ĐHĐCĐ MWG: Công bố người mới dẫn dắt Bách Hoá Xanh, tiết lộ chiến lược của ngành hàng Apple khiến đối thủ rên siết
Chiều 8/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) theo hình thức trực tuyến và trực tuyến.
Tổng số cổ đông của MWG là 30.438. Tính tới 13h30, đại hội có sự tham gia của 1.489 cổ đông, đại diện cho 57,83% cổ phần có quyền biểu quyết.
Ngay khi mở đầu buổi họp, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT đã có những lời nhắn gửi tới cổ đông của tập đoàn: "Đối với cổ đông trung và dài hạn, tôi xin gửi lời xin lỗi vì năm 2022 đã không hoàn thành được cam kết về doanh thu và lợi nhuận đã đưa ra từ đầu năm. Thứ hai, tôi cũng gửi lời cảm ơn vì ngay cả trong những giai đoạn đó các quý cổ đông trung và dài hạn cũng không ồ ạt bán cổ phiếu, tiếp tục nắm giữ và tin vào tương lai của tập đoàn. Điều này cũng giúp cho tinh thần cổ đông nhỏ lẻ khác cũng bình ổn hơn. Tôi tin trong 1 hoặc tối đa 1,5-2 năm tới mọi thứ sẽ quay lại và chúng ta sẽ lại bước vào giai đoạn trong sự phát triển của cả đất nước và MWG".
Ngay sau đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT đã công bố thông tin về người sẽ thay ông dẫn dắt chuỗi Bách Hoá Xanh là ông Phạm Văn Trọng. Ông Trọng năm nay 44 tuổi, đã gia nhập MWG từ năm 2004, tức có hơn 18 năm làm việc ở tập đoàn.
Trước khi tham gia đội ngũ lãnh đạo của CTCP Thương mại Bách Hoá Xanh với vai trò Giám đốc Vận hành từ năm 2019, ông từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của MWG.
Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ: "Từ tháng 1/2022 đến nay, sau 15 tháng tôi đã liên tục kèm cặp, đánh giá 4 bạn. Cuối cùng, MWG quyết định chọn anh Trọng là người dẫn dắt Bách Hoá Xanh đi về tương lai. Anh Trọng cũng là Quyền Giám đốc điều hành đầu tiên bổ nhiệm xong, là từ tháng sau sẽ không nhận lương cho đến khi mọi thứ hiệu quả. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm lớn của anh, và hy vọng Bách Hoá Xanh sẽ được dẫn dắt đến điểm hoà vốn và tương lai vĩ đại MWG đặt ra.
Mục tiêu 4.200 tỷ lợi nhuận năm 2023
Năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ ở mức 1% và 2% so với kết quả thực hiện năm 2022. Phương án chi trả cổ tức năm 2022 và 2023 chưa được doanh nghiệp công bố.
Kế hoạch kinh doanh được công ty đưa ra dựa trên tình hình hiện tại và giả định sức mua sẽ có sự hồi phục tích cực từ quý III/2023.
Trong những tháng đầu năm, Thế Giới Di Động cho biết kết quả sơ bộ về sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn so với dự báo của doanh nghiệp.
- TIN LIÊN QUAN
-
Doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sụt 32% trong hai tháng, siết mạnh tồn kho để kiểm soát chi phí 27/03/2023 - 15:37
Tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao đang diễn ra ngay cả với nhóm khách hàng trung - cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng thu nhập thấp cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp.
Tại đại hội, ông Nguyễn Đức Tài đã cam kết với cổ đông sẽ nổ lực hết mình để kiểm soát mọi thứ, dù hoàn cảnh khách quan không thuận lợi nhưng sẽ nỗ lực để tạo ra kết quả tốt nhất. "Đồng cam cộng khổ và đồng lòng chiến đấu để tạo ra một năm tốt hơn".
