|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ PVTrans: Chủ tịch thông tin lợi nhuận 2023 có thể vượt 1.000 tỷ đồng, quý I lãi trước thuế 278 tỷ đồng

08:40 | 11/04/2023
Chia sẻ
HĐQT PVTrans cho biết kế hoạch bảo trì Nhà máy lọc dầu Dung Quất dời sang đầu năm 2024 và trong năm nay, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ ngừng hoạt động khoảng 45-50 ngày để bảo dưỡng. Ngoài ra, công ty sẽ nghiên cứu phát triển thêm lĩnh vực logistic khác thông qua M&A hoặc hợp tác đầu tư...

Sáng ngày 11/4, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans – Mã: PVT) diễn ra tại Khách sạn Lotte Legend Sài Gòn, TP HCM. (Ảnh: Đăng Nguyên).

Nhà máy Nghi Sơn sẽ ngừng hoạt động 45-50 ngày để bảo dưỡng

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của PVTrans sáng ngày 11/4, ông Nguyễn Duyên Hiếu, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, thông tin thị trường dầu mỏ quốc tế được dự báo sẽ đạt gần 102 triệu thùng/ngày, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước và giá dầu được dự báo tăng mạnh từ giữa năm do Nga dự kiến cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu.

Trong khi đó, thị trường vận tải biển quốc tế được dự báo vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn. Tuy nhiên, triển vọng có thể bị ảnh hưởng bởi những rủi ro liên quan tăng trưởng kinh tế và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Do đó, giá cước trong năm 2023, sẽ hạ nhiệt sau khi tăng trưởng cục bộ trong năm 2022.

Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, đại diện HĐQT trình kế hoạch kinh doanh 2023. (Ảnh: Đăng Nguyên).

Với thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu có thể bị tác động tiêu cực bởi nguy cơ suy giảm đà phục hồi kinh tế và lạm phát còn ở mức cao. Vì vậy, sản lượng vận chuyển dầu thô, xăng dầu và khí LPG dự kiến không tăng trưởng mạnh so với năm 2022.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho biết kế hoạch bảo trì Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được dời sang đầu năm 2024 và trong năm nay Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ ngừng hoạt động khoảng 45-50 ngày để bảo dưỡng.

Tên cơ sở những dự báo này, HĐQT trình và đã được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 538 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 53% so với kết quả của năm 2022.

Doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư là 4.114 tỷ đồng trong năm nay, gồm 3.854 tỷ đồng để đầu tư tàu và 260 tỷ đồng góp vốn vào các đơn vị thành viên. Trong đó, công ty sẽ lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu hơn 1.416 tỷ đồng và phần còn lại huy động từ nguồn vốn vay.

 (Nguồn: Đ.N tổng hợp).

Kế hoạch lãi sau thuế 2021-2025 tăng trưởng bình quân 5%/năm 

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans chia sẻ thêm: “Xác định từ nay đến các năm sau, chúng ta sẽ sống trong môi trường kinh tế biến động. Trong bối cảnh đó, nhiều khi sẽ có nhiều thuận lợi trong ngắn hạn nhưng rủi ro chung lại thể hiện trong dài hạn.”

Theo ông Việt Anh, năm 2023 sẽ có nhiều biến động, thị trường vận tải biển có thể tích cực nhưng công tác đầu tư của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, năm nay, công ty sẽ tháo gỡ những khó khăn để đẩy mạnh đầu tư đội tàu và hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ, tái cấu trúc để phù hợp với tình hình phát triển mới.

Chủ tịch PVTrans cũng đại diện HĐQT trình cổ đông kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng doanh thu 5 năm dự kiến khoảng 39.000 - 42.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3%/năm; lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.800 – 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5%/năm và nộp ngân sách Nhà nước 2.300 – 2.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3%/năm.

Giai đoạn 2021-2025, PVTrans dự kiến chi 7.000 – 9.000 tỷ đồng cho nhu cầu đầu tư, trong đó, chủ yếu là đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị chiếm khoảng 90%, còn lại là đầu tư tài chính.

 Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans, chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: Đăng Nguyên).

Ngoài ra, Chủ tịch Việt Anh thông tin đến cổ đông về định hướng phát triển thêm các lĩnh vực logistic khác. Ông cho biết, nếu công ty có tài chính mạnh thì có thể thực hiện M&A và kết hợp với các đối tác để mở ra cơ hội chuyển dịch sang những hoạt động khác của lĩnh vực này.

Chủ tịch PVTrans cũng đề cập nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp trong thời gian tới rất lớn. Cơ cấu doanh thu hiện nay của PVTrans có 55% đến từ thị trường quốc tế và 45% đến từ thị trường nội địa. Tuy nhiên, cách tính cước của hai thị trường khác nhau, nếu áp dụng chung một cách tính thì doanh thu của PVTrans có đến 75-80% là từ thị trường quốc tế.

Do đó, thị trường nội địa không quá quan trọng và thị phần của doanh nghiệp vẫn được giữ vững. Hiện tại, công ty vận chuyển 100% LPG ở thị trường nội địa và các sản phẩm của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn.

