nửa

Tại đại hội, ông Hồ Xuân Năng đã tiết lộ kết quả quý I với doanh thu giảm 37-38%, lợi nhuận giảm một nửa. Quý I chỉ đạt 190 tỷ lợi nhuận sau thuế trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng 371 tỷ. Song ông Năng cho rằng đây vẫn là một con số may mắn nếu phân tích tất cả các điều kiện đầu vào và thị trường. Doanh số giảm theo đà giảm chung của thị trường.

Tháng 1 và tháng 2, sản lượng suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái và suy giảm so với những tháng trước đây. 

"Quý I và quý II năm nay sẽ khác với năm ngoái. Năm ngoái, đầu năm chúng ta còn nhìn thấy sự lạc quan nhưng sau đó đi xuống hai quý cuối năm. Nhưng năm nay dự báo ngược lại khi kết quả sẽ hồi phục nửa cuối năm mặc dù thị trường vẫn đang khủng hoảng".

Người đứng đầu Vicostone cho rằng kịch bản kinh doanh số 2 sẽ là kịch bản vừa với kết quả kinh doanh quý I. Tuy nhiên, Vicostone vẫn nỗ lực để đạt được kịch bản kinh doanh số 1, tăng trưởng một chút so với năm 2022.

Ngoài ra, ông Năng cũng tiết lộ thêm đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Vicostone là Cesarstone cũng chỉ xây dựng kịch bản 2023 tương đương 2022.

Thảo luận: 

Cơ cấu doanh thu năm 2022 ở các thị trường và triển vọng kinh doanh của các thị trường này năm nay?

Ông Hồ Xuân Năng: Đối với các thị trường Úc - Vicostone đã từ bỏ hai năm nay - đó là một may mắn. Vì thị trường Úc có phát sinh vấn đề kiện cáo liên quan tới bệnh bụi phổi khiến doanh nghiệp chịu hậu quả nặng nề. Chính phủ Úc đã cấm sản phẩm đá thạch anh ở Úc.

Thị trường Mỹ, Canada vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong doanh thu của doanh nghiệp. Trong đó doanh thu thị trường Mỹ chiếm khoảng 65% còn doanh thu thị trường Canada khoảng 25-30%, thị trường châu Âu chiếm 10%.

Còn riêng thị trường Việt Nam đạt doanh thu khoảng 12 triệu USD năm 2022 (đá tấm). Năm nay, dự báo doanh thu nội địa chỉ tương đương năm ngoái khi nhu cầu không lớn.

Dự kiến cổ tức 2023 khoảng bao nhiêu %?

Ông Hồ Xuân Năng: Mức chi trả cổ tức 2023 sẽ theo tình hình kinh doanh và đảm bảo an toàn vốn trong tình hình lãi suất cao. HĐQT sẽ quyết định mức chi trả dưới sự uỷ quyền của ĐHĐCĐ. Nếu đạt như kịch bản kinh doanh thứ hai thì cổ tức tối thiểu 20-30%.

Rủi ro thay đổi tiêu chuẩn về nồng độ bụi silic ở thị trường Úc liệu có xảy ra ở thị trường khác không?

Ông Hồ Xuân Năng: Xảy ra ở Úc thì có thể xảy ra ở khắp nơi nhưng quan trọng là xảy ra lúc nào. Đây là một rủi ro của Vicostone. Vicostone đã có giải pháp nhưng xin không chia sẻ vì đây là bí mật kinh doanh. Song đây không phải là yếu tố rủi ro quá lớn.

Tổng vốn đầu tư của Phenikaa ở nhà máy sản xuất nhựa Polyester không no là bao nhiêu? Việc nhận chuyển nhượng này có giúp cải thiện biên lợi nhuận của VCS không?

Ông Hồ Xuân Năng: Giấy phép đầu tư dự án là 40 triệu USD, mới hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 khoảng 25 triệu USD. Dự án đã hoạt động 3 năm và có hiệu quả.

Về định giá ra sao sẽ có đơn vị định giá độc lập nên ông xin phép không chia sẻ. Doanh nghiệp sẽ công khai số liệu khi có định giá.