Về phương án chia cổ tức, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2022, MWG dự kiến chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt (500 đồng/cp). Công ty không có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu như những năm trước trong bối cảnh MWG dự kiến sẽ thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ trong năm nay nếu tình hình dòng tiền và giá cổ phiếu phù hợp.
Với 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính MWG sẽ chi khoảng 732 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho năm 2022. Thời gian thực hiện trong năm nay.
Định hướng các mảng năm 2023
Về định hướng cụ thể đối với từng mảng kinh doanh, công ty nhận định biên lợi nhuận gộp của chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) sẽ thấp hơn giai đoạn 2021-2022. Điều này đến từ sức mua yếu và việc tiếp tục triển khai các chương trình giảm giá để bán hàng.
Chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) sau tái cấu trúc đã có dấu hiệu bền bỉ hơn trong bối cảnh thị trường khó khăn. Doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số và đạt điểm hoà vốn đối với chuỗi này vào cuối năm nay.
Thế Giới Di Động cho biết sẽ thay đổi cách thức vận hành kho vận để đảm bảo chất lượng hàng hoá, giảm hao hụt, giảm huỷ hàng tươi sống để tạo dư địa tăng biên lợi nhuận gộp và cải thiện hiệu suất logistic của chuỗi.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT và cũng là người phụ trách hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) chia sẻ nền kinh tế khó khăn đã tác động tới sức mua và khiến doanh thu của hai chuỗi TGDĐ và ĐMX sụt giảm.
Song MWG nhìn nhận đây là cơ hội của tập đoàn. TGDĐ và ĐMX có thể coi đang có một cuộc tái sinh. Nhân cơ hội này, MWG sẽ tiến hành củng cố lại về mặt chi phí, vận hành, con người. Với tất cả sự chuẩn bị khi thị trường quay trở lại, chúng tôi sẽ có một sự bứt phá.
Với thị trường Indonesia, với sự chuẩn bị cho thị trường thì sẽ không quá lâu sẽ tạo ra kết quả nhất định.
Còn đối với chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi của hàng AVA Kids, công ty cho biết sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những của hàng có lợi nhuận dương. Năm 2023, doanh nghiệp sẽ tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí vận hành để cải thiệu hiệu suất hoạt động và giảm lỗ.
Ông Hiểu Em nhìn nhận nnhà thuốc An Khang hay AVAKids còn đang là một ẩn số. An Khang sẽ phấn đấu doanh thu từ mức 350 triệu/cửa hàng/tháng ở hiện tại lên 450 - 500 triệu/cửa hàng/tháng là có thể hoà vốn và có lời.
AVAKids sau một năm vận hành thì doanh thu/mỗi cửa hàng đạt hơn 1,1 tỷ/tháng. Lượt hoá đơn mua hàng thành công trên 80 lượt và giá trị một đơn hàng khi khách đi ra là khảong 500.000 đồng. Lúc nào đó, nếu thấy ổn MWG sẽ tăng tốc mở rộng.
Bên cạnh đó, công ty đã hoãn việc IPO cho Bách Hoá Xanh từ quý I/2023 sang quý III/2023. Khi IPO chuỗi Bách Hoá Xanh thành công, doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực về chi phí tài chính.
Ngoài ra, công ty dự kiến sẽ thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ trong năm nay nếu tình hình dòng tiền và giá cổ phiếu phù hợp.
Phần thảo luận:
Đại diện Dragon Capital: Chia sẻ về kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, vì sao không còn nội dung ở tờ trình biểu quyết?
Vì sao không dùng số tiền trả cổ tức để mua cổ phiếu quỹ sẽ mang lại giá trị cho cổ đông nhiều hơn là trả cổ tức tiền mặt? Quỹ Dragon Capital khuyến nghị MWG nên giữ lại đề nghị mua cổ phiếu quỹ.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT: Đây là góc nhìn của HĐQT. Đầu tiên việc mua cổ phiếu quỹ phải có dòng tiền cho phép, thứ hai việc mua cổ phiếu làm tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chứ không nên nhìn nhận để đỡ giá cổ phiếu.