Tăng vốn lên hơn 3.900 tỷ đồng

Cũng tại đại hội hôm nay, HĐQT trình và đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.560 tỷ đồng lên 3.916 tỷ đồng đông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022.

Hiện tại, PVTrans đang có vốn điều lệ hơn 3.236 tỷ đồng, theo kế hoạch công ty sẽ chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% và doanh nghiệp cho biết đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Về kế hoạch chia cổ tức năm 2022, công ty dự kiến chia cổ tức gồm 3% bằng tiền mặt (tính theo vốn điều lệ hiện tại) và 10% bằng cổ phiếu (sau khi đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2021). 

Phiên thảo luận

Cổ đông: Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch đầu tư tàu trong môi trường giá tàu và lãi suất cao?

Đại diện PVTrans: Năm nay, theo kế hoạch công ty mẹ đầu tư khoảng 164 triệu USD cho 6 tàu. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên có kế hoạch đầu tư khoảng 194 triệu USD cho 12 tàu. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch phải tuân thủ nguyên tắc hiệu quả.

Giai đoạn 2021 – 2022, trung bình giá tàu đã tăng 1,5-2 lần, có loại tàu tăng đến ba lần. Hiện tại, giá tàu Aframax hơn 40 triệu USD và tàu VLCC khoảng hơn 70 triệu USD, cực kỳ đắt. Do đó, triển khai đầu tư tàu VLCC trong năm nay là rất khó khăn.

Doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư vào các tàu hoá chất với tải trọng 13.000 – 20.000 tấn. Trong quý I, doanh nghiệp đã đầu tư xong một tàu hoá chất đóng tại Nhật Bản.

Cổ đông: Đề nghị HĐQT giải thích về cơ chế trích khấu hao?

Đại diện PVTrans: Giai đoạn vừa qua PVTrans có chính sách rút ngắn thời gian khấu hao tàu để mang lại tình hình tài chính ổn định. Công ty đang rút ngắn tôi đa thời gian khấu hao trong khung quy định của Bộ Tài chính.

PVTrans có nguồn lực nên có thể thực hiện trích khấu hao trước, tạo nên của để dành trong tình hình biến động và mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông. Khấu hao trước nhằm để giảm giá trị đội tàu xuống và hiện tại giá trị đội tàu đang thấp hơn nhiều so với thị trường.

Cổ đông: Kế hoạch thanh lý tàu trong năm nay?

Đại diện PVTrans: Trong năm nay chắc chắn sẽ thanh lý tàu Dragon và một tàu Apollo (tàu nhỏ), lợi nhuận từ thanh lý sẽ có nhưng không nhiều. Công ty cố gắng khai thác các tàu cho đến khi đạt 20-25 tuổi sẽ thực hiện bán thanh lý. Nhiều tàu bán thanh lý của PVTrans hiện nay đã khấu hao hết.

Cổ đông: Chi phí lãi vay bằng VND và USD có thay đổi như thế nào trong thời gian tới?

Đại diện PVTrans: PVTrans luôn tái cấu trúc chi phí lãi vay và áp dụng các giải pháp tài chính để tiết giảm chi phí này. Với các kịch bản dự báo được công ty xây dựng cho năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, dự kiến chi phí lãi vay tối đa là 7,5-8%/năm với USD và 9,5-10%/năm với VND.

Cổ đông: Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2021 hiện tại chưa thực hiện xong, doanh nghiệp có thể cho biết về vướng mắc và liệu có thể gộp với cổ tức năm 2022 để chia trả một lần không?

Đại diện PVTrans: PVTrans là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, do đó thủ tục có sự phức tạp hơn, phải xin ý kiến từ phía Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước. Hiện tại, công ty chỉ còn bổ sung một số giấy tờ. Lần thứ nhất thực hiện sẽ mất nhiều thời gian, đến các lần tiếp theo, khi đã quen trình tự, sẽ thực hiện nhanh chóng hơn.

Cổ đông:  HĐQT chia sẻ về kết quả kinh doanh sơ bộ của quý I/2023?

Đại diện PVTrans: Trong quý I/2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 278 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch (kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 680 tỷ đồng) và tăng 11% so với cùng kỳ.

Chủ tịch Phạm Việt Anh thông tin thêm lợi nhuận năm nay có thể vượt 1.000 tỷ đồng. 

Cổ đông: Năm 2022, mảng vận tải LPG kém hơn vận chuyển dầu hay hoá chất. Trong thời gian tới, triển vọng của mảng này như thế nào?

Đại diện PVTrans: Giai đoạn trước, khi các lĩnh vực khác khó khăn thì LPG chiếm tỷ trọng tốt trong kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, dư địa LPG trong nước chỉ khoảng 1 triệu tấn/năm và không tăng được nữa. Do đó, doanh nghiệp đang phát triển ở thị trường quốc tế nhiều hơn với tỷ trọng vận chuyển LPG là 72% quốc tế và 28% nội địa.

Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp cho biết các tàu vận tải gas hoạt động kinh doanh ổn định hơn so với tàu chở hàng rời.

Đăng Nguyên

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.