Ông Năng chia sẻ đã đầu tư thì chắc chắn phải hiệu quả hơn nhập khẩu. 40% giá thành sản xuất là nhựa này. Nếu nhập khẩu thì vướng mắc nhiều vấn đề liên quan tới hải quan, thuế trong bối cảnh cơ quan nhà nước đang chống lẩn tránh, chống bán phá giá thì việc truy xuất nguồn gốc rất rắc rối.

 

Trong khu vực châu Á thì tiêu thụ đá thạch anh rất triển vọng, Vicostone có tính phát triển mạnh ở các thị trường này không?

Ông Hồ Xuân Năng: Thị trường châu Á, Vicostone vẫn bán cho Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ nhưng số lượng ít. Sản phẩm của Trung Quốc giá bằng 1/2 so với Vicostone nên không cạnh tranh được. Nếu bán ngang ngửa Trung Quốc thì Vicostone sẽ lỗ.

Trung Quốc bán rẻ vì sản phẩm nguyên liệu rẻ, chất lượng thấp hơn. Ông nhận định thị trường châu Á không cạnh tranh được và không có hi vọng kể cả có mất nhiều công sức hay có làm marketing.

Đối với việc phát triển ở thị trường Việt Nam, thị hiếu của người Việt đã có sự thay đổi song vẫn có tâm lý sính ngoại.

"Rất nhiều người biết đá thạch anh của Vicostone nhưng vẫn muốn nhập đá ở Ý, Tây Ban Nha về với mức giá gấp 2-3 lần giá Vicostone. Làm một cái bếp hết 200 triệu tiền đá nhập khẩu song nếu dùng đá của Vicostone chỉ mất 50 triệu. Đá của Vicostone không hề kém một sản phẩm đá nào trên thế giới", ông Năng chia sẻ.

Ông cũng nói thêm vì thị trường Việt Nam bán ít nên sẽ không giảm giá.

Năm 2022 công ghi nhận lỗ tỷ giá, doanh nghiệp có phương án nào để giảm thiểu rủi ro lỗ tỷ giá năm nay?

Ông Hồ Xuân Năng: Là một doanh nghiệp xuất khẩu thì "nước nổi thì bèo bổi", có thời kỳ lãi cũng có thời kỳ doanh nghiệp lỗ tỷ giá. Lãi/lỗ tỷ giá phụ thuộc vào chênh lệch kim ngạch xuất khẩu của Vicostone và việc vay bằng VND. Công ty đã tối đa hoá việc vay USD. Gần đây việc vay bằng USD cũng ngang ngửa vay VND.

Xuất khẩu càng nhiều trong khi lượng mua nguyên vật liệu bằng USD càng ít thì đảm bảo cân bằng chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, việc quản lý rủi ro này còn phụ thuộc vào hiệu quả chỉ đạo vĩ mô của ngân hàng nhà nước liên quan tới vấn đề tỷ giá.

Quý I, ước tính Vicostone có lãi chênh lệch tỷ giá. 

Công ty có dự kiến huy động thêm vốn cho việc nhận chuyển nhượng nhà máy sản xuất nhựa? 

Ông Hồ Xuân Năng: Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Vicostone thì thấy Vicostone không thiếu tiền, nên doanh nghiệp không phải huy động thêm. Vốn vay lưu động có hạn mức 4.000 tỷ nhưng Vicostone không bao giờ vay hết. 

Công suất của Vicostone hiện tại khoảng bao nhiêu? Dự kiến công suất tối đa năm nay ra sao? 

Ông Hồ Xuân Năng: Công suất tổng hợp gồm 6 chuyền với 3 triệu m2/năm. Hiện Vicostone chỉ vận hành trên 50% công suất trong bối cảnh khó khăn hiện nay. 

Công ty cố gắng không sa thải nhân công. Điểm quan trọng bây giờ là tối ưu hoá tài chính, tồn kho bên cạnh chiến lược sản phẩm cho thị trường. 

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Hoàng Kiều

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.