HĐQT nhìn nhận nên tách bạch việc mua cổ phiếu quỹ để tăng giá trị cho cổ đông thay vì mua cổ phiếu là một chiêu thức đỡ giá cổ phiếu. Như vậy, thị trường sẽ nhìn nhận vào đây là một giá trị hợp lý để mua vào cổ phiếu là điều không nên.
Năm nay, công ty không hẳn sẽ bỏ đề nghị mua cổ phiếu quỹ. Nếu từ giờ tới cuối năm, dòng tiền rủng rỉnh thì công ty sẽ thực hiện mua cổ phiếu. Song việc mua cổ phiếu quỹ cho cổ đông nhằm tăng giá trị cho cổ đông, bất chấp giá cố phiếu có tăng gấp 2, gấp 3 thì MWG vẫn thực hiện.
Quỹ KIM Việt Nam: Đánh giá về thị trường điện thoại, điện máy năm nay? Ban lãnh đạo có thể chia sẻ về tình hình kinh doanh thị thị trường Indonesia?
- Dự báo về thị trường điện thoại, điện máy:
Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Đánh giá về thị trường điện thoại, điện máy hiện tại thì nền kinh tế của Việt Nam nói chung và thế giới nói chung đều đang khó khăn vì vậy thị trường điện thoại, điện máy cũng bị tác động nhiều.
Ông Hiểu Em dự báo tình hình kinh doanh trong quý vừa qua và vài quý tới tiếp tục khó khăn. Từ góc độ MWG, dự báo khoảng quý III và quý IV, thị trường sẽ khôi phục, nhu cầu mua sắm sẽ tăng lên.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lãnh đạo Thế Giới Di Động tiết lộ lý do đóng toàn bộ chuỗi Bluetronics ngay quý I sau 6 năm vào thị trường Campuchia 17/02/2023 - 16:18
Ông Nguyễn Đức Tài: Dự báo hai quý cuối năm khả quan hơn nửa đầu năm. Nguyên nhân là đơn hàng gia công ở Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, lãi suất sẽ được kiểm soát theo chiều hướng giảm, bất động sản có dấu hiệu được cởi trói những nút thắt lớn, dự báo sắp bước qua đáy. Cuối cùng là đầu tư công, nếu 2-3 năm trước đây chậm chạp thì bây giờ bị thúc ép để đẩy tăng trưởng GDP.
- Về thị trường Indonesia:
Ông Đoàn Văn Hiểu Em: Thị trường Indonesia thời điểm cuối năm 2022 đã hoàn tất mở 5 cửa hàng. Trong quý đầu tiên, tình hình tỏ ra khá tích cực, với 400 m2/cửa hàng doanh thu trung bình 4,5 - 5 tỷ. Ở Việt Nam với mức doanh thu này thì đã có lời, tuy nhiên ở thị trường nước ngoài chi phí khá cao ở thời điểm setup ban đầu.
Ông Hiểu Em cho biết giữa quý II sẽ tăng tốc và mở rộng song với tinh thần mở rộng một cách cẩn trọng.
Ông Nguyễn Đức Tài: Traffic và doanh thu là yếu tố cần nhìn vào một chuỗi bán lẻ. Điều sợ nhất của một mô hình bán lẻ là mở cửa mà không thấy có khách. Mô hình của MWG ở Indonesia khác biệt hoàn toàn so với các mô hình khác ở nước này. Kết quả ban đầu, khách thấy đây là mô hình hiệu quả.
Ban lãnh đạo xin cho biết kế hoạch bán vốn của Bách Hoá Xanh (BHX)?
Đại diện MWG: Giao dịch BHX đang thực hiện là phát hành riêng lẻ tức là phát hành cho một hoặc một vài nhà đầu tư với điều kiện và tỷ lệ nhất định. Sau khi giao dịch này diễn ra, BHX vẫn là công ty tư nhân không phải công ty đại chúng.
Hình thức này hoàn toàn khác với hình thức IPO, IPO là phát hành ra công chúng cho tối đa 100 nhà đầu tư với các điều kiện về quy trình và yêu cầu công bố thông tin chuẩn hoá và sau IPO sẽ trở thành công ty đại chúng.
BHX không IPO mà chỉ phát hành riêng lẻ. Vì tính chất bảo mật của giao dịch nên công ty không thể công bố chi tiết về giao dịch này.
Năm 2023, có phát triển mở rộng các chuỗi nữa không? An Khang có nằm trong kế hoạch mở mới không?
Ông Nguyễn Đức Tài: BHX sẽ mở mới, ngoài BHX thì các chuỗi khác không có hoạt động này. Với việc vận hành của chuỗi thì cửa hàng không hiệu quả sẽ được đóng và nếu cần cửa hàng khác sẽ mở thay thế.
Sức mua kém tập trung ở phân khúc nào? Sức mua hàng điện thoại và điện máy có phải giảm do chính sách siết chặt tín dụng không? Và kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi sức mua chung của thị trường hay hàng tồn kho cao của năm trước?
Ông Hiểu Em: Sức mua sụt do tình hình chung của thị trường ở Việt Nam. Tồn kho MWG vẫn đang quản lý tốt.
Sức mua giảm nằm nhiều ở phân khúc tầm trung trở xuống (mid-end và low-end) cho cả phân khúc điện thoại và điện máy, trong đó điện thoại bị tác động mạnh hơn.
Ông Nguyễn Đức Tài: Doanh thu vay tiêu dùng có giai đoạn chiếm trên 35% tổng doanh thu của MWG, không có đơn vị nào có tỷ lệ cao như MWG. Trước đây có 3-4 đối tác trả góp, hiện giờ chỉ còn 1.
Bên cạnh đó, tỷ lệ duyệt hồ sơ tín dụng rớt mạnh, trước đây tỷ lệ 60-70% thì bây giờ chỉ 20%. Doanh số cho vay trả góp hiện rơi xuống chỉ còn dưới 10%.
MWG làm trả góp bằng hệ thống của mình, tự thu thập thông tin và kết nối với đối tác để vận hành nên mới đạt được tỷ lệ đóng góp 35% doanh thu. Khi thị trường thuận lợi thì MWG là người hưởng lợi. Nhưng những giai đoạn khó khăn như hiện nay thì đơn vị khác chỉ chiếm 5-10% nên không bị tác động nhiều còn MWG bị mất tới 35% doanh thu của chính tập đoàn. Vì vậy việc này tác động lớn tới doanh thu của MWG.
Quỹ Dragon Capital: Tình hình thị trường Apple ở Việt Nam ghi nhận nhu cầu giảm mạnh, trong khi nguồn hàng bị dồn mạnh những tháng gần đây dẫn tới bị giảm giá rất mạnh? Đánh giá của ban lãnh đạo về vấn đề này của ngành hàng Apple?
Ông Hiểu Em: Với dòng iPhone, giá không ổn định, sự sụt giảm nhiều hơn so với năm trước. Một phần do thị trường với sức mua giảm, bên cạnh việc dồn hàng. Quy trình đặt hàng từ Apple có nhiều quy chuẩn, nếu không thực sự sáng suốt rất dễ bị ảnh hưởng.
Khi thị trường tăng thì tồn kho không có để bán nhưng khi thị giảm xuống mà hàng dồn về thì phải giảm giá. Nhưng MWG không vướng phải tình trạng này.
Thậm chí thời điểm này, giá giảm để cạnh tranh với thị trường thì MWG đã nhập hàng mới và bán với giá mới rồi. Theo quan sát, theo chu kỳ sản phẩm thì sản phẩm sẽ giảm giá khi ra mắt sản phẩm mới nhưng năm nay có sự khác biệt là sự giảm giá này diễn ra mạnh hơn. Tuy nhiên MWG không bị ảnh hưởng.
Nói thêm về chiến lược mới của ngành hàng Apple, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ trước đây tập đoàn không quá căn ke tới chênh lệch giá của mình và đối thủ. Đó là khe hở cho đối thủ kiếm khách hàng. Có thời điểm giá của MWG cao hơn đối thủ đến cả vài triệu. Sắp tới hiện tượng này sẽ chấm dứt. MWG sẽ không để chênh lệch giá này trở thành điểm để đối thủ lợi dụng.
"Nếu bạn cũng là cổ đông của đối thủ thì sẽ nghe được những tiếng rên siết trong thời gian tới và sẽ kéo dài. Đây không phải là vấn đề ngắn hạn. Các bạn hãy chuẩn bị cho tinh thần đó", người đứng đầu MWG nhấn mạnh.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành hàng điện thoại, điện máy. Trong 2-3 năm tới ngành hàng nào sẽ có tiềm năng phát triển hơn?
Ông Hiểu Em: Thị phần cho hai ngành hàng này đều trên 50% ở hiện tại. Hiện giờ mức độ mua sắm của hai ngành hàng này đã có sự bão hoà. Trong 2-3 năm tới, sự phát triển của hai ngành hàng này sẽ ngang ngửa nhau.
Ông Robert Alan Willett: Nếu nói về thị trường và tình hình chung ở Việt Nam bị ảnh hưởng chưa bằng các thị trường lớn khác như Mỹ, EU.
Đối với ngành hàng điện thoại sẽ ảnh hưởng nhiều hơn ngành hàng điện máy. Khi khó khăn, biến cố những công ty mạnh nhất sẽ là công ty chiến thắng, vượt qua. Thực ra, giai đoạn khó khăn là cơ hội cho các thương hiệu mạnh có thể mở rộng, tăng tốc và chiếm lĩnh trên thị phần.
"Tôi nói điều này là từ kinh nghiệm của chính mình khi tôi từng điều hành một tập đoàn ở Canada với thị phần ở trong ngành hàng này lên tới 50%, thậm chí 55%. Trong giai đoạn khủng hoảng, các đối thủ gặp khó khăn là thời điểm chúng ta có thể phát triển nhanh và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc chính phủ quản lý các công ty có xu hướng chiếm quá nhiều thị phần tức độc quyền".
Đánh giá về năm nay, ông dự báo chưa có sự khôi phục rõ ràng về hai ngành hàng này. Sang năm 2024, ngành điện máy sẽ có sự khôi phục nhanh hơn ngành điện thoại. Vì điện thoại ở các thương hiệu cùng phân khúc cao cấp thì không có sự khác biệt quá nhiều nên nhu cầu trong tình hình hiện nay sẽ không khôi phục quá nhanh.
Với nhu cầu ở phân khúc cấp dưới sẽ có nhiều mặt hàng có chất lượng tốt hơn.
"Triển vọng với thị trường Indonesia tôi tin MWG sẽ làm tốt ở thị trường này. Ở Indonesia, người tiêu dùng và thị trường tiêu dùng bị thúc đẩy bởi sản phẩm có nghĩa là các nhãn hàng phân phối sẽ lấy sản phẩm làm động lực chính và cái mà chúng ta đưa vào là mô hình chất lượng dịch vụ xuất sắc làm dịch vụ. Chúng ta có thể phục vụ khách hàng tốt cả về sản phẩm và dịch vụ, đó là cơ sở thành công ở thị trường này". đại diện MWG chia sẻ.
BHX có những lợi thế như thế nào để cạnh tranh trong ngành bán lẻ thực phẩm? Đâu là lợi thế lớn nhất của BHX?
Ông Nguyễn Đức Tài: Bán lẻ có 4 mô hình: hypermarket (3.000 - 5.000 m2), supermarket (hơn 1.000 m2), minimarket (chừng vài trăm m2) và mô hình nhỏ nhất là CVS (cửa hàng tiện lợi) dưới 100 m2.
Ở những đất nước mà đất rộng người thưa thì mô hình lớn chiếm ưu thế. Ở đất nước đường xá chật chội, đi xe gắn máy và kẹt xe thì mô hình nhỏ chiếm ưu thế. Ở khu trung tâm thì mô hình nhỏ chiếm ưu thế còn khu vùng ven thì mô hình lớn chiếm ưu thế.
Ở Việt Nam, khá tương đồng với Indonesia, đường phố chật, kẹt xe nên mô hình nhỏ có nhiều lợi thế hơn.
Nói về lợi thế, BHX đang kinh doanh hai nhóm hàng lớn gồm tươi (rau, thịt, cá, trái cây) và khô (thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng).
Đối với nhóm hàng tươi, BHX đang nỗ lực để hàng tươi ngang ngửa thậm chí trong tương lai tốt hơn ở chợ. Sắp tới, một số loại rau và trái cây sẽ trở nên tốt hơn ở chợ.
Chiến lược của MWG là biến nhóm hàng tươi của BHX thành điểm đến của bà nội chợ.
"MWG có thể tự tin nói nơi mua thịt an toàn, ngon lành nhất là BHX chứ không phải chợ. Vì toàn bộ thịt ở đó là của hãng CP và đã được kiểm soát mọi thứ thậm chí giá rẻ hơn ở chợ. Ở BHX sẽ mua được mua được tôm, cá tươi hơn chợ, tôm được lấy từ lúc còn đang bơi và được ngủ đông trong đá trên đường vận chuyển với đường đi ngắn nhất”.
Về vệ sinh thì BHX hơn hẳn chợ còn về độ tươi ngon thì BHX chưa hơn hẳn về mọi mặt hàng nhưng những mặt hàng BHX tập trung vào sẽ tươi ngon hơn. Trong quá khứ, BHX chưa làm tốt về nhóm hàng tươi sống nên có những ấn tượng không tốt nhưng trong tương lai BHX sẽ thành thành điểm đến bà nội chợ.
Nếu cửa hàng có lớn hơn, BHX sẽ tăng hàng tồn kho chứ không tăng thêm SKUs (mặt hàng). Đây sẽ là chiến lược mới của BHX.
Chốt lại các điểm lợi thế của BHX gồm: FMCG là BHX hơn chợ, thực phẩm khô cũng hơn chợ, hàng tươi sống đang trong trạng thái “người tám lạng kẻ nửa cân với chợ” và sắp tới phấn đấu đưa nhóm hàng tươi sống vượt chợ.
Quỹ VCBF: BHX còn phải giải quyết những vấn đề gì để thu hút khách hàng và cải thiện hoạt động chuỗi cung ứng để đạt được kế hoạch kinh doanh trong 2023? Chiến lược của BHX để giải quyết các vấn đề này? Tầm nhìn của BHX trong 3-5 năm tới?
Ông Phạm Văn Trọng - Quyền Giám đốc điều hành BHX: Hoạt động của BHX để thu hút khách hàng là chất lượng và danh mục sản phẩm của ngành hàng tươi là hai vấn đề lớn nhất để cải thiện.
Về chuỗi cung ứng, trước đây BHX áp dụng nhiều mô hình từ nước ngoài. Sau thời gian dài, chúng tôi nhận thấy phải tìm mô hình riêng cho mình, phải thay đổi cách làm để có thể giảm được chi phí vận chuyển xuống.
Điều kiện cần là đáp ứng được mong đợi của khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Tài: Về tầm nhìn chuỗi 3-5 tới, biến BHX thành điểm đến của người tiêu dùng, bà nội chợ trong mua hàng tươi và hàng khô. Trong năm nay, BHX sẽ hoàn tất nâng cao chất lượng hàng tươi sống còn mặt hàng khô chúng tôi có thể tự tin là một sự lựa chọn thú vị và đáng làm cho người tiêu dùng.
BHX đang nỗ lực để chuyển nhu cầu từ các siêu thị lớn về các cửa hàng BHX mini với tần suất và giá trị giỏ hàng tăng lên trong tương lai.
Quá trình tái cấu trúc của BHX đã hoàn tất chưa? Từ giờ tới cuối năm BHX sẽ mở mới bao nhiêu cửa hàng và mục tiêu trong các năm tới? Mục tiêu doanh thu của BHX ba năm tới là bao nhiêu và dự kiến thị phần ra sao?
Ông Nguyễn Đức Tài: BHX đã mở mới cửa hàng trong năm nay rồi, những cửa hàng mở mới nằm ở dưới chân chung cư là mô hình rất mới của BHX.
Việc mở ào ạt theo KPI đó là một bài học đắt giá ở quá khứ, nên việc mở mới sẽ không còn tiếp diễn tình trạng đạt số lượng mà không đạt chất lượng.
"Mở cửa hàng nào thì cửa hàng đó phải thắng. Do đó, MWG sẽ không đặt ra số lượng nào cho năm nay song BHX đang thử nghiệm mở mới ở dưới chân chung cư".
Hai mô hình sẽ mở mới trong tương lai là mô hình 150 m2 và 200 m2. Có thể nói, BHX tạm ngừng với mô hình 300 m2 và 400 m2 chỉ còn hai mô hình 150 m2 và 200 m2 sẽ tiếp tục được mở mới trong tương lai.
Một kế hoạch mở trong 6 tháng cuối năm đang được thảo luận, đánh giá và sẽ bước vào quá trình mở rộng trong tháng 4 và tháng 5 ở những tỉnh BHX có cửa hàng.
Ông Tài khẳng định cũng sẽ không bước ra khỏi những tình BHX đã có cửa hàng. Bởi vì như vậy, BHX sẽ phải đầu tư trung tâm phân phối (DC), khi mà DC chưa đạt hiệu quả sẽ tạo ra lỗ không đáng có cho BHX.
Trong tương lai vài năm tới, MWG chưa có kế hoạch cụ thể. Khi BHX có đồng lãi đầu tiên, sẽ có những kế hoạch tiếp theo cho việc Bắc tiến hay Trung tiến. Năm nay mục tiêu BHX trong quý IV sẽ có tháng nào đó có thời điểm hoà vốn.
MWG đã có hoạt động gì để thu hút được khách hàng thân thiết?
Lãnh đạo MWG: Ứng dụng quà tặng VIP cho khách hàng thân thiết, là kênh hiệu quả để tạo ra khách hàng trung thành.
Từ ngày 1/11/2022, chính thức công bố app quà tặng VIP cho khách hàng thân thiết của MWG bao gồm BHX, TGDĐ, ĐMX, TopZone, chuỗi AVA và An Khang.
Khi mua online hay offline khách hàng đều được tích điểm. Ngoài ra, app cũng có tiện ích khác về dịch vụ hậu mãi, bảo hành hoặc đặt lịch vệ sinh, bảo dưỡng. Từ khi công bố tới nay có 6 triệu khách hàng cài đặt app quà tặng VIP cho khách hàng thân thiết.
Ngoài việc sử dụng app để tặng quà cho khách hàng thì nó cũng là nơi lắng nghe tiếng nói của khách hàng.
Kế hoạch M&A trong ba năm tới?
Ông Nguyễn Đức Tài: MWG chưa có bất kỳ một công ty mục tiêu nào cho hoạt động M&A song vẫn để mở cánh cửa cho hoạt động này để làm tăng sức mạnh cho tập đoàn.
Vì sao kế hoạch 2023 chỉ đi ngang so với 2022 trong khi 2022 công ty đang phải tái cấu trúc?
Ông Nguyễn Đức Tài: Kế hoạch đi ngang là do ảnh hưởng của sức mua khi đang sụt giảm khá nhiều. Nếu sức mua duy trì như năm trước hoặc tăng thì kết quả kinh doanh năm nay sẽ rất “khủng bố”.
Kết thúc đại hội, các tờ trình đều được thông qua.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/